ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn

Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.

Sà lan mắc cạn trên kênh Hai và kênh Năng ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Những ngày gần đây, khi mực nước trong hệ thống kênh rạch Đồng Tháp Mười, cụ thể ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang sụt giảm đã gây ra cảnh kẹt tàu thuyền, sà lan. Trên một số đoạn kênh, sà lan chở hàng hóa bị ùn tắc, nằm la liệt trên dòng kênh.

Nghiêm trọng nhất là trên đoạn kênh Hai và kênh Năng thuộc địa bàn xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước) và xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành, Tiền Giang) có hàng chục sà lan chở hàng hóa bị mắc cạn phải neo đậu lại gây ùn ứ giao thông. Nguyên nhân chính là vào mùa hạn mặn, cống đầu kênh xáng Đồng Tâm đóng kín để ngăn mặn, mực nước kênh rạch bên trong sụt giảm; trong khi đó các sà lan chở hàng hóa, nhất là vật liệu xây dựng cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Long Giang, tới đây nước cạn, bị chạm đáy không thể di chuyển.

Giao thông thủy ùn ứ gây rất nhiều khó khăn - Ảnh: Mỹ Tho

Các năm trước cũng vậy vào thời điểm này, khi nước triều giảm thì bề mặt kênh rạch nơi đây thu hẹp, đáy cạn gây cản trở lưu thông đường thủy, làm thiệt hại về kinh tế rất lớn do hàng hóa vận chuyển không kịp thời. Hiện nay, huyện Tân Phước có chủ trương sẽ kêu gọi đầu tư thêm các khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn như: khu công nghiệp Tân Phước 2, khu công nghiệp Nam Tân Phước… do đó việc nâng cấp, mở rộng các tuyến kênh chính cần sớm được các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang và huyện Tân Phước quan tâm.

Tình trạng cạn nước như thế này đã được dự báo từ cuối năm 2023 - Ảnh: Mỹ Tho

Bà Trần Thị Thu Hương, chủ một doanh nghiệp tại xã Tân Lập 1 chia sẻ: “Từ trước giờ cứ vào tháng 3 âm lịch là nước bị cạn khiến tàu thuyền, sà lan mắc lại, năm nào cũng như thế, đã ảnh hưởng đến mọi mặt: người dân thiếu nước tưới tiêu, hoạt động của doanh nghiệp vận tải, hoạt động khu công nghiệp Long Giang bị chậm lại. Bây giờ doanh nghiệp đề nghị cần sớm khai thông, nạo vét kênh Hai, kênh Năng”.

Nhiều kênh thủy lợi và giao thông ở Sóc Trăng cạn sát đáy - Ảnh: L.X.C

Không chỉ ở Tiền Giang, hiện nay nhiều tỉnh ở ĐBSCL giao thông đường thủy giữa những kênh rạch và các con sông cũng đang gặp khó khăn. Việc đi lại, vận chuyển phân bón, vật tư nông nghiệp hay chuyên chở lúa gạo trong vùng cũng gặp khó khăn do mực nước xuống thấp. Ghe trọng tải từ 1 - 2 tấn di chuyển rất khó khăn, còn tàu ghe, sà lan lớn hơn, từ 3 - 5 tấn trở lên thường bị mắc cạn.

Kênh rạch, đường thủy khô cạn ở Sóc Trăng - Ảnh: L.X.C

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, trong mùa khô năm 2024, ít có khả năng xảy ra mưa trái mùa. Dòng chảy mùa khô năm 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước. Triều cường làm tăng nguy cơ mặn xâm nhập sâu và xảy ra gay gắt từ tháng 2 - 5.2024; từ năm 2023, lũ thượng nguồn giảm xuống và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong mùa khô 2024; mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam kiến nghị các địa phương vùng ĐBSCL theo dõi chặt những thông tin dự báo từ các tổ chức như Ủy hội sông Mekong (MRC), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đài khí tượng thủy văn các tỉnh thành, dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam... để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với tình hình hạn mặn ĐBSCL.

Rất nhiều rạch nhỏ ở Tiền Giang bị cạn kiệt nước như thế này - Ảnh: Mỹ Tho

VKK - Mỹ Tho

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dbscl-nhieu-kenh-rach-can-kiet-nuoc-giao-thong-thuy-gap-kho-khan-216659.html