ĐBQH kiến nghị chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, từ năm 2025 – 2035 chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.
![Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51484757/e118b99c8ad2638c3ac3.jpg)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh.
Chiều 15/2, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần quan tâm, đảm bảo phát triển bền vững về con người.
Từ bài học Hàn Quốc, Nhật Bản hơn 33 năm tăng trưởng 2 con số, rồi 29 năm sau đó gần như đi ngang, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngay từ đầu, họ không đặt mục tiêu giữ vững tỉ suất sinh thay thế nên khi đạt được kinh tế, mức sinh không đạt.
Theo đại biểu, Việt Nam cần thực hiện 2 lộ trình gồm: Thúc đẩy kinh tế và giữ vững được tỉ suất sinh thay thế. Muốn một người phụ nữ sinh được 2 con thì lương của 1 người đi làm phải nuôi được mình và đứa con. Nói cách khác lương 2 người đi làm phải nuôi được 4 người. Thế giới gọi là lương đủ sống, chứ không phải lương tối thiểu.
Tuy nhiên, hầu hết các nước phát triển chỉ công bố lương tối thiểu, thực chất là nuôi được bản thân. Nguyên nhân sâu sắc nhất giảm tỉ suất sinh thay thế là: 2 người đi làm nhưng lương không nuôi đủ 2 con.
Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, từ năm 2025 – 2035 chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu. Từ đây đặt ra câu hỏi, lương đủ sống tối thiểu là bao nhiêu?
Lấy ví dụ, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân trao đổi, giả sử người dân ở TP Hồ Chí Minh, 2 vợ chồng có thu nhập khoảng 20 - 21 triệu/tháng mới đủ chi tiêu cho 4 người trong gia đình. Vậy lương đủ sống bình quân 1 người đi làm phải là 10,5 triệu/tháng.
Tuy nhiên, quy định lương tối thiểu vùng 1, trong đó có TP Hồ Chí Minh chỉ 4,96 triệu/tháng. Tức là, muốn tăng lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu phải tăng gấp đôi. “Nếu không tăng thì người dân không đẻ, hoặc đẻ ít vì không nuôi được” – đại biểu Nguyễn Thiện Nhân trăn trở.
Đặt vấn đề, nếu tăng lương, Việt Nam còn hấp dẫn đầu tư? đại biểu Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, chúng ta không lo điều đó. Nếu tính lương bình quân đầu người là 10,5 triệu/tháng thì 1 giờ làm việc, người lao động đạt khoảng 1,9 USD; trong khi hiện nay mới 0,95 USD/giờ.
Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh viện dẫn, các nước đang trả lương 6,9 USD/giờ, gấp 7,26 lần so với Việt Nam hiện nay. Tức là lương đủ sống của Việt Nam chỉ bằng 27% lương tối thiểu của Hàn Quốc. So với Nhật Bản có mức lương 7,23 USD/giờ, Việt Nam chỉ bằng 26% lương tối thiểu của Nhật Bản, con số này tương đương với Mỹ.
Họ sang Việt Nam đầu tư, nếu tăng lương lên mức đủ sống tối thiểu, thì cũng chỉ chiếm 12% - 27% so với lương tối thiểu của họ. 63%-88 % họ hưởng thêm lợi nhuận cũng là điều khá hấp dẫn. So sánh như vậy để thấy, lương đủ sống của Việt Nam vẫn đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, đặt con tàu kinh tế Việt Nam tăng tốc trên 2 đường ray: tăng trưởng cao; đường ray lương đủ sống để đất nước bền vững về con người, dân tộc trường tồn, nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh.