Đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của hàng tỷ người dân trên toàn cầu, mà còn tác động hết sức tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh này, hàng loạt nước đã và đang tăng cường những biện pháp mạnh, quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của dịch, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan nhanh và rộng khắp trên cả nước Nhật Bản, đồng thời có “nguy cơ tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế”, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở bảy tỉnh, thành phố tại Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo. Đây là lần đầu tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở “đất nước Mặt trời mọc”. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền các địa phương được quyền quyết định các biện pháp mạnh như hạn chế sử dụng hoặc tạm thời đóng cửa các cơ sở tập trung đông người, trưng dụng nhà, đất phục vụ công tác y tế khẩn cấp…

Ngay sau khi tình trạng khẩn cấp nêu trên được ban bố, chính quyền bảy tỉnh, thành phố của Nhật Bản, đã đưa ra các biện pháp cần thiết, trong đó, tăng cường những biện pháp yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra ngoài, trừ các trường hợp phục vụ nhu cầu thiết yếu. Chính quyền thủ đô Tokyo và các thành phố khác đã yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài bắt đầu từ ngày 8-4. Thành phố Osaka quyết định cho các trường tiểu học, trung học công lập được nghỉ đến hết tháng 6. Thành phố Hyogo quyết định thuê khách sạn tư nhân làm nơi cách ly những trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nhưng có triệu chứng bệnh nhẹ.

Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ yên (tương đương 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế. Gói kích thích kinh tế khẩn cấp này có quy mô gần gấp đôi so với gói kích thích kinh tế tổng trị giá 56.800 tỷ yên mà Nhật Bản đã thông qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tương đương gần 20% GDP của Nhật Bản. Thủ tướng S.Abe cho biết, gói kích thích kinh tế này gồm các biện pháp tài chính có tổng trị giá 39.000 tỷ yên, trong đó có 6.000 tỷ yên cho chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt tới các hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ; và 26.000 tỷ yên cho chương trình hoãn nộp tiền thuế và an sinh xã hội cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ngày 8-4, Tổng thống Moon Jae-in thông báo, Chính phủ Hàn Quốc đã phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế trị giá 57.300 tỷ uôn (44 tỷ USD) nhằm hỗ trợ phục hồi hoạt động xuất khẩu và đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tổng thống Moon Jae-in cho biết, Chính phủ đã đề xuất bổ sung ít nhất 36.000 tỷ uôn hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp và 17.700 tỷ uôn thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Đây được cho là gói cứu trợ hết sức cần thiết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tuột dốc và nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố kế hoạch tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp lên 100.000 tỷ uôn (80 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ông Moon Jae-in cũng công bố nhiều khoản quỹ đặc biệt để bình ổn các thị trường chứng khoán và trái phiếu trong nước.

Cùng ngày, Chính phủ Thái-lan thông qua gói kích thích kinh tế thứ ba trị giá 1.900 tỷ bạt (58 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19. Loạt các biện pháp kích thích kinh tế này gồm ba sắc lệnh khẩn cấp. Sắc lệnh thứ nhất chuyển từ 80 đến 100 tỷ bạt tới ngân sách trung ương để sử dụng làm các quỹ kích thích. Sắc lệnh thứ hai cho phép Ngân hàng Trung ương Thái-lan (BoT) sử dụng tới 900 tỷ bạt cho các chương trình thúc đẩy nền kinh tế. Sắc lệnh thứ ba cho phép Bộ Tài chính vay tới 1.000 tỷ bạt, trong đó 600 tỷ bạt được sử dụng để hỗ trợ người lao động và dùng cho y tế công cộng, và 400 tỷ bạt sẽ được chi cho các biện pháp khôi phục kinh tế.

Quân đội nhiều nước cũng được huy động tham gia các hoạt động đối phó dịch bệnh. Tại Thụy Sĩ, quân đội đã được huy động với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm hỗ trợ chống dịch. Theo đó, hơn 8.000 binh sĩ đã được huy động, không chỉ hỗ trợ lực lượng y tế mà còn giúp kiểm soát biên giới, hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ an ninh. Trong đó, khoảng 5.000 nhân viên quân y đang hỗ trợ các nhân viên y tế dân sự.

Tại Nga, Bộ trưởng Quốc phòng X.Shoygu cho biết, một cuộc kiểm tra nhanh của bộ này cho thấy, lực lượng vũ trang Nga đã sẵn sàng đối phó dịch Covid-19. Bộ Quốc phòng đã triển khai các trụ sở tác chiến khẩn cấp để ngăn chặn sự lây nhiễm trong quân đội. Bộ đã thành lập 49 nhóm vệ sinh dịch tễ di động để xác định các vật chủ mang vi-rút và tổ chức đối phó kịp thời.

Việc áp dụng những biện pháp quyết liệt, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 nêu trên được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện, một số nước và vùng lãnh thổ lại bắt đầu nới lỏng những quy định về giãn cách xã hội đang được áp đặt để chống dịch bệnh lây lan, sau khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm đã được kiểm soát ở mức thấp. Trong bối cảnh này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi các nước và vùng lãnh thổ không nên dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 quá sớm, để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43995402-day-manh-cuoc-chien-chong-dich.html