'Đau đầu' với chỗ sạc xe điện

Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải (GTVT). Ngành GTVT cũng đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc công cộng hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Một trạm sạc ô tô điện trên địa bàn quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Một trạm sạc ô tô điện trên địa bàn quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Nan giải tìm chỗ sạc

Anh Nguyễn Hải, cư dân chung cư Dreamhome Residence (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) cho hay, rất thích xe máy điện vì chạy êm, không khói bụi, thân thiện môi trường và lại không “nhức đầu” trước thông tin giá xăng tăng liên tục. Vậy nhưng do ở chung cư nên anh gặp nhiều khó khăn về chỗ sạc điện. “Hầm chung cư không có ổ cắm để sạc pin, hàng ngày phải mang xe lên căn hộ tầng 14 để sạc. Căn hộ chỉ chừng 55m2 mà tối nào cũng phải “chứa” thêm một chiếc xe cồng kềnh, chưa kể cứ mang lên mang xuống là bị cư dân đi chung thang máy cự nự”, anh Hải ngán ngẩm. Chưa hết, theo anh Hải, có hôm sáng dậy phát hiện dây cắm sạc bị lỏng chưa vào điện, thế là lại nháo nhào bắt xe ôm đi làm. Vì nhiều thứ bất tiện, anh đã quay lại dùng xe máy chạy xăng, còn xe điện để thỉnh thoảng cuối tuần... đi uống cà phê!

Trước nhu cầu của cư dân về chỗ sạc xe máy, ô tô điện, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Ban Quản trị chung cư Dreamhome Residence, chia sẻ, hiện tại chung cư chưa có phương án để sạc ô tô điện. Về xe máy điện thì đang tham khảo các công ty cung cấp trạm sạc xem như thế nào. Khi nào có thông tin chính thức sẽ báo cho cư dân! Đóng vai người muốn mua căn hộ nhưng băn khoăn về chỗ để sạc ô tô điện dưới tầng hầm của chung cư Orchard Garden nằm trên đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận (TPHCM), Ban Quản trị chung cư cho biết, hiện không còn chỗ cho ô tô, và chung cư cũng không có trạm sạc điện cho ô tô, nên cư dân có về sinh sống thì vui lòng đem đi nơi khác gửi.

Khảo sát một vòng các chung cư khác, tình hình chung là khá nan giải để tìm chỗ sạc xe máy, ô tô điện bởi hầu hết đều chưa có trong thiết kế ban đầu cũng như chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Người dân muốn sử dụng xe máy, ô tô điện thì tự xoay xở để tìm chỗ sạc nên rất bất tiện.

Hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc

Bộ KH-CN đã ban hành 11 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về trạm sạc xe điện, trong đó có 9 tiêu chuẩn về trạm sạc và 2 tiêu chuẩn về hoàn đổi pin xe điện. Hiện đang xây dựng tiếp 18 tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện và các thiết bị điện liên quan như đầu sạc, dây cáp sạc, thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện. Trong thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này.

Sớm ban hành quy chuẩn

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình phát triển hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam nhìn chung là chậm. Hiện tại, chỉ có duy nhất VinFast sở hữu hơn 150.000 cổng sạc, nhưng chưa đưa ra thông tin chính thức về kế hoạch mở rộng hệ thống trạm sạc giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, hãng xe điện lớn nhất Việt Nam này khẳng định, “sẽ không chia sẻ hạ tầng trạm sạc cho các hãng đối thủ dùng chung trong ít nhất 10 năm nữa”. Ngoài ra, một số doanh nghiệp ngành năng lượng đã bắt đầu triển khai các dự án xây dựng, lắp đặt trạm sạc, cổng sạc để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô của các dự án này còn nhỏ.

Theo ghi nhận, tại TPHCM và một số tỉnh lân cận, không chỉ có các khách hàng mua ô tô điện nhập khẩu mà ngay cả người dùng ô tô điện của VinFast cũng bắt đầu gặp khó khăn trong vấn đề sạc pin hàng ngày. Trên các hội, nhóm về ô tô điện, nhiều người cho rằng, sẽ không có vấn đề gì nếu thực hiện các chuyến đi ngoại tỉnh, thậm chí đi xuyên Việt bằng xe điện, bởi vì trạm sạc của VinFast có ở khắp các tuyến quốc lộ, trạm dừng chân. Thế nhưng, khi ngày càng có nhiều người mua xe điện thì việc di chuyển trong thành phố bắt đầu nảy sinh rắc rối. Đáng nói hơn, kể từ khi dịch vụ taxi điện ra đời và các hãng taxi đua nhau đầu tư, đã dẫn đến tình trạng các điểm sạc luôn kín chỗ.

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc lắp đặt trạm sạc xe điện phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng như: bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế; sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng; bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường. Điều kiện để lắp đặt thiết bị sạc điện phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể: chỉ bố trí tại khu vực để xe theo thiết kế xây dựng đã được thẩm định và cấp giấy phép xây dựng theo quy định; việc lắp đặt trong công trình hiện hữu phải đảm bảo yêu cầu không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình; các thiết bị sạc điện phải được cơ quan chức năng đánh giá và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn liên quan, đảm bảo yêu cầu ngắt kết nối khi có nguy cơ điện giật, cháy nổ...

Như vậy, chủ đầu tư chung cư có thể xây dựng, lắp đặt các trạm sạc xe điện, tuy nhiên cần đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về phòng chống cháy, nổ và an toàn điện, an toàn xây dựng nhằm đảm bảo công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; bảo vệ môi trường... Trong khi đó, Sở Công thương TPHCM đang soạn thảo văn bản cung cấp các quy định liên quan đến trạm, trụ sạc điện cho ô tô, xe máy...

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Cấp phép xây dựng trạm sạc phải dựa vào nhiều yếu tố

Đối với các công trình đường bộ, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó quy định phải có trụ sạc cho xe điện tại các trạm dừng nghỉ. Đối với đường đô thị, công trình đô thị, việc bố trí, cấp phép xây dựng trạm, trụ sạc thuộc thẩm quyền của các địa phương.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, đặc biệt là các trạm sạc tại các công trình hiện hữu, các cơ quan quản lý cần xem xét đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như: có thiết kế và tiêu chuẩn cho trạm sạc (vì hiện nay các hãng sản xuất xe điện cũng có nhiều chuẩn sạc khác nhau và chưa có sự thống nhất chung), khu vực đặt trạm sạc; phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; an ninh; phù hợp với quy hoạch lưới điện; bảo đảm an toàn giao thông; an toàn phòng cháy, chữa cháy; chống rò rỉ điện khi xảy ra các hiện tượng thiên tai như ngập úng, lũ lụt...; đồng thời phải tuân thủ các quy định về quản lý nhà nước của địa phương và các bộ chuyên ngành.

Ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng): Sẽ hoàn thiện các cơ sở pháp lý

Việc bố trí công năng để xe tại tầng hầm của các công trình đã được quy định cụ thể tại QCVN 13:2018/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara ô tô, trong đó không cấm việc bố trí xe điện tại tầng hầm các công trình. Tuy nhiên khi bố trí, thiết kế và sử dụng cần bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy và các quy định của pháp luật về xây dựng có liên quan.

Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 766/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mêtan của ngành GTVT. Tại quyết định này, Bộ Xây dựng đã giao Vụ Quy hoạch Kiến trúc rà soát QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng; nghiên cứu, bổ sung quy định về hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho các phương tiện giao thông tại các đô thị, trạm xe đạp công cộng (thời gian thực hiện từ năm 2023-2025). Với sự phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong thời gian tới các cơ quan quản lý sẽ có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Theo sggp.org.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202405/dau-dau-voi-cho-sac-xe-dien-1011449/