Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe thay đổi ra sao sau 15 năm?

15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Cơ sở vật chất ngày càng hiện đại

Báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 cho biết, hiện cả nước có 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố và 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô được phân bổ ở 58 tỉnh, thành phố.

5 địa phương chưa có trung tâm sát hạch lái xe ô tô gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bạc Liêu.

Cở sở vật chất tại các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe ngày càng được đầu tư hiện đại, khang trang.

Cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư, xây dựng theo hướng hiện đại hóa.

Những sân tập lái từ các bài tập theo hình thức dựng hình tại các khu đất, nay đã được bê tông hóa hoặc trải nhựa. Các hình tập cũng được chuẩn hóa để phù hợp với các tình huống trong thực tế.

Nếu như xe tập lái ban đầu chủ yếu là xe thế hệ cũ, đã qua nhiều năm sử dụng thì đến nay, xe tập lái hạng B1, B2 phần lớn có niên hạn sử dụng dưới 10 năm, chiếm tỷ lệ 76%.

Đội ngũ giáo viên cũng từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên, có trình độ về tin học, ngoại ngữ, có thâm niên giấy phép lái xe đảm bảo yêu cầu dạy lái, được tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành và thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ.

Về bộ giáo trình đào tạo lái xe ô tô sau nhiều lần nghiên cứu biên soạn, sửa đổi trên cơ sở tham khảo tài liệu các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, có chất lượng, đến nay được xây dựng gồm 5 môn học: Luật Giao thông đường bộ, cấu tạo và sửa chữa thông thường ô tô, nghiệp vụ vận tải, kỹ thuật lái xe ô tô, đạo đức và văn hóa giao thông, kỹ năng xử lý các tình huống trên đường, sơ cấp cứu người bị TNGT, phù hợp với thực tiễn.

Về công tác quản lý đào tạo, đến nay, Bộ GTVT đã xây dựng phần mềm quản lý thống nhất từ khâu đào tạo đến khi sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), áp dụng phần mềm quản lý giáo viên trên toàn quốc nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo.

Từ ngày 1/5/2020, triển khai quy định lắp đặt thiết bị để nhận dạng và giám sát thời gian học lý thuyết môn học Luật Giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô.

Nghiên cứu, soạn thảo, trình Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định ban hành 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học thực hành lái xe và thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ô tô - cabin học lái xe ô tô để các cơ sở đào tạo lái xe lắp đặt và thực hiện quản lý trong năm 2022.

Cùng đó, xây dựng 120 kịch bản mô phỏng các tình huống giao thông để xây dựng phần mềm chuyển giao cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch.

Năm 2017, trong chương trình hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tổ chức đường bộ Vicroad của Australia đã khảo sát nội dung, chương trình, giáo trình, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý GPLX của Việt Nam tại một số tỉnh phía Bắc và đã có đánh giá về chương trình đào tạo sát hạch cấp GPLX của Việt Nam chặt chẽ và hiện đại so với Australia và một số nước phát triển.

Đối với sát hạch lý thuyết, từ việc sát hạch trắc nghiệm trên giấy với bộ đề thi 150 câu hỏi (năm 1995), ngành GTVT đã xây dựng bộ 300 câu hỏi (từ năm 2005), 405 câu hỏi (từ năm 2009), 450 câu hỏi (từ năm 2012) và 600 câu hỏi (từ năm 2020), thường xuyên rà soát, sửa đổi nội dung cho phù hợp với thực tế; cùng đó triển khai sát hạch lý thuyết trên phần mềm máy tính với các đề sát hạch ngẫu nhiên.

Đặc biệt, phòng sát hạch lý thuyết được gắn các camera giám sát và truyền ra màn hình trong phòng Hội đồng sát hạch, phòng chờ sát hạch của thí sinh để công khai, giám sát và lưu trữ quá trình, kết quả sát hạch lý thuyết của từng học viên.

Hiện nay, dữ liệu giám sát còn được truyền về Cục Đường bộ VN để quản lý, theo dõi và chia sẻ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước giám sát quá trình sát hạch lý thuyết của từng học viên.

Tại các cơ sở sát hạch GPLX đều lắp camera giám sát các phần thi sát hạch đảm bảo tính minh bạch, công khai, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX toàn quốc.

Trong sát hạch mô phỏng, học viên cũng thực hiện bài sát hạch trên máy tính với các đề ngẫu nhiên lấy trong bộ 120 video mô phỏng các tình huống mất an toàn giao thông do Cục Đường bộ VN xây dựng. Tương tự như sát hạch lý thuyết, phòng sát hạch mô phỏng cũng gắn các camera giám sát.

Đối với sát hạch thực hành lái xe trong hình, trước đây, từ các bài sát hạch tiến và lùi xe qua các cọc chuẩn, cán bộ sát hạch ngồi trên xe cùng với thí sinh để chấm điểm; đến nay, sân sát hạch được xây dựng theo quy chuẩn, có đủ tình huống tương tự như các tình huống khi tham gia giao thông trên đường giao thông thực tế.

Khi sát hạch, không có cán bộ sát hạch ngồi trên ô tô, thí sinh tự điều khiển ô tô qua các bài sát hạch trong sân, thiết bị tự động chấm điểm, trực tiếp thông báo kết quả trên ô tô sát hạch và biên bản tổng hợp được in ra từ máy tính có in ảnh người dự thi.

Trong quá trình thí sinh thực hiện bài sát hạch, các lỗi vi phạm và kết quả sát hạch của thí sinh tại từng bài sát hạch được công khai trên loa phóng thanh, loa trong ô tô sát hạch, máy tính trên phòng điều hành và màn hình theo dõi tại phòng chờ sát hạch để thí sinh và người dân giám sát.

Hiện nay, hệ thống camera giám sát được lắp tại các bài sát hạch trong sân sát hạch để công khai tại các màn hình của trung tâm sát hạch và được truyền trực tiếp về Cục Đường bộ VN.

Sát hạch lái xe trên đường giao thông công cộng được thực hiện trên đoạn đường có đủ điều kiện được công bố công khai, sát hạch viên ngồi trên xe trực tiếp ra các tình huống, thiết bị tự động chấm điểm, trực tiếp thông báo kết quả trên ô tô sát hạch; biên bản tổng hợp được in ra trên xe sát hạch và lưu trữ trên máy tính, các lỗi vi phạm và kết quả sát hạch của thí sinh được công khai trên loa trong ô tô sát hạch và màn hình theo dõi tại phòng chờ sát hạch để thí sinh và mọi người giám sát.

Theo báo cáo, trước đây, khi thi bằng phương pháp thủ công, có sát hạch viên ngồi trên xe, tỷ lệ đạt khoảng 90 - 95%.

Qua việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động trong tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình, lái xe trên đường, tổ chức giám sát các kỳ sát hạch bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp thông qua hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình; việc sát hạch lái xe được thực hiện công khai minh bạch, hạn chế sự can thiệp của con người vào kết quả sát hạch nên chất lượng sát hạch đã nâng cao rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp, được dư luận rất đồng tình, đánh giá cao. Hiện nay, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe khoảng 65%.

Giấy phép lái xe cũng được đổi từ vật liệu bìa giấy sang vật liệu PET có độ bền và tính bảo mật cao.

Đổi mới GPLX từ giấy bìa sang vật liệu PET

Thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng triển khai các dự án nhằm hiện đại hóa công tác sát hạch, cấp và quản lý GPLX, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Trong đó đã xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc và đổi mới GPLX, GPLX mới bằng vật liệu PET thay thế vật liệu bằng giấy bìa có độ bền cao hơn, không thấm nước, kích thước nhỏ gọn theo tiêu chuẩn IDI theo thông lệ quốc tế, tính an toàn, bảo mật cao trên 3 cấp độ: phát hiện thật, giả bằng mắt thường, thấu kính soi, tra cứu trên hệ cơ sở dữ liệu được cơ quan, lực lượng chuyên môn thực hiện.

Đặc biệt, khi chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET, các thông tin về người lái xe trong suốt quá trình đào tạo, sát hạch và vi phạm khi hành nghề hoặc tham gia giao thông... được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX quốc gia, tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ đảm bảo việc truy cập, tra cứu nhanh chóng, tiện lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu.

Vì vậy, đã hạn chế đến mức thấp nhất việc làm giả, giảm bớt thủ tục cấp, đổi GPLX. Thống kê đến tháng 12/2023, cả nước đã cấp hơn 11,5 triệu GPLX ô tô và hơn 52 triệu GPLX mô tô.

Nhờ triển khai đổi GPLX trực tuyến cấp độ 4 qua cổng dịch vụ công quốc gia đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí, thời gian.

Đổi GPLX trực tuyến cấp độ 4 qua cổng dịch vụ công quốc gia

Cùng đó, thực hiện Quyết định số 06/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu GPLX với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện đã thực hiện đồng bộ khoảng 37 triệu GPLX; Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đổi GPLX từ quý IV/2015 và thí điểm thực hiện mức độ 4 đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia từ tháng 7/2020 và hoàn thành mở rộng dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022.

Tính đến hết tháng 2/2024, hệ thống đã tiếp nhận trên 154.852 hồ hoàn thành xử lý, trả kết quả hơn 138.000 GPLX cho người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 141 của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về giao thông đường bộ năm 1968, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 29/2015 quy định về cấp, sử dụng GPLX quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại các nước tham gia Công ước; đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong việc đổi GPLX quốc tế và thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính đến người dân qua dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay, đã cấp gần 70.000 GPLX quốc tế.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dao-tao-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe-thay-doi-ra-sao-sau-15-nam-192240429152252376.htm