Đánh thức tiềm năng phố cổ tại Huế

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn giá trị những khu phố cổ tại Huế về lịch sử, văn hóa, phát huy ưu thế vốn có để tạo điều kiện phát triển du lịch, gắn với lợi ích của cộng đồng.

Vẫn là bài toán khó

Ngày 22/12, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ tại Huế. Đại biểu tham dự tập trung thảo luận các vấn đề về thiết chế những khu phố cổ ở Huế; vai trò của các khu phố cổ trong việc hình thành di sản văn hóa; giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ trong phát triển du lịch; kết nối không gian các khu phố cổ với hệ thống di tích Cố đô Huế.

Theo TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tiến trình phát triển đô thị, các khu phố cổ tại Huế mang những giá trị về kiến trúc độc đáo, đa dạng, phản ánh đời sống tinh thần của cư dân qua các thời kỳ.

Các đại biểu tham cùng thảo luận, đưa ra giải pháp để giúp đánh thức tiềm năng phố cổ tại Huế.

Với các ngành nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn với quá trình đô thị hóa của vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Nhiều thế kỷ qua, với sự thay đổi của cấu trúc đô thị ở Huế, sự tác động của thời cuộc và nhu cầu phát triển của vùng đất đã làm biến đổi cấu trúc các khu phố cổ tại Huế.

“Các khu phố cổ là yếu tố quan trọng nối kết các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý, bảo tồn để phát huy giá trị. Tuy nhiên, việc làm như thế nào để bảo tồn di sản, đồng thời phát huy giá trị để đảm bảo lợi ích cộng đồng, góp phần vào phát triển kinh tế vẫn là bài toán khó” - TS Phan Tiến Dũng nói.

Hình thành tour du lịch

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, trong thời gian qua, chính quyền đã cố gắng triển khai một số hoạt động nhưng hiệu quả đạt được chưa được bao nhiêu.

Công cuộc triển khai Di sản văn hóa - lịch sử khu vực phố chợ cổ Huế cũng còn phải gắn liền với các hoạt động du lịch tại cố đô. Có thể hình thành các tour: Du lịch phố cổ - thành cổ; Văn hóa tâm linh phố cổ; Du lịch sinh thái làng xã ven đô, ven sông Hương gắn với Lễ hội của cộng đồng cư dân Việt, Hoa, Ấn.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Văn Đăng, nhận thức về các giá trị di sản phố cổ, quyết tâm triển khai chương trình, chủ trương lớn về du lịch, làm phong phú hơn những loại hình du lịch dịch vụ là công việc đòi hỏi giới làm du lịch Huế phải thực sự quan tâm đúng mức.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phát biểu tại Hội thảo.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế cho rằng, không nên gọi khu vực phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh, mà nên gọi là đô thị cổ, vì khu vực này khác với phố cổ Hội An. Thực sự khu vực Hội An toàn bộ là phố cổ. Còn đối với khu vực Gia Hội - Chợ Dinh, ngoài phố cổ người Hoa mang trong mình những giá trị rất độc đáo, thì có hệ thống các dinh, phủ ông hoàng, bà chúa từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Khải Định. Với hệ thống, đình, chùa, Quốc tự Phật giáo…, sự quy tụ ở đây không chỉ của người Hoa, mà còn nhà thờ của người Ấn Độ.

Ông Hoa cho rằng, khu vực này xứng đáng để định danh là 1 đô thị cổ, trong đó có người Hoa, người Ấn Độ, người Nhật Bản, có hệ thống quốc tự, đền, chùa, phủ, đệ, cộng đồng cư dân của người Việt kéo dài từ thời chúa Nguyễn đến hiện tại, kể cả thời kỳ Pháp thuộc.

Sẽ triển khai các dự án vào năm 2024

Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho biết, thời gian qua, chính quyền đã cho triển khai các đồ án nghiên cứu để bảo tồn, phát triển phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, Chi Lăng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần có sự thận trọng trong nghiên cứu để đưa ra định hướng phát triển. Sau quá trình chuẩn bị, vào năm 2024, TP Huế sẽ bắt đầu cho triển khai để lập dự án, chỉnh trang, tái thiết lại khu vực phố cổ Bao Vinh.

Song song với đó, TP sẽ triển khai quyết liệt để thực hiện đúng và tốt đồ án quy hoạch sông Hương, khu vực công viên và đường Trịnh Công Sơn. Trên cơ sở triển khai khu vực đường và công viên Trịnh Công Sơn, sẽ tạo ra một nền tảng để phát huy, khai thác khu vực phố cổ Chi Lăng.

Phố cổ Bao Vinh. Ảnh: Nguyễn Phong

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng với TP Huế triển khai đầu tư, chỉnh trang ở tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Đằng. TP Huế đã cho nghiên cứu và triển khai dự án chỉnh trang hạ tầng ở khu vực Bạch Đằng, liên quan giữa khu vực Gia Hội, Chi Lăng, Chợ Dinh để đẩy toàn bộ khu vực đô thị cổ này lên.

Ông Phan Thiên Định hy vọng trong năm 2024 có thể có những khởi động để triển khai các dự án cụ thể cho một số khu vực này. Trên cơ sở đó, các năm tiếp theo sẽ tiến hành khai thác, phát huy giá trị các khu phố cổ, đặc biệt là việc phát huy, phát triển các dịch vụ du lịch. Trên cơ sở đó tạo công ăn, việc làm và giúp cho người dân có thêm các thu nhập tốt hơn từ việc bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của các khu phố cổ.

Anh Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-thuc-tiem-nang-pho-co-tai-hue.html