Đồng bào Việt Bắc hướng về Điện Biên Phủ

70 năm đã đi qua, nhưng với những người con quê hương Việt Bắc, chiến dịch Điện Biên năm ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức.

Trong chiến dịch Điện Biên phủ, đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc đã góp sức người sức của và cả những hy sinh xương máu trong 56 ngày đêm :"khoét núi ngủ hầm, cơm dầm mưa vắt". Trong lớp lớp người tiến ra mặt trận năm đó, ngoài những thanh niên tham gia lực lượng bộ đội chủ lực còn có hàng ngàn dân công hỏa tuyến vận lương, tải đạn, phục vụ cho tiền tuyến…. 70 năm đã đi qua, nhưng với những người con quê hương Việt Bắc, chiến dịch Điện Biên năm ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức.

Bà Phạm Thị Thu, thôn Chộc Toòng, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn nhớ lại những ngày tháng tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ

Ở tuổi 90, bà Phạm Thị Thu, hiện sống tại thôn Chộc Toòng, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn lưu giữ trong ký ức về một thời hoa lửa khi là thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên chiến trường Điện Biên. Năm 1950, khi mới 15 tuổi, cô gái với dáng người nhỏ nhắn đã trở thành thế hệ TNXP đầu tiên của đất nước, tham gia công tác đảm bảo giao thông ở quê hương. Năm 1954, vẫn theo tiếng gọi của Đảng, của tiền tuyến, cô gái có dáng người nhỏ bé nặng chưa đầy 40kg lại cùng đồng đội tham gia dân công hỏa tuyến, mở đường, đảm bảo giao thông tại chiến trường Điện Biên Phủ. Nhớ về quãng thời gian gần 5 năm tham gia TNXP, bà Phạm Thị Thu không thể nào quên những ngày tháng đầy tự hào ở chiến trường Điện Biên. Đặc biệt là lần được gặp Bác Hồ tại thôn Thạch Ngõa, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn vào năm 1951 đã tiếp thêm ý chí, nghị lực cho cô thanh niên xung phong lên đường vào chiến trường.

“Gặp Bác Hồ ở Thạch Ngõa, Bác đã nói hiện đang có giặc xâm lược nước mình, giờ già trẻ, trai gái đều phải tham gia đánh giặc, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Khi ấy chỉ thấy căm thù thực dân Pháp thôi, không có nó tôi đã không phải đói, không phải khổ, không phải đi làm thuê cho địa chủ, rồi mù chữ. Lúc đi thì dân công hỏa tuyến thì chỗ nào cần mình đến thôi, lúc ấy gian khổ, vất vả những vẫn thấy vui, thấy sung sướng vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi"- bà Phạm Thị Thu nói.

Ông Vũ Văn Tuất cho biết, khi ấy dù thể trạng chỉ chưa đầy 50kg, nhưng trên xe đạp thồ lúc nào cũng chở từ 80-100kg hàng hóa ra chiến trường.

Để tiếp sức cho chiến trường, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bắc Kạn đã thành lập Đại đội dân công hỏa tuyến hướng về Tây Bắc. Nhiều người con của vùng Việt Bắc đã xung phong lên đường chi viện cho tiền tuyến. Ông Đinh Viết Tý, hiện sống tại phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn nhớ lại thời điểm sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ông cùng hơn 100 thanh niên được tham gia Đại đội dân công hỏa tuyến Bắc Kạn, lên đường phục vụ chiến đấu. Hành trang mang theo của ông Tý là chiếc xe đạp, tài sản lớn nhất của gia đình. Đại đội dân công hỏa tuyến bằng xe thồ của Bắc Kạn trực tiếp nhận nhiệm vụ vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm lên chiến trường:

“Tinh thần thanh niên lúc ấy rất hăng hái, chấp hành nghiêm lệnh nên ở Bắc Kạn này có nhà hai chú cháu, hai anh em ruột đi rất nhiều, nhà ai có xe thì đi. Lúc ấy xe đạp hiếm lắm, không như bây giờ, ai không đi được giao xe cho chính quyền cử người khác khỏe mạnh đi. Lúc ấy chúng tôi biên chế theo “tam tam chế”, mỗi người 1 xe, nhưng đến dốc 3 người đấu với nhau, một người cầm xe, một người kéo, một người đẩy thì mới qua dốc được, những con dốc cao hơn mặt, cứ mặt đất với mặt người như sát với nhau”-Ông Đinh Viết Tý kể lại.

Ông Vũ Văn Tuất, hiện sống ở tổ 5, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn cũng là một trong những chiến sỹ đại đội xe đạp thồ năm đó đã không nhớ nổi bản thân cùng đồng đội đã chở bao chuyến, tải bao tấn hàng ra chiến dịch và bao lần đối mặt với khó khăn, gian khó. Khi ấy, những chàng trai nặng chưa đầy 50kg nhưng trên xe lúc nào cũng thồ từ 100kg thậm chí là 120kg hàng hóa.

“Đi xe đạp thồ cũng không phải dễ, lên đèo phải có lúc 4 người phụ, 2 người kéo đằng trước, 2 người đẩy đằng sau bằng gậy chống xe ấy. Mình đi một mình thì nhỏ bé nhất đoàn như tôi cũng phải 80kg hàng hóa, lúc lên thì thường 3 người thôi, nhưng lên đèo 3 tạ hàng ấy phải có 5 người, cả anh cầm lái mới lên được những đèo Tây Bắc. Lúc ấy toàn đường đất, mưa xuống rất khổ, mà phải đi đêm là chính. Tôi sang khoảng 1 tháng mới có pháo cao xạ bảo vệ, chứ lúc trước chúng thả bom napan, cháy khiếp lắm, có chỗ ghi-đông xe bằng nhôm chảy thành cục ấy”-Ông Vũ Văn Tuất nhớ lại.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn thăm, tặng quà ông Vũ Văn Tuất, hiện sống tại tổ 5. phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Ông Vũ Văn Tuất là dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Quân, Chiến sỹ Điện Biên, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng, Trường Đảng Tổng cục Hậu Cần, Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, Bắc Kạn khi đó là tỉnh đầu tiên được giải phóng, đã trở thành một trong những tuyến giao thông quan trọng phục vụ cho chiến trường.

Với ông Nguyễn Quân việc được phục vụ cho chiến trường Điện Biên là niềm tự hào và có những ký ức không thể nào quên: “Quân và dân Bắc Kạn đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ con đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn được, nhu yếu phẩm từ biên giới về và chuyển sang Tây Bắc. Tại đây đã thành lập các kho trạm bảo vệ lương thực thực phẩm, đạn dược. Bắc Kạn đã sử dụng 3 đại đội bảo vệ kho đó đồng thời là nhân lực bốc vác cho chuyến ô tô vận chuyển cho chiến dịch này”.

Đã 70 năm trôi qua kể từ khi chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng khắp thế giới, đập tan chủ nghĩa thực dân của Pháp, những người lính năm xưa luôn bộc lộ lý tưởng sống, chiến đấu rất cao đẹp. Với truyền thống quê hương cách mạng, đồng bào các dân tộc Bắc Kạn nói riêng, vùng Việt Bắc nói chung đã không quản hy sinh, gian khổ góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dong-bao-viet-bac-huong-ve-dien-bien-phu-post1093493.vov