Đánh thức nội lực nhóm dân tộc thiểu số

Làm thế nào để giá trị văn hóa thành chất liệu mới, hấp dẫn, để sản phẩm mang hơi thở truyền thống và hiện đại? Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link TRẦN TUYẾT LAN cho biết, đó là con đường Craft Link đồng hành với các nhóm dân tộc thiểu số phát triển nghề thêu, dệt.

Hướng tới giá trị bền vững

- Là một trong số ít doanh nghiệp xã hội đồng hành lâu dài cùng các nhóm dân tộc thiểu số phát triển nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề thêu, dệt, điều gì làm nên sự khác biệt của Craft Link?

Bà Trần Tuyết Lan cùng nghệ nhân trong không gian trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống của người Dao Đỏ tại Hà Nội. Ảnh: Craft Link

- Năm 1996, xuất phát từ ý tưởng của 8 thành viên sáng lập, Craft Link ra đời, cùng với sự trợ giúp ban đầu của một số tổ chức phi chính phủ quốc tế. Thời điểm đó, chúng tôi thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link với hai mảng hoạt động là kinh doanh và phát triển. Trong đó, Craft Link hỗ trợ các nhóm sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh được dùng để tài trợ cho các dự án phát triển, hỗ trợ các nhóm sản xuất dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đây là một trong những điểm đặc biệt khiến Craft Link khác với một số tổ chức khác: phi lợi nhuận không phải không có lãi, mà lợi nhuận được sử dụng quay vòng hỗ trợ phát triển các dự án sản xuất mới.

- Bà đánh giá thế nào về hiệu quả tác động của các dự án Craft Link đã thực hiện?

- Đến nay, Craft Link đã hỗ trợ gần 70 nhóm từ khắp các vùng miền Tổ quốc với trên 6.000 người được hưởng lợi. Mỗi năm, chúng tôi triển khai đều đặn 2 - 4 dự án, mỗi dự án kéo dài 1 - 3 năm tùy theo năng lực của từng nhóm dân tộc thiểu số. Đồng bào được hướng dẫn, tập huấn kiến thức điều hành nhóm, kỹ năng làm sổ sách đơn giản, tính giá thành và giá bán, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Quan trọng nhất chúng tôi tập huấn về thiết kế mẫu mã, phát triển và hoàn thiện sản phẩm cũng như quản lý chất lượng, marketing… Thông thường khi kết thúc dự án, các nhóm đều có khả năng tự quản lý và điều hành, tiến tới phát triển độc lập và bền vững. Họ cũng có khả năng tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào Craft Link.

- Đưa kỹ thuật, cách thức vận hành, phát triển sản phẩm mới vào nghề thêu, dệt thủ công truyền thống, liệu có nguy cơ đánh mất bản sắc vốn được lưu truyền từ đời này sang đời khác của bà con dân tộc hay không?

- Chúng tôi quan niệm các nhóm càng có cơ hội làm nhiều sản phẩm thì kỹ năng của họ càng được phục hồi, qua đó văn hóa truyền thống được lưu giữ, phát huy và lan tỏa. Phát triển không phải thay thế kỹ thuật thêu, dệt bằng cách làm theo kiểu công nghiệp, mà là đưa họa tiết, hoa văn truyền thống vào sản phẩm mới có công năng sử dụng cao, phù hợp với cuộc sống đương đại. Ở đây, nghệ nhân là trung tâm của sự phát triển. Cán bộ của Craft Link sẽ thiết kế sản phẩm mới vừa kế thừa và phát huy được bản sắc, ý nghĩa văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với xu hướng đương đại. Tôi tin rằng sự kết hợp đó sẽ mang lại giá trị bền vững.

Đem lại những nụ cười thoải mái

- Là cầu nối đưa đặc sắc của nghề thêu, dệt truyền thống đến với đời sống đương đại, bà nhận thấy công chúng đón nhận các giá trị văn hóa này như thế nào?

- Thông qua các dự án đã được tiến hành cũng như nhiều sự kiện truyền thông, hội chợ, triển lãm mà Craft Link hỗ trợ các nhóm tham gia, chúng tôi nhận thấy khách hàng rất quan tâm đến những sản phẩm mang bản sắc truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số. Một số người thậm chí muốn tìm hiểu sâu về các nhóm dân tộc thiểu số với mục đích hỗ trợ họ duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa đó đến các thế hệ mai sau.

- Các nghệ nhân tham gia dự án của Craft Link đã thay đổi ra sao?

- Có lẽ, thay đổi thấy ngay được là họ có thêm thu nhập. Sau khi hỗ trợ thiết kế, phát triển sản phẩm, chúng tôi cũng hỗ trợ bà con đưa sản phẩm ra thị trường thông qua các kênh bán sỉ, bán lẻ và xuất khẩu. Từ đây, thu nhập của họ đã tăng lên. Hiệu quả thứ hai giá trị hơn rất nhiều nhưng chưa thể nhìn thấy ngay và thấy hết được, đó là phát huy nội lực của nghệ nhân người dân tộc thiểu số. Đơn cử với các nhóm người Mông, trước khi tham gia dự án họ hầu như không ra khỏi làng bản, nhiều chị em nơi xa nhất mà họ đặt chân đến chỉ là trung tâm xã, chợ phiên… Sau khi tham gia dự án, họ tự tin ra ngoài, gặp gỡ, tự hào giới thiệu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho công chúng, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế... Đó là hành trình vươn lên thực sự đáng trân trọng.

- Phải chăng những thay đổi đó cũng chính là động lực để Craft Link tiếp tục đồng hành với bà con dân tộc thiểu số?

- Tôi xin kể câu chuyện khi chúng tôi thực hiện dự án khôi phục nghề thêu của nhóm phụ nữ Mông ở xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An, sau hai năm kết thúc dự án, đội đánh giá dự án quay lại hỏi chị em nhận thấy thay đổi gì? Một chị trả lời: “Bây giờ chúng tôi có thể cười thoải mái”. Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ nhờ tham gia dự án, chị có thu nhập nhiều hơn, được giao lưu nhiều hơn nên đời sống thoải mái, cười nhiều hơn. Nhưng hỏi kỹ hơn mới biết trước kia phụ nữ Mông vùng này sống quá nghèo khổ, nhiều người tuổi còn trẻ nhưng do ăn uống thiếu chất, thiếu dinh dưỡng nên răng bị rụng rất sớm, khi cười luôn phải che miệng. Sau khi tham gia dự án, họ có thêm thu nhập từ chính nghề truyền thống, có tiền chữa răng, trồng răng giả, nên giờ đây họ có thể thoải mái cười mà không phải che miệng. Nỗ lực của Craft Link chính là đem lại những nụ cười thoải mái như thế cho bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

- Sau hành trình 27 năm đồng hành với các nhóm dân tộc thiểu số, mục tiêu sắp tới của Craft Link là gì?

- Craft Link ra đời gắn với 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số khôi phục văn hóa thông qua hỗ trợ hoạt động lưu giữ nghề thủ công. Thứ hai, giúp họ tăng thu nhập thông qua hoạt động marketing sản phẩm truyền thống. Thứ ba, giúp nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số, cũng như tiềm năng phát triển từ nghề truyền thống. Thời gian tới, chúng tôi vẫn kiên định những mục tiêu này.

Sau hai năm chững lại vì đại dịch Covid-19 và chỉ có thể tập huấn từ xa, giờ đây, Craft Link nỗ lực vực lại và xây dựng các nhóm từ đầu, hỗ trợ các nhóm khắc phục những lĩnh vực mà họ yếu kém. Ngoài ra, trong năm nay chúng tôi đưa ra nhiều dự án mới, gắn với chuỗi trình diễn nghề thủ công truyền thống xuyên suốt cả năm. Tin rằng thông qua những hoạt động da dạng như vậy sẽ giúp bà con dân tộc thiểu số thêm trân trọng, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của mình.

- Xin cảm ơn bà!

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/danh-thuc-noi-luc-nhom-dan-toc-thieu-so-i336340/