Đánh giá kỹ tác động chính sách, quy định mới của dự án Luật Căn cước

Sáng 14.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tạo cơ sở pháp lý để đột phá về chuyển đổi số

Trình bày Tờ trình dự án Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua hơn 7 năm thi hành, Luật Căn cước công dân hiện hành đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật hiện hành để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

Để cụ thể hóa một số chính sách được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 Điều, so với Luật hiện hành đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết xây dựng Luật Căn cước nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số.

Để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, Thường trực Ủy ban đề nghị, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử; kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tới các bộ, ngành, địa phương, nhất là bảo đảm việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của chính quyền cơ sở cấp xã, cấp huyện, của các tổ chức được giao thực hiện dịch vụ công…

Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Qua các ý kiến tại phiên họp, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân năm 2014; ghi nhận hồ sơ dự án Luật về cơ bản bảo đảm các yêu cầu của Điều 64, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, tuân thủ Hiến pháp; đánh giá kỹ tác động của các chính sách, các quy định mới và bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành, bảo đảm đúng với chủ trương của Đảng. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự đồng thuận, thống nhất thì kiên quyết làm và luật hóa; những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ và chưa có sự thống nhất cao thì tiếp tục nghiên cứu để thí điểm đến khi có đủ cơ sở thì luật hóa.

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Quốc và phòng An ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội sớm có thông báo kết luận của phiên họp và phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm. Trong đó, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau phải được giải trình thấu đáo, có tính thuyết phục, thực hiện đúng tinh thần không để ý kiến nào của đại biểu Quốc hội, của cơ quan thẩm tra không được giải trình.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/danh-gia-ky-tac-dong-chinh-sach-quy-dinh-moi-cua-du-an-luat-can-cuoc-i323994/