Đằng sau phát súng thuế quan đầu tiên của ông Trump và phản ứng của Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi ngày 1/2, ông công bố mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này như một phần của các biện pháp thương mại toàn diện nhắm vào cả Mexico và Canada.

Sau thông báo trên, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và "thực hiện các biện pháp phản ứng tương ứng" nhưng không nói rõ hình thức nào.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 2/2 rằng, việc áp mức thuế 10% với hàng hóa nước này nhập khẩu vào Mỹ "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO", đồng thời cho biết Trung Quốc "sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền lợi của mình".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Ban đầu, phản ứng đó được cho là kém cụ thể hơn nhiều so với phản ứng từ Mexico và Canada khi hai nước này đều nhanh chóng cam kết áp dụng mức thuế trả đũa. Không giống như Trung Quốc, Canada và Mexico trước đây đã tận hưởng mối quan hệ gần như miễn thuế với Mỹ.

Theo giới quan sát, có một số lý do có thể giải thích cho phản ứng ban đầu tương đối nhẹ nhàng từ nền kinh tế thứ hai thế giới đối với biện pháp áp thuế của ông Trump.

Bắc Kinh đã có một khởi đầu ấm áp bất ngờ cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump - một diễn biến đáng hoan nghênh đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi họ tìm cách tránh leo thang căng thẳng thương mại và công nghệ giữa bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này đang chậm lại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Trump đã có cuộc điện đàm mà nhà lãnh đạo Mỹ cho là "rất tốt", vài ngày trước khi ông nhậm chức. Bên cạnh đó, lễ nhậm chức của ông Trump có sự tham dự của một quan chức cấp cao nhất Trung Quốc từng được cử đến một sự kiện như vậy.

Tổng thống Mỹ cũng đã gửi đi những tín hiệu khác cho thấy ông đang trong quá trình đàm phán với Bắc Kinh khi liên tục nói rằng ông hy vọng sẽ hợp tác với ông Tập để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời ám chỉ trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Fox News rằng ông nghĩ Washington và Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.

Dù vậy, không chậm trễ trong nỗ lực đáp trả, trong một thông báo đăng trên trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 4/2, Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện nước này cho biết, Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế tăng thêm 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng, 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô phân khối lớn và xe bán tải nhập khẩu từ Mỹ. Quyết định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/2.

Cùng thời điểm, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này đã đưa các biện pháp thuế quan của Mỹ lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO “để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, đồng thời hối thúc Mỹ “ngay lập tức sửa đổi những hành vi sai trái”.

Vẫn còn thời gian cho một thỏa thuận Mỹ - Trung?

Mức thuế 10% còn lâu mới so sánh được với mức thuế lên tới 60% mà ông Trump gợi ý rằng ông có thể áp dụng với hàng hóa Trung Quốc trong quá trình vận động tranh cử. Trong bài phát biểu của mình, ông Trump chủ yếu liên kết những động thái này với vai trò của các nhà cung cấp Trung Quốc trong hoạt động buôn bán fentanyl, chứ không phải sự mất cân bằng thương mại sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh.

Ảnh minh họa: Tân Hoa xã

Ảnh minh họa: Tân Hoa xã

Thay vào đó, giới chức Trung Quốc cho rằng ông Trump có thể đang chờ đợi cho đến khi ông nhận được kết quả của một cuộc điều tra lớn hơn về quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung mà ông đã ủy quyền trong một sắc lệnh hành pháp được ký vào ngày đầu tiên nhậm chức.

“Ông Trump có thể dựa vào kết quả sắp tới của cuộc điều tra thương mại để áp đặt hoặc mở rộng thuế quan đối với các quốc gia cụ thể, thử thách sức chịu đựng và thiện chí đàm phán của họ", một bài phân tích được công bố hôm 2/2 trên trang web của Viện Phát triển Fudan có trụ sở tại Thượng Hải nhận định. Theo bài viết này: "Không thể loại trừ rủi ro leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Trước khi có bất kỳ hành động thực tế nào được thực hiện, ông Trump có thể sử dụng các chiến lược mơ hồ để gây sức ép lên các đối thủ và chờ đợi sự nhượng bộ đáng kể từ họ".

Quá trình đánh giá theo lệnh của ông Trump, dự kiến diễn ra ngày 1/4, sẽ chỉ dẫn liệu Nhà Trắng có áp thêm thuế với Trung Quốc hay không. Trong thời gian chờ đợi, Bắc Kinh có thời gian để xây dựng mối quan hệ với ông Trump, tiếp đón ông tại thủ đô Bắc Kinh hoặc thúc đẩy một thỏa thuận phòng ngừa để tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm trọng hơn.

Giới quan sát đánh giá, thông điệp từ giới chính trị cấp cao của Trung Quốc hiện mang tính hòa giải. Tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường đã nói với giới tinh hoa tại Davos rằng Bắc Kinh muốn "thúc đẩy thương mại cân bằng" với thế giới trong khi ông Tập Cận Bình kêu gọi một "điểm khởi đầu mới" trong quan hệ Mỹ - Trung.

Quyết định khiếu nại lên WTO của Bắc Kinh về mức thuế quan mới cho thấy một thông điệp quan trọng từ Trung Quốc rằng Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc toàn cầu trong khi Washington là bên không tuân thủ. Trung Quốc cũng bảo vệ nỗ lực xuất khẩu tiền chất hóa học của fentanyl và cho biết cuộc khủng hoảng ma túy là "vấn đề của nước Mỹ".

Một bài bình luận trên đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 2/2 đã lên án mức thuế "sai lầm" đồng thời kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa hai nước.

Cân nhắc trả đũa

Các chuyên gia đã hạ thấp tác động của mức thuế 10% trong bối cảnh cuộc tranh luận lớn hơn về việc liệu căng thẳng giữa hai nước có leo thang thành cuộc chiến thương mại như trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump hay không.

Năm 2018, ông Trump đã tăng hoặc áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Chính quyền ông Biden phần lớn vẫn giữ nguyên mức thuế đó và tập trung vào cách tiếp cận được cho là "sân nhỏ, hàng rào cao" để giao dịch với Trung Quốc, theo đó áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có mục tiêu đối với việc Bắc Kinh tiếp cận công nghệ cao có thể ứng dụng vào quân sự.

Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát của riêng mình, hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng và các công nghệ liên quan mà các quốc gia dựa vào để chế tạo các sản phẩm từ hàng hóa quân sự đến chất bán dẫn.

Bắc Kinh cũng đã thực hiện các bước đi để tự bảo vệ mình khỏi một số tác động của thuế quan mà chính ông Trump thừa nhận có thể gây ra "nỗi đau" cho người Mỹ.

Ngày 4/2, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo trên trang web chính thức cho biết, đã đưa hai công ty Mỹ là Tập đoàn PVH và Công ty Illumina, Inc vào danh sách thực thể không đáng tin cậy, do thực hiện những “biện pháp phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Trung Quốc” và “làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”. Thông báo này có hiệu lực kể từ ngày 4/2.

Không dừng lại tại đây, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng công bố danh sách kiểm soát xuất khẩu mới liên quan đến nhiều loại kim loại hiếm, bao gồm các vật liệu liên quan đến vonfram - thường được sử dụng trong các thiết bị công nghiệp và quốc phòng, cũng như các vật liệu liên quan đến teluri - có thể được dùng để chế tạo pin mặt trời. Thông báo này cũng có hiệu lực từ ngày 4/2.

Cùng ngày, Tổng cục Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc cho biết, đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Google.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Washington đã nhập khẩu 401 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc với thâm hụt thương mại hơn 270 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm ngoái. Điều đó khiến Bắc Kinh chỉ đứng sau Mexico về nguồn cung hàng nhập khẩu hàng đầu vào Mỹ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 2/2 cho biết xuất khẩu của nước này sang Mỹ chỉ chiếm 3% GDP và chưa đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

"Trung Quốc từ lâu đã chuẩn bị cho việc ít tương tác hơn với Mỹ, đa dạng theo mọi cách, không chỉ về đối tác thương mại, đầu tư mà còn cả tiền tệ và hệ thống thanh toán", Keyu Jin, Phó Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London nhận định với CNN. Theo chuyên gia này: "Thuế quan sẽ gây tổn hại cho cả hai quốc gia. Nhưng chúng ta đã thấy sự chuyển hướng thương mại dần dần sang các quốc gia khác từ các công ty Trung Quốc".

"Ông Trump là người mà họ có thể đàm phán và có chỗ cho đàm phán", bà Keyu Jin cho hay.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-phat-sung-thue-quan-dau-tien-cua-ong-trump-va-phan-ung-cua-trung-quoc-post1152474.vov