Dân chủ, Cộng hòa dồn sức đấu cùng lúc 2 mặt trận tranh cử và pháp lý

Cuộc đua bầu cử Mỹ bước vào giai đoạn quyết định khi Dân chủ và Cộng hòa chuẩn bị đại hội đảng chọn đề cử, song song đó, cuộc chiến pháp lý liên quan các ứng viên hàng đầu 2 đảng diễn tiến phức tạp.

Cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều đang tích cực vận động tranh cử và khẩn trương chuẩn bị cho các đại hội đảng toàn quốc trong thời gian tới để chọn ra đề cử tham gia cuộc đua tổng thống cuối năm nay. Một diễn biến song song và được giới quan sát chú ý là các rắc rối pháp lý liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp tới Tổng thống Dân chủ Joe Biden và cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump.

Ông Biden, ông Trump chắc suất đại diện đảng tham gia bầu cử Mỹ

Về phía Dân chủ, ông Biden đang cử các thành viên Nội các tham gia vận động ở các bang chiến trường, cũng như gây quỹ và tham dự các sự kiện chính trị trên khắp đất nước, theo trang tin Axios.

Theo đó, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm tham dự loạt sự kiện ở các bang Ohio, Michigan và Wisconsin; Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo phụ trách các sự kiện ở thủ đô Washington DC và New York; Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg phụ trách các sự kiện ở các TP Las Vegas (bang Nevada), Seattle (bang Washington), St. Petersburg (bang Floria), Dallas (bang Texas),...

Đảng Dân chủ cũng rục rịch chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tại TP Chicago (bang Chicago) từ ngày 19 đến 22-8, chuẩn bị cho bầu cử Mỹ. Sự kiện cũng sẽ thu hút khoảng 50.000 người tham dự, gồm các đại biểu, giới truyền thông, nhà tài trợ,...

Theo đài CNN, tại đại hội sắp tới, Tổng thống Biden sẽ chính thức được chọn đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Ông hiện nắm trong tay 3.894 đại biểu từ các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng. Về cơ bản, ứng cử viên chỉ cần giành được sự ủng hộ của ít nhất 1.968 đại biểu của đảng Dân chủ thì đã chắc vé đại diện đảng này tranh cử.

Bên đảng Cộng hòa, nỗ lực vận động tranh cử cũng đang diễn ra hết sức ráo riết. Ngày 9-6, ông Trump mở buổi vận động tranh cử ở TP Las Vegas (bang Nevada). Cựu lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng một trong những ưu tiên của ông nếu đắc cử tổng thống Mỹ năm nay là chấm dứt đánh thuế đối với tiền boa đối với lao động ở Nevada, nơi cử tri thuộc tầng lớp lao động sống chủ yếu phụ thuộc vào tiền boa.

Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa sẽ diễn ra tại TP Milwaukee (bang Wisconsin) từ ngày 15 đến ngày 18-7, chuẩn bị cho bầu cử Mỹ. Đại hội sẽ quy tụ hơn 50.000 người, bao gồm 2.429 đại biểu đảng Cộng hòa, theo trang Vanity Fair. Tại đại hội, các đại biểu sẽ chọn ra người đại diện đảng tham gia bầu cử Mỹ 2024.

Theo hãng tin AP, ứng viên Cộng hòa phải được ít nhất 1.215 đại biểu của đảng này ủng hộ thì mới được đại diện đảng tranh cử tổng thống Mỹ. Tính đến nay, cựu Tổng thống Trump đã giành được 2.242 đại biểu, đồng nghĩa ông chắc suất đại diện Cộng hòa đấu với đại diện Dân chủ. Các ứng viên khác như bà Nikki Haley, ông Ron DeSantis, ông Vivek Ramaswamy đều đã bỏ cuộc.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chắc suất đại diện đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia bầu cử Mỹ, hiện chỉ đợi chính đảng của họ chính thức tuyên bố bầu chọn.

Song song là cuộc đua pháp lý

Song song cuộc đua Nhà Trắng đang đến hồi gay cấn là cuộc đua pháp lý liên quan ông Trump và ông Biden.

Về phía Cộng hòa và ông Trump, diễn biến pháp lý gây chú ý nhất là việc vụ cựu tổng thống hồi 30-5 bị bồi thẩm đoàn tòa án hình sự Manhattan ở New York (Mỹ) kết luận vi phạm 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ xử ông chi tiền "bịt miệng" ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.

 Ông Trump rời tòa án Manhattan sau khi bồi thẩm đoàn kết luận ông vi phạm 34 tội làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels. Ảnh: AFP/ GETTY IMAGES

Ông Trump rời tòa án Manhattan sau khi bồi thẩm đoàn kết luận ông vi phạm 34 tội làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels. Ảnh: AFP/ GETTY IMAGES

Ngay sau đó, ông Trump chỉ trích phiên tòa là một nỗ lực "gian lận" nhằm cản trở đường quay lại Nhà Trắng của ông, hãng Reuters đưa tin. Cựu Tổng thống Trump tuyên bố sẽ kháng án nếu ông bị kết tội và tuyên án.

Trước kết luận của bồi thẩm đoàn, phía đảng Cộng hòa vô cùng “nóng mặt” và kêu gọi một số hình thức can thiệp để bảo vệ cựu tổng thống, theo hãng tin Axios. Một trong số các biện pháp đó là việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (thành viên đảng Cộng hòa) kêu gọi Tòa án Tối cao Mỹ “vào cuộc” để lật ngược kết luận của bồi thẩm đoàn tòa án New York đối với ông Trump. “Đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác” - ông Ken Paxton, Tổng chưởng lý bang Texas và là đảng viên Cộng hòa, nói.

Giới quan sát cho rằng phiên tòa sẽ là một đòn giáng vào nỗ lực tranh cử của ông Trump, vì ông là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị bồi thẩm đoàn kết luận phạm tội hình sự.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là chỉ trong 24 giờ sau khi bồi thẩm đoàn ở New York kết luận ông Trump có tội, nhóm tranh cử của cựu tổng thống đã gây quỹ được thêm 53 triệu USD, nâng tổng số tiền gây quỹ tranh cử của ông Trump trong tháng 5 lên 141 triệu USD. Điều này cho thấy dường như kết luận của bồi thẩm đoàn lại giúp ông Trump tạo thêm “đà tiến", dù vẫn có một bộ phận cử tri quay xe.

Không lâu sau phiên tòa của ông Trump, ngày 11-6, con trai Tổng thống Biden - ông Hunter Biden bị bồi thẩm đoàn tòa án bang Delaware (Mỹ) kết luận phạm 3 tội nghiêm trọng liên quan sở hữu súng trái phép trong lúc đang nghiện ma túy vào năm 2018.

Phát biểu sau khi bị sau khi bồi thẩm đoàn kết luận có tội, ông Hunter Biden “biết ơn tình yêu và sự hỗ trợ” của gia đình mình hơn là “thất vọng về kết quả”. Luật sư Abbe Lowell của con trai Tổng thống Biden cho biết họ sẽ tiếp tục “mạnh mẽ theo đuổi tất cả các thách thức pháp lý” đối với vụ án này.

 Con trai Tổng thống Mỹ Joe Biden - ông Hunter Biden (giữa) và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden (trái) cùng vợ ông Hunter Biden - bà Melissa Cohen Biden. Ảnh: AP

Con trai Tổng thống Mỹ Joe Biden - ông Hunter Biden (giữa) và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden (trái) cùng vợ ông Hunter Biden - bà Melissa Cohen Biden. Ảnh: AP

Về phần mình, Tổng thống Biden nói rằng ông “yêu và tự hào về con trai mình". Tuy nhiên trước đó, ông Biden nhấn mạnh sẽ không ân xá nếu con trai Hunter Biden bị kết tội sở hữu súng phi pháp, theo đài ABC News.

Có ý kiến lo ngại uy tín của Tổng thống Biden sẽ bị ảnh hưởng vì rắc rối pháp lý liên quan con trai ông. Tuy nhiên Giáo sư Todd Belt, Giám đốc Chương trình Quản lý Chính trị tại ĐH George Washington (Mỹ), nhận định rằng phiên tòa xử ông Hunter Biden khó có khả năng ảnh hưởng đến nỗ lực tái tranh cử của đương kim tổng thống Mỹ, theo hãng tin US News.

“Trong lịch sử, các cử tri có thể tách bạch những hành vi sai trái của bạn bè và thành viên gia đình của các ứng cử viên khỏi chính các ứng cử viên. Tác động cuối cùng sẽ không đáng kể vì quan điểm của mọi người về ông Biden và ông Trump hiện đã rất rõ ràng” - ông Belt nói.

Ông Trump và ông Biden gần như hòa nhau ở nhiều mặt trận tranh cử

Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump đang cạnh tranh gay gắt về tỉ lệ ủng hộ trên toàn quốc và ở các bang chiến trường.

Cuộc thăm dò ý kiến cử tri do CBS NewsYouGov công bố hôm 9-6 cho thấy hiện có 49% cử tri trên toàn nước Mỹ có thể sẽ ủng hộ ông Biden và 50% sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.

Tuy nhiên, khi khảo sát ở các bang chiến trường, tỉ lệ này hoàn toàn bị đảo ngược, với 50% dành cho ông Biden và 49% dành cho cựu tổng thống Trump.

Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 5-6 đến ngày 7-6, chỉ vài ngày sau khi bồi thẩm đoàn Manhattan kết luận ông Trump làm sai lệch hồ sơ kinh doanh nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016.

Xét về nhân khẩu học, ông Biden dẫn trước ông Trump ở nhóm cử tri da màu và nhóm phụ nữ. Trong khi đó, ông Trump dẫn trước ông Biden ở nhóm cử tri trên 65 tuổi và cử tri da trắng không có bằng cấp, theo đài USA Today.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dan-chu-cong-hoa-song-song-cuoc-chien-tranh-cu-va-phap-ly-post795048.html