Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Ngay trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm nay với chủ đề 'Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng' - thời điểm mà vấn đề an toàn lao động nói chung, người lao động nói riêng được quan tâm, bảo vệ nhiều nhất thì các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra.

Đúng ngày đầu tiên của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động - 1/5 năm nay, một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) làm 6 người chết, 5 người bị thương.

Chỉ vài ngày sau (6/5), tại khu vực công trường thi công dự án Đường dây 500 kV mạch 3 qua tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ sập lán trại do lũ quét khiến 3 người tử vong, 4 người bị thương. Trước đó, trong tháng 4/2024 cũng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Điển hình như vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 3/4 tại Công ty than Thống Nhất (tỉnh Quảng Ninh) làm 4 công nhân tử vong; vụ tai nạn trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng, Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong, 3 người bị thương vào ngày 22/4...

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, cả nước xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động khiến 699 người tử vong, 1.720 người bị thương nặng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, năm 2023 xảy ra 40 vụ tai nạn lao động làm 1 người chết, 21 người bị thương nặng. 4 tháng đầu năm 2024, mặc dù chưa có số liệu thống kê về tình hình tai nạn lao động nhưng từ đầu năm đến nay, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị đã giải quyết chế độ tai nạn lao động cho 7 trường hợp.

Bên cạnh đó, vẫn có một số doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động, khi tai nạn lao động xảy ra không khai báo, không giải quyết chế độ kịp thời cho người lao động.

Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 có chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Trong tháng hành động này, tại Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành phố khác trong nước sẽ diễn ra các hoạt động như chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động...

Mới đây, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đôn đốc, hướng dẫn người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra; thực hiện khai báo, báo cáo tai nạn lao động theo quy định.

Đồng thời thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; tổ chức điều tra tai nạn lao động và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Hướng dẫn UBND cấp huyện, xã thống kê, báo cáo tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động. Quan tâm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, trong đó cần ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Tai nạn lao động luôn rình rập, có thể xảy mọi lúc, mọi nơi nếu chúng ta chủ quan, lơ là, thiếu ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Khảo sát thực tế của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động cho thấy, có 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là: khách quan, chủ quan và môi trường làm việc.

Trong đó nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không lường trước được chỉ chiếm khoảng 3%, còn nguyên nhân chủ quan chiếm đến 73%. Hậu quả từ những vụ tai nạn lao động trong thời gian qua nhắc nhở các cấp, ngành, đơn vị chức năng, doanh nghiệp và mỗi người lao động cần nghiêm túc, thực chất hơn trong thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Việc nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động không chỉ tập trung tổ chức trong tháng hành động mà cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đơn vị sử dụng lao động cần chủ động, tự giác kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở; kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.

Đào tạo, hướng dẫn kỹ năng vận hành máy móc, thiết bị cho người lao động trước khi sử dụng, tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động, vận hành dẫn đến tai nạn bất ngờ. Đặc biệt, mỗi người lao động cần phải tuân thủ đúng và đầy đủ quy tắc an toàn lao động, biết tự bảo vệ bản thân và đồng nghiệp trong quá trình làm việc tại nhà máy, công xưởng.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-tai-noi-lam-viec-185742.htm