Đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động do đại dịch
Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Tuyển - hướng dẫn viên du lịch của Công ty CP Tập đoàn liên kết Hùng Vương là một trong những người được hưởng hỗ trợ do dịch bệnh COVID-19
Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và kinh tế-xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tổng thể nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh; trong đó nhấn mạnh đến việc quán triệt, thực hiện tốt phương châm tuân thủ 5K + vaccine + điều trị y tế + ứng dụng công nghệ thông tin + ý thức của người dân + hệ thống an sinh xã hội. Đặc biệt đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do. Để đảm bảo người dân không ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương đã tập trung triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Chính phủ, giúp người dân vượt qua “cơn bão” COVID-19.
Để các chính sách an sinh xã hội được thông tin rộng khắp đến với tất cả người dân, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nội dung và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/202l/QĐ-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các cấp, ngành đã tăng cường tuyên truyền đến cơ sở, đảm bảo mọi người dân đều được biết thông tin về chính sách.
Anh Tạ Ngọc Quân, ở xã Đoan Hạ là nhân viên tại Resort Tre Nguồn trị trấn Thanh Thủy cũng đã được hỗ trợ trong đợt dịch COVID-19 năm 2021
Ngay sau khi chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp được ban hành, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai tới các doanh nghiệp, địa phương. Qua hai năm (2020-2021) thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh có 506.370 lượt người lao động; 3.060 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng được Nhà nước hỗ trợ với tổng kinh phí là hơn 636 tỉ đồng. Thực hiện chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 3.060 đơn vị sử dụng lao động với 128.195 người lao động; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho một đơn vị với 66 lao động tham gia BHXH bắt buộc số tiền tạm dừng đóng gần 310 triệu đồng. Hỗ trợ đối với trẻ em điều trị do nhiễm COVID-19, cách ly y tế (thuộc diện F0, Fl) đã kết thúc điều trị tại cơ sở y tế 2.449 trường hợp, số tiền 2,5 tỉ đồng.
Với các hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đến nay đã thực hiện hỗ trợ cho 138 hộ kinh doanh, với số tiền gần 420 triệu đồng. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai văn bản đến toàn bộ các doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ viên chức, hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch được triển khai theo quy định. Hỗ trợ cho 72 hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, kinh phí hỗ trợ hơn 267 triệu đồng. Phần lớn các hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ tại tỉnh hiện đang làm việc tại các tỉnh trên địa bàn cả nước. Với gần 20 năm làm việc trong lĩnh việc du lịch, anh Nguyễn Văn Tuyển, hướng dẫn viên du lịch của Công ty CP tập đoàn liên kết Hùng Vương chia sẻ: “Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nghành du lịch bị đóng băng làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc đặc thù, chúng tôi thường xuyên không có việc làm, đa phần phải tạm thời chuyển đổi sang công việc khác…Trong thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tôi đã được hỗ trợ số tiền gần 6 triệu đồng theo quy định, đây là nguồn động viên rất kịp thời giúp tôi vượt qua khó khăn”.
Để kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn của người dân, các địa phương trong tỉnh mà nòng cốt là MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức chính trị đã vào cuộc huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, qua đó kịp thời động viên, tiếp thêm nguồn lực để người dân cùng địa phương chiến thắng dịch bệnh.