Đak Pơ bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng
Huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) khuyến khích các làng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức truyền dạy kiến thức về cồng chiêng cho thế hệ trẻ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Buôn làng vang tiếng cồng chiêng
Chúng tôi có mặt tại làng Jro Ktu Đak Yang (xã Yang Bắc) vào buổi chiều muộn khi đội cồng chiêng nữ của làng vẫn đang say sưa tập luyện. Ông Đinh Blăm-người trực tiếp dạy đánh cồng chiêng cho đội-chia sẻ: Đội cồng chiêng nữ của làng được thành lập từ năm 2014 với 30 thành viên. Những năm qua, việc tập luyện đánh cồng chiêng vẫn được duy trì đều đặn vào các buổi tối cuối tuần. “Tôi gắn bó với cồng chiêng gần 40 năm nên sẵn sàng chỉ dạy cho thế hệ trẻ biết yêu quý truyền thống văn hóa của dân tộc mình”-ông Blăm nói.
Xuất phát từ mong muốn được góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, các thành viên trong đội đã không ngại khó khăn, sắp xếp thời gian để tham gia tập luyện. Chị Đinh Thị Don chia sẻ: “Khi huyện thành lập Đội cồng chiêng nữ tại làng, chúng tôi rất ủng hộ. Chị em thường bảo ban nhau sắp xếp công việc, tranh thủ tập luyện để ngày càng thành thạo và thuộc nhiều bài chiêng hơn”. Còn em Đinh Thị Sắc (12 tuổi) thì bày tỏ: “Từ khi tham gia tập luyện đánh cồng chiêng và múa xoang, em thấy trân trọng truyền thống văn hóa của dân tộc. Từ đó, em cũng siêng năng tập luyện”.
Tương tự, tại làng Hven (thị trấn Đak Pơ), những em nhỏ đã được người lớn trong làng dạy đánh cồng chiêng, múa xoang. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, các em tập trung tại sân nhà của già Đinh Du (70 tuổi) để tập luyện. “Ban đầu, tôi vận động tất cả con, cháu trong nhà tham gia học đánh cồng chiêng để làm gương, sau đó đến từng nhà vận động phụ huynh và các cháu, rồi tự bỏ tiền để mua nước uống phục vụ tập luyện. Sau một thời gian, các cháu có hứng thú hơn với việc tập luyện. Đến nay, các cháu đã đánh thuần thục nhiều bài chiêng hay”-ông Du nói.
Không để cồng chiêng “chảy máu”
Nhằm bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Đak Pơ đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền về nét đẹp của không gian văn hóa cồng chiêng, từng bước đưa cồng chiêng vào trường học. Đặc biệt, năm 2018, huyện đã mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho các em học sinh dân tộc Bahnar tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Lớp học đã khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của các em học sinh. Sau khi lớp học kết thúc, hầu hết các em đều tham gia tập luyện tại các đội cồng chiêng của thôn, làng mình.
Bên cạnh đó, huyện Đak Pơ cũng tạo điều kiện để các địa phương, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy kiến thức về cồng chiêng; tổ chức các hội thi hoặc sự kiện văn hóa để người dân phát huy các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhờ đó, đến nay, hầu hết các làng của người Bahnar đều đã thành lập đội cồng chiêng. Ngoài ra, huyện cũng đã vận động người dân lưu giữ được 164 bộ cồng chiêng và 3 chiếc chiêng lẻ với tổng số 2.120 chiếc. Những làng còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng gồm: Leng Tô (thị trấn Đak Pơ), Hway (xã Hà Tam), Bung Bang Hven (xã Yang Bắc)…
Bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Công tác bảo tồn giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền để người dân hiểu hơn về không gian văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, tiếp tục mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Huyện đẩy mạnh xã hội hóa về bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng; thường xuyên tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa-văn nghệ gắn với trình diễn cồng chiêng.