Đắk Nông ấn tượng tuổi 20

Trải qua 20 năm thành lập, kinh tế - xã hội của Đắk Nông đã đạt được những bước phát triển ấn tượng. Cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng được cải tạo, nâng cấp, góp phần quan trọng đưa Đắk Nông vươn mình, hòa nhịp với sự phát triển chung của Tây Nguyên và cả nước.

Xã Nhân Cơ (huyện Đắk Rlấp) từng là một xã nghèo, thuần nông đã trở mình vươn lên đầy mạnh mẽ và là điển hình cho sự phát triển ấn tượng của tỉnh Đắk Nông. Nhân Cơ hiện nay có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển hàng đầu của Đắk Nông cũng như Tây Nguyên. Trung tâm xã, những cửa hàng kinh doanh khang trang mở ra san sát, một số ngân hàng về tận xã mở chi nhánh. Các hoạt động kinh doanh, giao dịch diễn ra sôi động.

Mục tiêu tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình với Đắk Nông sẽ không còn xa

Sự thay đổi này bắt đầu từ hơn 10 năm trước khi Nhà nước triển khai dự án khai thác bô xít, đưa vào vận hành Nhà máy Alumin tại đây đã làm động lực cho kinh tế, xã hội cả xã Nhân Cơ và các vùng lân cận phát triển. Anh Điểu Phương, dân tộc M’Nông, bon Bu Dấp, xã Nhân Cơ cho biết, từ khi vào làm công nhân nhà máy Alumin Nhân Cơ, cuộc sống của gia đình anh đã thay đổi toàn diện. Với khoản thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh đã xây được nhà khang trang, các con được ăn học đàng hoàng

"Trước đây khi nhà máy chưa thành lập, người dân trong bon đa số là làm nông nghiệp. Sau đó khi nhà máy thành lập, tôi may mắn được tuyển dụng vào làm, giờ thu nhập so với trước đây đã ổn định hơn", anh Điểu Phương nói.

Trải qua 20 năm thành lập, kinh tế - xã hội của Đắk Nông đã đạt được những bước phát triển ấn tượng, từng bước đưa du lịch lên bản đồ thế giới

Tỉnh Đắk Nông có trữ lượng bô xít chiếm khoảng 70% cả nước và được đánh giá là mỏ quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á. Với tiềm năng lớn, Đắk Nông xác định tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp Alumin - nhôm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội. Hàng năm, ngành công nghiệp khai thác bô xít, chế biến Alumin đang đóng góp khoản ngân sách cho tỉnh khoảng 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 12% tổng thu ngân sách của tỉnh. Hiện nay, Alumin sản xuất tại Đắk Nông có chất lượng được đánh giá hàng đầu thế giới và đang xuất khẩu đi đến nhiều thị trường lớn như các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và các nước Trung Đông…

Tỉnh Đắk Nông đang hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia. Qua đó, ngành công nghiệp này sẽ là trụ cột cho nền kinh tế địa phương. Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cho biết: "Ngành công nghiệp bô xít- chế biến alumin, luyện nhôm trong tương lai tỉnh Đắk Nông sẽ có đột phá. Trên tinh thần hiện nay quy hoạch khoáng sản quốc gia, quy hoạch bô xít đã được phê duyệt. Mặc dù tỉnh Đắk Nông còn một số vướng mắc nhưng kỳ vọng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tháo gỡ của các bộ ngành, và sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn vào đây thì trong thời gian tới lĩnh vực này sẽ rất phát triển".

Với tiềm năng lớn, Đắk Nông xác định tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp Alumin - nhôm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội

Cùng với công nghiệp, các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đều đã được tỉnh Đắk Nông chú trọng phát triển và đã đạt những thành tựu ấn tượng. 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Đắk Nông duy trì ổn định và bền vững. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, chậm phát triển. Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn đến cuối năm 2023 đạt 45.000 tỷ đồng, gấp 24 lần so với năm 2004.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 đạt hơn 18.600 tỷ đồng, gấp 20 lần so với lúc mới thành lập tỉnh. Để huy động các nguồn lực cho phát triển, tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát triển hệ thống doanh nghiệp và thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Sau thời gian dài duy trì thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc, tỉnh Đắk Nông đã có sự thăng hạng ấn tượng, vươn lên vị trí 38/63 cả nước (năm 2022). Sự cải thiện đó đã tác động tích cực đến phát triển doanh nghiệp và kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh. Hiện nay, Đắk Nông có hơn 3.700 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 35.000 tỷ đồng so với 93 doanh nghiệp năm 2004.

Xã Nhân Cơ (huyện Đắk Rlấp) từng là một xã nghèo, thuần nông đã trở mình vươn lên đầy mạnh mẽ và là điển hình cho sự phát triển ấn tượng của tỉnh Đắk Nông

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ, để vượt qua hoàn cảnh từng là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành những nghị quyết, các chương trình hành động sát với định hướng trung ương, phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, đưa nghị của Đảng vào cuộc sống. Cùng với tranh thủ tối đa sự ủng hộ của trung ương, sự đồng hành của các bộ ngành và sự phối hợp, liên kết vùng của các tỉnh thành trong khu vực, Đắk Nông đã phát huy tối đa nội lực cho công cuộc phát triển.

"Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Và chúng tôi luôn chú trọng khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, phát huy sức mạnh đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Để đưa Đắk Nông bứt phá trên nền tảng phát triển bền vững, trở thành tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình", ông Mười nói.

Sau 20 năm thành lập, tỉnh Đắk Nông đã có những bước phát triển vượt bậc. Những tiềm năng, thế mạnh đang dần được tỉnh khai thác, phát huy có hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội. Mục tiêu tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình với Đắk Nông sẽ không còn xa.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dak-nong-an-tuong-tuoi-20-post1068588.vov