Dải Gaza: Cứu trợ trong tuyệt vọng
Một đoàn xe cứu trợ bị cướp bởi những người kiệt quệ vì đói để lấy thức ăn, những chuyến hàng cứu trợ tiếp tục bị ách lại do các quy định ngặt nghèo của Israel, làm tăng nguy cơ nạn đói lan rộng và khiến các nỗ lực nhân đạo ngày càng trở nên tuyệt vọng...
Một nỗ lực mới của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) nhằm cung cấp viện trợ cho khoảng nửa triệu người có nguy cơ gặp nạn đói ở Bắc Gaza đã thất bại trong bối cảnh hỗn loạn và bạo lực tiếp diễn. Các nhân viên cứu trợ cho biết, một đoàn xe gồm 14 xe tải đi tới phía Bắc Gaza đã bị cướp phá sau khi bị giữ tại một trạm kiểm soát của quân đội Israel trong vài giờ. Khi đoàn xe quay trở lại sau thời gian trì hoãn, nó đã bị tấn công và 200 tấn lương thực bị cướp phá bởi “một đám đông người dân tuyệt vọng”.
Các quan chức viện trợ cho biết, tình trạng mất an ninh, tắc nghẽn hậu cần, giao tranh đang diễn ra và các hạn chế di chuyển do Israel áp đặt đã kết hợp lại để hạn chế việc cung cấp viện trợ ở một phần nhỏ so với nhu cầu. Các quan chức cấp cao của WFP nói rằng, đây là đoàn xe đầu tiên của WFP cố gắng tiếp cận Bắc Gaza kể từ khi tình trạng bất an buộc cơ quan này phải tạm dừng các nỗ lực vào ngày 20/2 bất chấp tình trạng đói khát đang rình rập, vì lực lượng Israel đã 2 lần bắn vào những người Palestine tuyệt vọng đang cố gắng lấy thực phẩm từ xe tải của WFP.
Liên hợp quốc cho biết vào tháng 2/2024 rằng hơn một phần tư trong số 2,3 triệu người ở Gaza "ước tính đang phải đối mặt với mức độ thiếu thốn và đói khát thảm khốc". Tổ chức này cho biết, nếu không hành động thì nạn đói lan rộng có thể “gần như không thể tránh khỏi”. Quy mô của nạn đói sắp xảy ra đã thúc đẩy Mỹ bắt đầu dùng máy bay thả 38.000 khẩu phần thực phẩm vào Gaza đang bị Israel vây hãm. Sau Mỹ, Jordan và một số quốc gia khác đã bắt đầu thực hiện việc này. Tuy nhiên, WFP và các tổ chức nhân đạo thế giới cho rằng hành động này không hiệu quả và lãng phí.
Viện trợ hiện có thể được chuyển đến miền Nam Gaza thông qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập và cửa khẩu Kerem Shalom từ Israel. Cơ quan tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cho biết, trong tháng 2, trung bình có gần 97 xe tải có thể vào Gaza mỗi ngày, so với khoảng 150 xe tải mỗi ngày trong tháng 1, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 500 xe tải mỗi ngày. Liên hợp quốc mô tả việc tiếp cận viện trợ là “không thể đoán trước và không đủ”, đổ lỗi cho các hoạt động quân sự, tình trạng mất an ninh và những hạn chế sâu rộng trong việc cung cấp các vật tư thiết yếu. Ngay cả khi viện trợ đến Gaza, tất cả hàng hóa đều phải được dỡ từ xe tải của Ai Cập và đưa lên phương tiện vận tải địa phương. Hiện tại, ở Gaza đang xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cả phương tiện và nhiên liệu phù hợp, điều này gây ra nhiều vấn đề hơn nữa. Những thách thức khác bao gồm thông tin liên lạc không ổn định, nguồn điện hạn chế, đám đông người tị nạn và những đống đổ nát khắp nơi.
Cuộc chiến nổ ra vào tháng 10 bởi các cuộc tấn công đẫm máu vào miền Nam Israel do Hamas phát động. Các quan chức y tế ở Gaza cho biết, số người được xác nhận thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel hiện đã vượt qua 30.700 người, hầu hết nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Tuần trước đã dấy lên hy vọng rằng Hamas và Israel gần đạt được thỏa thuận tạm dừng hoặc có thể chấm dứt hẳn các hành động thù địch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Triển vọng đạt được một thỏa thuận đã giảm bớt trong những ngày gần đây, mặc dù phái đoàn Hamas vẫn ở Cairo để đàm phán với các nhà hòa giải từ Ai Cập và Qatar.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có vẻ như là thứ “xa xỉ”. Vào tháng 11/2023 từng có một thỏa thuận ngừng bắn, trong đó khoảng 100 con tin được trả tự do để đổi lấy 240 người Palestine trong các nhà tù của Israel. Thế nhưng, thỏa thuận đã sụp đổ sau một tuần.
Tiến triển của thỏa thuận thứ hai hiện nay đang có vẻ rất khó khăn. Các cuộc đàm phán có sự tham gia của các nhà đàm phán Israel đã diễn ra tại thành phố Doha của Qatar vào ngày 2/3 và Hamas hiện đang ở Cairo cùng các nhà đàm phán Ai Cập và Qatar để tiếp tục thảo luận.
Eylon Levy, người phát ngôn của Chính phủ Israel cho biết hôm 6/3 rằng Israel vẫn muốn thấy sự tạm dừng tạm thời vì mục đích nhân đạo để cho phép thả khoảng 130 con tin bị Hamas giam giữ. Tại Beirut, Osama Hamdan, một quan chức của Hamas, cho biết bất kỳ hoạt động trao đổi tù nhân nào chỉ có thể diễn ra sau khi có lệnh ngừng bắn. Basem Naim, quan chức cấp cao thứ hai của Hamas, cho biết Hamas đã trình bày dự thảo thỏa thuận của riêng mình, đang chờ phản hồi từ Israel và “quả bóng hiện đang ở phía người Mỹ”.
Hamas cho biết, lập trường đàm phán của họ có thể bị ảnh hưởng bởi cái chết của 115 người Palestine ở Gaza sau khi quân đội Israel nổ súng gần đám đông đang tranh giành lương thực từ một đoàn xe viện trợ hôm 29/2. Một quan chức Hamas nói rằng, nếu Israel đáp ứng các yêu cầu của mình - bao gồm việc rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và tăng cường viện trợ nhân đạo - thì điều này sẽ “mở đường cho một thỏa thuận trong vòng 24-48 giờ”. Tuy nhiên, một quan chức Palestine giấu tên khác nói với hãng tin Reuters rằng, thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa thể xảy ra”.
Một quan chức Mỹ hôm 2/3 cho biết, Israel “ít nhiều đã chấp nhận” một thỏa thuận do các nhà hòa giải đưa ra. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho đến nay vẫn từ chối rút quân khỏi Gaza trước khi Hamas bị tiêu diệt và tất cả con tin được giải thoát. Israel vẫn chưa xác nhận họ có chấp nhận kế hoạch ngừng bắn hay liệu nước này có tham dự cuộc đàm phán ở Cairo hay không.
Liệu thỏa thuận ngừng bắn thứ hai này có đạt được trước khi tháng chay Ramadan bắt đầu hay không? Điều đó còn phụ thuộc vào hành động thực tế của Mỹ và Israel.