Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chiều ngày 22/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia thảo luận về dự thảo luật.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại phiên họp.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách đã tán thành và ghi nhận sự tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với dự thảo Luật TTATGTĐB trình Quốc hội lần này.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Minh Tâm góp ý một số ý kiến cụ thể, gồm: Thứ nhất về đấu giá biển số xe (Điều 38), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc một số nội dung sau: Một là, cần phải xác định như thế nào là biển số để đưa vào đấu giá, chống gian lận và đề nghị quy định việc đấu giá biển số xe bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn thích hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân, đồng thời phải bảo đảm công tác quản lý của nhà nước.

Hai là, biển số xe được xác định là một loại tài sản công, do đó, việc quản lý biển số xe cũng tương tự như quản lý các loại tài sản công khác. Vì vậy, luật này chỉ quy định về nội dung (loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá...), còn về hình thức (trình tự, thủ tục đấu giá) thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành và Luật Đấu giá tài sản mà không giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục như tại khoản 9, Điều 38 dự thảo luật.

Đối với nội dung này, tại hội nghị đại biểu chuyên trách, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đã nêu, nhưng trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đề cập.

Thứ hai, về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), ý kiến chỉ rõ: Tại khoản 1, khoản 2, Điều 56 về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) đường bộ quy định các loại giấy tờ khi TGGT, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo.

Tại khoản 3 quy định: “Trường hợp giấy tờ quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều này đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử”.

Từ các quy định trên có thể hiểu, trường hợp khi lực lượng chức năng dừng phương tiện TGGT đường bộ để kiểm tra, kiểm soát mà người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 56 nhưng đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thì người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng không vi phạm và không bị xử phạt VPHC vì lý do không mang theo các loại giấy tờ quy định.

Tuy nhiên, theo quy định tại các văn bản hiện hành về xử lý VPHC (như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng), thì trường hợp người điều khiển phương tiện TGGT nếu không mang theo các loại giấy tờ liên quan theo quy định thì bị xử phạt hành chính.

Mặt khác, có nhiều hành vi vi phạm buộc phải tạm giữ một số loại giấy tờ của người điều khiển phương tiện và phương tiện theo thứ tự để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Vì vậy, ý kiến đề nghị, để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật và các văn bản dưới luật, gây khó khăn trong việc thi hành, đề nghị Chính phủ kịp thời xây dựng, ban hành nghị định mới thay thế các nghị định xử phạt VPHC liên quan trong lĩnh vực này ngay khi luật có hiệu lực thi hành.

Thứ ba, về điểm của giấy phép lái xe (GPLX), tại Điều 58 dự thảo quy định điểm của GPLX và điểm trừ của GPLX, tuy nhiên dự thảo chưa quy định rõ trong trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì GPLX sẽ còn hiệu lực hay không.

Do đó, ý kiến đề nghị chỉnh sửa khoản 2, Điều này như sau: “GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì GPLX hết hiệu lực và sẽ bị thu hồi”.

Đồng thời, tại khoản 3, Điều 58 quy định “Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm”. Ý kiến cho rằng điều này chưa phù hợp với quy định tại khoản 7, Điều 61 của dự thảo “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp GPLX …” và khoản 5, Điều 62 “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, trình tự, thủ tục về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi GPLX …”.

Vì vậy, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại GPLX nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quá trình áp dụng.

Đối với hiệu lực thi hành tại Điều 88, ý kiến đề nghị Ban soạn thảo rà soát để dẫn chiếu các điều luật bảo đảm chính xác. Mặt khác cân nhắc giữa thời điểm có hiệu lực của luật và Nghị quyết số 73 của Quốc hội (Luật có hiệu lực từ 1/1/2025, trong lúc Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, theo đó cho phép thí điểm 3 năm và bắt đầu từ 1/7/2023).

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202405/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-2218243/