Đại biểu Quốc hội hiến kế, mong sớm xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều nay (15/2), đa số Đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Chiều nay (15/2), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung chiều 15/2](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_314_51485971/04d6aca09fee76b02fff.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung chiều 15/2
Tại phiên thảo luận có 5 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Trong đó, về Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách vừa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn để sớm khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn; tiến độ thực hiện; các cơ chế, chính sách đặc thù; công nghệ để triển khai Dự án.
![Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến tại phiên thảo luận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_314_51485971/99ef269915d7fc89a5c6.jpg)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có triển vọng mang lại hiệu quả cao bởi đây là tuyến đường sắt kết nối tuyến hành lang từ Lào Cai qua Hà Nội đến Hải Phòng - là tuyến hành lang quan trọng thứ 2 chỉ sau hành lang kinh tế Bắc – Nam, với khối lượng vận chuyển hàng hóa rất lớn.Tuyến này được kết hợp vận chuyển 2 phương thức cả vận tải hàng và hành khách nên tính hữu dụng cao.
Hơn thế nữa, sau khi hoàn thành xong, tuyến sẽ kết nối được với đường sắt Trung Quốc qua đó giúp liên thông liên tục về hàng hóa và hành khách trong nước với quốc tế.
Bên cạnh đó, dự án tính chất chuyển giao công nghệ rất cao, trước hết là có khả năng chuyển giao công nghệ cho một loạt khâu sản xuất đường sắt trong nước, đặc biệt là tương thích với sản xuất đường sắt đô thị. Nhờ đó có thể phát triển công nghệ đường sắt đô thị bằng công nghệ trong nước.
"Trong dự án này cần nhấn mạnh hơn vào ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trong nước về làm chủ xây dựng đường, cầu, hầm; sản xuất đường ray; đóng toa xe", Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.
![Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_314_51485971/7046bb30887e6120386f.jpg)
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, đây là quyết định hợp lý, tuy nhiên việc tuyến đường sắt bám sát vào đường cao tốc sẽ làm hạn chế việc bố trí các ga và kết nối với mạng lưới giao thông tại các địa phương. Do vậy, đại biểu đề nghị quan tâm tới việc kết nối giữa ga với các đường hiện có và các tuyến đường có trong quy hoạch của từng địa phương.
Cùng với đó, về công trình ga, đại biểu cũng đề nghị rà soát vị trí và quy định chức năng ga để đảm bảo phù hợp với quy hoạch các địa phương có đường sắt chạy qua về sự kết nối giao thông cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Trong khi đó, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho rằng, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng phù hợp với các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 và là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, thực sự cần thiết.Đại biểu khẳng định, đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối giao thông kinh tế giữa các vùng kinh tế của Việt Nam và quốc tế, mở ra cơ hội lớn để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tiết kiệm chi phí logistics, giảm tải giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường góp phần phát triển xanh, bền vững, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để bảo đảm tiến độ theo đề xuất, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung 2 cơ chế chính sách: Một là, hỗ trợ ổn định chỗ ở, ổn định đời sống sản xuất cho nhân dân, cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương chủ động quyết định biện pháp hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành của pháp luật.Hai là, cho phép UBND cấp tỉnh được thực hiện ngay công tác quy hoạch thuộc các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng theo luật quy hoạch đô thị và nông thôn số 47 ngày 26/11/2024 trước ngày luật quy hoạch đô thị và nông thôn có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.
![Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_314_51485971/89855ff36cbd85e3dcac.jpg)
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố với chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km.
Về tổng mức đầu tư dự án, Bộ trưởng cho biết, qua tính toán sơ bộ khoảng 8,3 tỉ USD, bao gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, giải phóng mặt bằng và các chi phí khác. Nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác, chi phí xây dựng ở mức 15,97 triệu USD/km.
“Tuyến đường sắt mới nhất của Lào từ Viêng Chăn đến Boten giáp Trung Quốc dài 118 km, có tổng vốn đầu tư là 5,96 tỉ USD và suất đầu tư quy đổi là 16,77 triệu USD/km", Bộ trưởng Minh so sánh và nhận định "suất đầu tư của chúng ta thấp hơn một chút và tương đối hợp lý”. Ngoài ra, người đứng đầu ngành GTVT cho biết Chính phủ cũng đã có các giải pháp để cân đối, đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Đồng thời, với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần tăng trưởng.
Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được Quốc hội thông qua cho đường sắt tốc độ cao và những đặc thù của dự án, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sử dụng 15/19 cơ chế chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, và thêm vào 3 cơ chế chính sách khác.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.
Các đại biểu tham gia ý kiến về phương án và hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội của dự án, các chính sách đặc thù, đề nghị áp dụng việc khai thác đồng bộ với các tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1m và kết nối với các tuyến đường bộ, đường cao tốc và các tuyến đường sắt quốc tế sẽ kết nối.
Cũng trong chiều cùng ngày, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các ý kiến đại biểu cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố là rất cần thiết và cấp bách để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai Thành phố.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; vấn đề kết nối hệ thống toàn tuyến đường sắt đô thị; chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; tổ chức thực hiện.