ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN PHẠM VI, MỨC ĐỘ CHI TIẾT NỘI DUNG CỦA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

Sáng 07/01, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến mức độ cụ thể, chi tiết của các nội dung quy hoạch để bảo đảm cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vừa là cơ sở định hướng để lập các quy hoạch khác.

TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội ghi nhận báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được chuẩn bị công phu, với khối lượng lớn, đủ hồ sơ, kết cấu bám sát quy định tại Điều 22 của Luật Quy hoạch, bao quát được hầu hết các không gian kinh tế, các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ. Đồng thời cho rằng, Quy hoạch lần này là bản thiết kế tổng thể quốc gia, được thông qua sẽ là cơ sở nền tảng, phát huy tối ưu tiềm năng xây dựng, phát triển đất nước một cách hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, là cơ sở để lập một số quy hoạch quốc gia quan trọng khác. Do đó cần phải được rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng, bổ sung các nội dung về nguyên tắc quan điểm, mục tiêu. Việc bổ sung này vừa góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách, mục tiêu lớn trong Nghị quyết của Đảng, vừa đáp ứng nguyện vọng của cử tri và tạo cơ sở cần thiết cho hoạt động giám sát của Quốc hội.

Tránh định hướng chung chung hay quy định lại những định hướng đã và đang làm

Từ thực tế địa phương, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần định hướng rõ hơn, cụ thể hơn về chỉ tiêu, định hướng quy mô phát triển của các ngành kinh tế cơ bản như công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp theo 6 vùng kinh tế - xã hội như một số chỉ tiêu về quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế diện tích sản, lượng của các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp, số lượng diện tích các khu công nghiệp, số lượng quy mô của các trung tâm logistics, trung tâm thương mại cấp vùng cần được trình bày cụ thể hơn nữa, làm cơ sở để các hoạch vùng thiết lập cơ cấu phát triển kinh tế cho từng tỉnh.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Lý Thị Lan chỉ rõ, những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng và khu vực kinh tế theo vùng nhưng chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào như quốc tế, khu vực, quốc gia, liên vùng hay nội vùng; chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các Quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau, gần như theo cùng một hướng về cơ cấu kinh tế.

Đại biểu cũng cho rằng, đối với vấn đề cụm liên kết ngành như trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất và chế biến gỗ, phát triển công nghiệp điện tử, du lịch, kinh tế qua biên giới, logistics, hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông cũng cần được làm rõ khái niệm định hướng liên kết, định hướng vai trò, trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa để các tỉnh làm cơ sở luận giải được vị trí, vai trò, mối liên kết vùng của địa phương mình đối với vùng, đối với quốc gia và đối với quốc tế. Qua đó giúp các địa phương tiếp cận được các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các vùng.

Chỉ rõ nhiều nội dung Quy hoạch chủ yếu tập trung vào các định hướng cơ bản mang tính chiến lược phát triển về không gian kinh tế - xã hội, cho dù không gian vùng, các ngành, các lĩnh vực sẽ được triển khai quy hoạch chi tiết, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ mong đợi Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chỉ ra các nội dung quy hoạch cụ thể hơn, tránh việc định hướng chung chung mà từ trước tới giờ đã và đang làm.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ dẫn chứng đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quy hoạch đối với lĩnh vực này định hướng phát triển đưa ra các cụm câu như "tiếp tục rà soát", "cơ cấu lại", "nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán", "nâng cao quy mô hoạt động của thị trường chứng khoán", "phát triển hệ thống tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực", "tăng số lượng doanh nghiệp"..

Cho biết những vấn đề này không mới, đây là các giải pháp mà từ trước đến nay đang được thực hiện nhằm phát triển hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng nên tập trung vào các vấn đề như xây dựng và phát triển bao nhiêu trung tâm tài chính tầm quốc tế; tập trung cơ cấu lại thị trường tài chính, xác định quy mô của thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán; cấu trúc hệ thống cấp tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ tài chính.

“Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần”

Nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm, theo đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược phải rõ, cụ thể nhưng không được mâu thuẫn, thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.

Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc các định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng ban hành.

Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu, các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý, có thể ta gọi đó là “quy hoạch cứng”. Quy hoạch cứng có thể là những vấn đề như giao thông, đất đai, năng lượng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh. Những nội dung khác có thể xã hội hóa hoặc mang tính định tính như giáo dục, y tế nên xác định phương pháp “quy hoạch mềm”.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, xác định cả quy hoạch cứng và quy hoạch mềm để tránh việc quá đi vào chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí lại thành bó khung lại mà nếu không chuẩn bị tốt hoặc xác định chưa đầy đủ căn cứ lại thành điểm đóng khung gây hạn chế sự phát triển.

Cùng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng quy hoạch cần ưu tiên cho không gian phát triển hơn là những con số quá cụ thể. Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà cần chỉ nên khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành và địa phương có căn cứ xây dựng chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp. Cùng với đó cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, lấy nội lực, thế mạnh của quốc gia có tính quyết định việc tranh thủ hợp tác, liên kết với các nước và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng, cùng với năng lực dự báo tình hình khu vực và thế giới để xây dựng quy hoạch bảo đảm cho quy hoạch có tính bền vững, lâu dài. Quy hoạch cần quy định các nguyên tắc cơ bản làm cơ sở để quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời làm kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành.

Lưu ý, Quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành những đoạn tuyến, hành lang mới. Nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của 6 vùng theo Nghị quyết đã đề ra.

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, do đây là lần đầu tiên lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp vấn đề khó nhất đặt ra là xác định nội dung và mức độ chi tiết như thế nào? Theo đó, không được quá chung chung để trùng với Chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đề ra nhưng cũng không được quá chi tiết sẽ trùng với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo đã đảm bảo tuân thủ yêu cầu nhằm cụ thể hóa một bước các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ quy định tại Điều 22 của Luật Quy hoạch. Theo đó bảo đảm cho Quy hoạch tổng thể quốc gia là là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, lãnh thổ, xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước, phạm vi cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Đối với các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh thì sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72210