Đa số đồng ý phương án thi tốt nghiệp năm 2025 với 2 môn bắt buộc
2025 là năm đầu tiên những học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, cách thức và số môn thi đang là điều quan tâm của dư luận.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, bộ tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo 3 phương án.
Phương án 4+2 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3 + 2 là thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn.
Hiện nay phương án 2+2 đang nhận được sự đồng tình của đa số chuyên gia giáo dục, giáo viên và học sinh.
Theo GS-TS Phạm Hồng Quang (Đại học Thái Nguyên) hiện nay với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là cách mạng công nghệ 4.0 thì không nên coi đâu là môn chính, đâu là môn phụ, vì mỗi môn đều có giá trị riêng của nó.
Việc lựa chọn bắt buộc thi 2 môn Toán, Văn vì đây là môn nền tảng gốc của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cho tất cả học sinh sau THPT, đúng tinh thần phổ thông là học vấn cơ bản, nền tảng.
Về băn khoăn không đưa môn Ngoại ngữ thành môn bắt buộc có phù hợp với xu thế hội nhập, GS Quang bày tỏ việc chọn môn Ngoại ngữ hoặc môn bất kỳ đều có giá trị như nhau.
Thực tế, nhiều học sinh đã tự tìm đến nhiều môi trường học ngoại ngữ để các em vươn xa, chứ không chờ đợi quy định thi bắt buộc hay tự chọn.
Còn PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng phương án 2+2 đã đáp ứng tốt yêu cầu của Quốc hội là gọn nhẹ và giảm áp lực.
"Quan trọng là các trường ĐH xây dựng phương án tổ hợp xét tuyển theo đúng hướng lựa chọn môn học của kỳ thi tốt nghiệp THPT và năng lực của từng thí sinh, lúc đó mới là đồng bộ từ trên xuống dưới, thuận lợi cho các thí sinh" - ông Thống cho hay.
Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT, bộ yêu cầu các trường hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2024, đồng thời chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh. Xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của chương trình mới.
Vào cuối tháng 9.2023, Bộ GD-ĐT từng thông tin, trong quá trình khảo sát 17.981 giáo viên, gần 60% chọn phương án 2+2. Phương án này có ưu điểm giảm áp lực thi cử, giảm chi phí, do giảm 2 môn thi so với hiện nay.
Việc này cũng không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Thí sinh vẫn có thể dùng điểm thi để xét tuyển đại học.