Cuộc sống của bộ tộc Baka ở rừng mưa nhiệt đới

Người Baka, được biết đến ở Congo với tên Bayaka là một nhóm dân tộc sinh sống ở các khu rừng mưa nhiệt đới phía Đông Nam của Cameroon, Cộng hòa Congo, Gabon và Cộng hòa Trung Phi. Tại Cameroon, dân số của cộng đồng người Baka có khoảng 30.000 người.

Người Baka trong trang phục truyền thống. Ảnh: Theguardian

Bộ tộc Baka chủ yếu sống bằng nghề săn bắn, hái lượm ở các khu rừng mưa nhiệt đới. Đàn ông Baka thường đặt bẫy quanh khu rừng, sử dụng tên và giáo tẩm độc để săn bắn hiệu quả. Ở các sông suối, phương pháp đánh cá mà đàn ông Baka hay sử dụng đó là nghiền các nguyên liệu thực vật rồi rải xuống nước để cá nổi lên mặt nước, sau đó thu gom. Phụ nữ Baka thường trồng các loại cây như chuối, sắn, ngô, đậu phộng, các loại rau củ địa phương (tương tự như khoai tây, khoai lang) và nuôi ong. Quyền lực trong nhóm đi săn của đàn ông Baka có thể phụ thuộc vào độ tuổi hoặc kỹ năng của người đi săn. Người thợ săn giỏi nhất thường được kính trọng hơn, nhưng mọi người sẽ phản đối nếu người đó muốn thao túng nhóm đi săn.

Trong mùa khô, người Baka thường di chuyển và dựng trại trong rừng để thuận tiện cho việc đánh bắt cá và trồng sắn. Thời tiết thuận lợi hơn trong mùa khô nên đàn ông Baka thường đi săn từ lúc sáng sớm cho đến khi hoàng hôn, còn phụ nữ Baka hái lượm hoa quả rừng để ép lấy nước và làm các loại hạt. Tại các nơi giao thương với các bộ tộc khác, người Baka thường trao đổi hàng hóa cơ bản của mình (như trái cây, hoa, cây thuốc...) để đổi lấy tiền và hàng hóa công nghiệp.

Người Baka theo truyền thống thường sống trong các thị tộc khoảng 20 người, mỗi thị tộc có khoảng 5 đến 6 hộ gia đình. Tất cả các thành viên trong tộc đều coi nhau như họ hàng, kể cả những người không có quan hệ họ hàng gần gũi. Mỗi thị tộc có một tộc trưởng chịu trách nhiệm bảo vệ người dân của mình và ra quyết định liên quan đến toàn bộ nhóm. Trong các thị tộc còn có các nhà hiền triết được gọi là “boklak” đóng vai trò là những người hỗ trợ tộc trưởng trong việc duy trì truyền thống, truyền lại kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nhóm quan trọng khác của cộng đồng Baka bao gồm: “belombe” là những thợ săn chuyên nghiệp và chuyên gia; những người thợ thủ công và phụ nữ sản xuất vũ khí săn bắn, công cụ đánh cá và thu hoạch, cũng như những người thợ dệt dệt quần áo, lưới, giỏ; và “nganga” là các chuyên gia về y học cổ truyền.

Do sinh sống lâu đời trong các khu rừng, người Baka đã triệt để khai thác rừng khiến tài nguyên rừng bị ảnh hưởng. Hầu hết các dụng cụ phục vụ nấu ăn, săn bắn và hái lượm của người Baka đều làm từ gỗ. Người Baka thường dùng các phương pháp điều trị bệnh bằng thảo dược. Nhiều loại cây khác nhau có thể được ủ hoặc nghiền thành bột để điều trị các bệnh khác nhau. Mặc dù hiệu quả của những phương thuốc cổ truyền thảo dược của bộ tộc Baka chưa được chứng minh, nhưng những người không thuộc bộ tộc Baka cũng tìm đến những người chữa bệnh trong cộng đồng người Baka để điều trị.

Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của bộ tộc Baka; tại các buổi lễ, người Baka thường kể những câu chuyện tâm linh, ca hát và chơi các loại nhạc cụ như đàn hạc, đàn cung dây. Các bài hát của bộ tộc Baka đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách đại diện Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2008. Trong âm nhạc, người Baka có điệu đánh trống nước tên gọi là “liquindi”. Âm thanh từ điệu “liquindi” được tạo ra bằng cách dùng bàn tay gõ lên mặt nước.

Người Baka thờ thần rừng có tên là “Jengi” (còn gọi là Djengui hay Ejengi). Họ so sánh thần “Jengi” như một người giám hộ đặc biệt của bộ tộc. Người Baka tôn kính thần “Jengi” và tin rằng thần “Jengi” luôn hiện hữu trong các khu rừng để trừng phạt những kẻ vi phạm các quy định của rừng. Sau mỗi mùa săn bắn thành công, người Baka ăn mừng bằng các bài hát tạ ơn và nhảy múa trong nghi lễ có tên gọi là “Luma”. Khi một người Baka mất đi, các người dân trong làng sẽ cầu nguyện thần “Jengi” và nhảy xung quanh quan tài của người đã khuất trong nghi lễ có tên là “Mbouamboua”.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-song-cua-bo-toc-baka-o-rung-mua-nhiet-doi-post469775.html