Cùng tiếp sức với 'tuyến đầu'
Kể từ khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên - ca thứ 17 ở Việt Nam - cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 bước vào một giai đoạn mới, nóng bỏng, quyết liệt hơn bao giờ hết. Cũng vì thế, cường độ làm việc của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch của Thủ đô tăng lên và áp lực hơn rất nhiều. Nhưng trên tất cả, họ vẫn đã, đang ngày đêm kiên trì chiến đấu với 'giặc Covid-19' để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Trước tiên cần nhấn mạnh, ở thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, những "chiến sĩ" áo trắng - nơi tuyến đầu của mặt trận chống dịch, đã, đang phải hy sinh rất nhiều để toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm chống dịch này, nhiều người phải tạm xa gia đình, xa người thân yêu. Những niềm vui riêng cũng đành phải gác lại. Lúc này, với họ, nhiệm vụ chống dịch luôn là ưu tiên số một, bởi một niềm tin: An toàn cho cộng đồng chính là an toàn cho chính mình và người thân.
Điều đáng trân quý là các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang phải làm việc trong môi trường tiếp xúc với người bệnh hoặc đi vào tâm dịch, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng họ không nề hà, luôn trong tư thế sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, quyết tâm ngăn chặn dịch Covid-19 của đội ngũ cán bộ ngành Y tế đã thực sự khiến người dân yên lòng và tin tưởng chúng ta sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh.
Thực tế hiện nay cho thấy, cuộc chiến với “giặc Covid-19” không thể chỉ một sớm, một chiều là kết thúc. Trong thời điểm quyết định này, các y, bác sĩ, nhân viên y tế rất cần sự đồng lòng, chia sẻ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng. Với các biện pháp hiệu quả đã, đang thực hiện, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng, trang bị đầy đủ thiết bị y tế bảo hộ để giúp họ yên tâm cống hiến sức lực, trí tuệ trong phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra là tiếp tục quan tâm tới chế độ độc hại, chế độ chống dịch cho đội ngũ cán bộ y tế; hỗ trợ các trường hợp tham gia phòng, chống dịch có hoàn cảnh gia đình khó khăn...
Mỗi cơ sở y tế cũng cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế về sàng lọc, phân luồng, cách ly và phòng, chống nhiễm khuẩn để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đội ngũ cán bộ của mình và người dân. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cung cấp các kiến thức phòng, chống dịch bệnh, quy trình cách ly, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm..., giúp các y, bác sĩ, nhân viên y tế hiểu rõ nguyên nhân, diễn biến, các triệu chứng của bệnh, cũng như các biện pháp phòng ngừa...
Một việc đặc biệt quan trọng hiện nay là đồng hành với các "chiến sĩ" áo trắng, mỗi người dân cần trở thành một hậu phương vững chắc, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là với dịch. Trong đó, việc thiết thực và rất cần thiết là mỗi người dân tích cực thực hiện việc khai báo thông tin y tế trên các ứng dụng như NCOVI..., qua đó giúp ngành Y tế kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời giảm tải cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế.
Đội ngũ cán bộ y tế - những người đang phải ngày đêm thực hiện cuộc chiến với dịch Covid-19, cần quan tâm giữ gìn sức khỏe của mình để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ y tế chuyên dụng, mỗi người cần chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ các khuyến cáo dành cho cán bộ y tế ở vùng dịch, bệnh viện, nơi cách ly...
Chống dịch như chống giặc. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các y, bác sĩ, nhân viên y tế, sự tiếp sức của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đoàn kết một lòng của người dân, cho "tuyến đầu", nhất định “giặc Covid-19” sẽ sớm bị khống chế và đẩy lùi.