Dư nợ tín dụng tháng 1 tăng trưởng 2,74%

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 1/2022 đã tăng trưởng được 2,74% so với cuối năm 2021. Theo đó, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 1/2022 đã tăng trưởng khoảng 16,32% so cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2022 theo đó đã tăng trưởng khá mạnh so với 1 năm trước, bởi tháng 1/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,53% so với cuối năm 2020.

Trước đó trong cả năm 2021, tăng trưởng tín dụng đạt 13,53%. Trong đó, tín dụng công nghiệp hỗ trợ đạt tăng trưởng cao nhất với 21,52%; tiếp theo là tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 19,2%.

Dư nợ tín dụng tháng 1 năm 2022 tăng trưởng 2,74%

Kịch bản mới cho diễn biến tăng trưởng tín dụng năm 2022 Các điều kiện cơ bản thúc đẩy tăng trưởng vẫn rất tích cực CPI tháng 1/2022 tăng 0,19%

Tín dụng ngành thương mại và dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với tốc độ tăng 14,1%; bám sát theo sau là tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 13,7%; tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 13,5%.

Tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân khi chỉ đạt 11,98%; tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản cũng có tốc độ tăng khá khiêm tốn so với mức bình quân với 8,68%.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với ngành ngân hàng và đưa ra một số định hướng chỉ đạo cơ bản.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ..

Ngoài ra, ngành ngân hàng phải tiếp tục góp phần quan trọng, đắc lực cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phục vụ hoạt động thông suốt của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là phục vụ hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chương trình tổng thể phòng chống dịch, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ.

Một số nội dung khác Thủ tướng chỉ đạo với ngân hàng là phải tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng…/.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-no-tin-dung-thang-1-tang-truong-274-99986.html