COP29 hướng tới tương lai bền vững: Bảo vệ con người, sinh kế và hệ sinh thái
Nhận thức về nguy cơ, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam đã chuyển biến rõ rệt, từ đó đã có sự chủ động tham gia một cách trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tham dự COP29 với nhiều hoạt động tích cực, Việt Nam thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) cập nhật
Trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị COP29, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì sự kiện về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) cập nhật của Việt Nam.
Cùng với 59 quốc gia đã hoàn thành và công bố NAP, đây là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong xây dựng các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cả hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội và con người.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu. Theo hướng dẫn từ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) vào năm 2020, triển khai Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia. NAP xác định các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên cụ thể cho 7 lĩnh vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển đô thị và nhà ở; du lịch; sức khỏe cộng đồng và công thương.
Sau một thời gian thực hiện, Việt Nam đã tiến hành rà soát, cập nhật NAP trên cơ sở thực tiễn, các kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023 và các cam kết mới của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã chủ động huy động mọi nguồn lực trong nước để thực hiện NAP hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, công nghệ, năng lực, kinh nghiệm và kinh phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu chủ yếu huy động từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của cộng đồng.
“Các nhiệm vụ ưu tiên xác định trong Kế hoạch cập nhật đều mang tính liên ngành, liên vùng; yêu cầu nguồn lực kỹ thuật và tài chính rất lớn để triển khai hiệu quả. Do đó, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhằm chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đặc biệt là việc triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng, lĩnh vực dễ bị tổn thương ở Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Trong Kế hoạch cập nhật, Việt Nam điều chỉnh mục tiêu cụ thể và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phù hợp với nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và các chiến lược, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực có liên quan.
Kế hoạch xác định 162 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên theo 3 mục tiêu chính: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững (76 nhiệm vụ); giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu (33 nhiệm vụ); hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu (53 nhiệm vụ).
NAP cập nhật cũng bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về áp dụng các mô hình phát triển sinh kế bền vững, mô hình thích ứng dựa vào tự nhiên, dựa vào hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng; cùng với các nhiệm vụ, giải pháp góp phần giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu hút sự tham gia và đầu tư của khối tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy vai trò của thanh thiếu niên, phụ nữ và cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại sự kiện, bà Rohini Kohli, Cố vấn kỹ thuật cấp cao về Chính sách và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho rằng, thích ứng nhanh chóng và hiệu quả là cần thiết đối với Việt Nam vì tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng tính dễ bị tổn thương trong các cộng đồng vốn đã có nguy cơ. NAP cập nhật đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội để giải quyết các tổn thất và thiệt hại tiềm ẩn; đồng thời giúp huy động các nguồn lực cần thiết cho tương lai có khả năng chống chịu, bảo vệ các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương.
Theo bà Rohini Kohli, là một quốc gia dễ bị tổn thương, Việt Nam cần chủ động trong các cuộc đàm phán quốc tế, góp phần xây dựng các giải pháp giảm thiểu tổn thất và thiệt hại công bằng, hiệu quả thông qua hợp tác đa phương.
Mục tiêu khí hậu thông qua trao đổi tín chỉ carbon
Hội nghị COP29 đã có bước đột phá quan trọng đầu tiên về thị trường carbon toàn cầu. Đại diện 191 quốc gia đã thống nhất một bộ quy tắc chung cho các tín chỉ carbon được tạo ra và trao đổi theo cơ chế quy định tại Điều 6 khoản 4 của Thỏa thuận Paris. Theo báo cáo thường niên "Hiện trạng và xu hướng định giá carbon năm 2024" của Ngân hàng Thế giới công bố vào giữa năm nay, thế giới đã có 75 thị trường carbon đang vận hành riêng rẽ, với doanh thu định giá carbon đạt mức kỷ lục 104 tỷ USD năm 2023. Hơn một nửa doanh thu này được sử dụng để tài trợ cho các chương trình liên quan đến khí hậu và thiên nhiên.
Điều 6 của Thỏa thuận Paris tạo khuôn khổ một thị trường carbon thống nhất trên phạm vi toàn cầu nhằm giúp các quốc gia có thể hợp tác đạt được mục tiêu khí hậu thông qua trao đổi tín chỉ carbon và tạo thuận lợi cho các giao dịch carbon xuyên biên giới. Thị trường carbon theo Điều 6 phải tuân thủ quy tắc “điều chỉnh tương ứng” nhằm chứng nhận kết quả giảm phát thải từ bên bán sẽ không được tính vào kết quả giảm phát thải tại quốc gia sản xuất ra tín chỉ, đảm bảo quyền lợi sở hữu kết quả giảm phát thải khí nhà kính thuộc về bên mua.
Các cuộc đàm phán đang tiếp tục diễn ra nhằm hình thành đầy đủ các yếu tố để đưa thị trường carbon toàn cầu vào vận hành. Hoàn tất đàm phán Điều 6 có thể giảm chi phí thực hiện các kế hoạch khí hậu quốc gia mỗi năm trên cơ sở hợp tác giảm phát thải khí nhà kính xuyên biên giới.
Việt Nam đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon và sẽ thí điểm từ năm 2025, chính thức hoạt động từ năm 2028. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có hơn 100 dự án đã được cấp tín chỉ carbon và giao dịch, phân chia khoảng 41 triệu tín chỉ carbon ra nước ngoài theo các tiêu chuẩn tín chỉ khác nhau. Trong đó, riêng tín chỉ carbon theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) đạt tiêu chuẩn Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 4 các quốc gia có số lượng dự án nhiều nhất và top 10 quốc gia được cấp nhiều tín chỉ carbon nhất.
Để có cơ sở chặt chẽ cho việc chuyển giao tín chỉ carbon từ Việt Nam ra quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất quy định về cấp Thư chấp thuận chuyển giao quốc tế tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải thí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và quốc gia đối tác cần được ký kết theo Luật Điều ước quốc tế.
Cùng với việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì triển khai nhiều hội nghị, hội thảo cũng như chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.