Công tư cùng 'bắt tay' để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp
Khoa học công nghệ được xác định là yếu tố then chốt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, để giúp tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Trong đó, đầu tư theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy ứng dụng và lan tỏa công nghệ cao trong nông nghiệp. Chính vì vậy, thể chế về PPP cần được nhanh chóng hoàn thiện để thúc đẩy hợp tác công tư trong nông nghiệp.
Trong thời gian qua, chính phủ, ngành nông nghiệp cùng các bộ ngành, địa phương liên quan đã khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao ở các mảng sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, tỉnh thành và địa phương (OCOP).
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có những hạn chế xuất phát từ việc chính sách hiện có chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, thủ tục hành chính phức tạp trong phát triển khoa học công nghệ, thiếu sự liên kết giữa các tổ chức, đơn vị trong mối quan hệ hợp tác công tư.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, KTSG Online đã có cuộc trao đổi với bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng – một trong những đối tác của mối liên kết, hợp tác công tư trong phát triển mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (mô hình có sự tham gia của khối công là Trung tâm khuyến nông quốc gia và khối tư là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng và Công ty cổ phần phân bón Bình Điền – PV) cũng như mô hình canh tác bền vững hướng đến tương lai với tên gọi ForwardFarm (mô hình có sự tham gia của Sài Gòn Kim Hồng, Bình Điền, Tập đoàn Bayer và Trung tâm Khuyến nông quốc gia – PV).
Hiệu quả tích cực từ mô hình canh tác mới
KTSG Online: Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như mô hình ForwardFarm đem lại hiệu quả như thế nào, thưa bà?
Bà Đào Thị Như Hè: Đối với Sài Gòn Kim Hồng, chúng tôi tham gia ở phần việc đưa máy sạ cụm phối hợp với Bình Điền (đơn vị cung ứng phân bón- PV) và Bayer (đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật- PV) để áp dụng vào mô hình canh tác lúa thông mình thích ứng với biến đổi khí hậu và mới đây thêm mô hình ForwardFarm. Đây là những tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vai trò của Sài Gòn Kim Hồng là giúp bà con nông dân giảm lượng giống gieo sạ, tức không chỉ giúp giảm chi phí giống mà còn giảm chi phí thuốc vảo vệ thực vật và phân bón.
Tuy nhiên, việc giảm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như nêu trên vẫn không làm giảm năng suất lúa của bà con nông dân.
KTSG Online: Cụ thể, xét về hiệu quả kinh tế thực tế qua các mô hình đã triển khai ra sao, thưa bà?
– Qua đánh giá và báo cáo thực tế, mỗi héc ta lúa áp của mô hình giúp bà con nông dân đạt lợi nhuận cao hơn 2-3 triệu đồng so với mô hình canh tác đối chứng hoặc phương thức canh tác truyền thống hiện nay của người nông dân. Thậm chí, có một mô hình ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn 6 triệu đồng/héc ta so với mô hình đối chứng. Bởi, ruộng đối chứng bị đỗ ngã, dẫn đến bị thất thoát trong khi ruộng lúa của mô hình nhờ áp dụng sạ cụm, cây lúa cứng, tránh được đỗ ngã.
Muốn nhân rộng, phải làm cho nông dân tin tưởng
KTSG Online: Rõ ràng, thực tế mô hình mang lại hiệu quả tốt, nhưng về khả năng để nhân rộng, bà đánh giá thế nào?
– Mô hình làm đạt, mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân, nhưng hiện nay gặp không ít khó khăn trong nhân rộng. Bởi lẽ, nông dân chưa tin tưởng vào mô hình của các nhà khoa học hoặc của công ty; bản thân nông dân cứ nghi ngờ, có thể từ trước đến nay họ chưa được một đơn vị hoặc chưa có mô hình nào cụ thể có sự chịu trách nhiệm với họ.
Sài Gòn Kim Hồng tham gia nhiều mô hình, nhưng khi dự án kết thúc, thì đa số mô hình đó cũng “đi theo” dự án luôn, tức người nông dân tham gia không tiếp tục thực hiện (chẳng hạn như dự án máy cấy).
Để có thể nhân rộng được mô hình này, tôi mong Nhà nước, các sở, ban ngành địa phương phải chung tay hơn nữa, thậm chí đôi khi phải áp dụng phương pháp đặt để thì người nông dân mới áp dụng.
Một điều quan trọng nữa, là phải tập trung vào mô hình đó và thực hiện liên tục nhiều vụ, nhiều năm để người nông dân thấy, tin tưởng và chính họ sẽ là người quảng bá nhân rộng. Làm vụ đầu tiên nông dân có thể còn nghi ngờ, nhưng nếu tiếp tục “tiếp sức” đến vụ thứ 2, thứ 3, thậm chí nhiều hơn, thì khi họ thấy thành công rồi, lúc này không cần tài trợ họ cũng tự đầu tư.
Tóm lại, để có thể nhân rộng mô hình này, thì phải liên tiếp hỗ trợ cho nông dân. Có thể chỉ thực hiện 1-2 mô hình ở mỗi khu vực, nhưng phải thực hiện liên tục nhiều vụ, thay vì làm tràn lan, nhưng không “lấy được lòng tin” của người dân.
KTSG Online: Phương thức hỗ trợ như thế nào để nông dân tin tưởng làm theo, thưa bà?
– Xưa nay, theo mô hình khuyến nông hoặc mô hình của các tỉnh, thì hỗ trợ 50% giống, phân bón và các đầu tư khác, trong đó, có cơ giới hóa. Thế nhưng, khi mô hình vừa xong, thì người đầu tư máy móc thiết bị (như máy sạ cụm- PV) cũng hết việc do nông dân trong mô hình không thuê tiếp vì không còn hỗ trợ, trong khi bên ngoài nông dân chưa tin tưởng để làm theo.
Tuy nhiên, nếu như chúng ta có một đề án với cơ chế hỗ trợ cho nông dân dài hơn, như vụ đầu tiên hỗ trợ về cơ giới hóa; vụ thứ hai, hỗ trợ giống và phân; vụ thứ 3 hỗ trợ tiếp về máy móc cơ giới hóa…, thì hy vọng sẽ thuận lợi hơn. Nhưng thực tế, không hỗ trợ như vậy nên nông dân không làm tiếp sau khi dự án kết thúc, dẫn đến khó khăn trong mở rộng.
KTSG Online: Các mô hình triển khai đều có sự tham gia của khu vực công, bà đánh giá như thế nào về việc này?
– Hiện nay, nhà nước đang quan tâm rất lớn, nhất là đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Trong đó, những thành công bước đầu cũng nhờ vào hợp tác công- tư, bao gồm nhà nước là Trung tâm khuyến nông và khu vực tư gồm có Sài Gòn Kim Hồng, Bình Điền và Bayer.
Đối với khu vực công, bên cạnh tham gia hỗ trợ đầu tư, thì nhà nước còn giữ vài trò như trọng tài để “chứng nhận” doanh nghiệp làm đúng số lượng giống, lượng phân bón, thuốc và kết quả đạt được. Đây là chứng nhận để nông dân thấy mô hình thật sự có hiệu quả.
Thật ra, không doanh nghiệp nào không quảng cáo cho mình, nhưng nhà nước thì không, cho nên, chứng nhận được công bố từ nhà nước, thì nông dân sẽ tin tưởng hơn.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, để nhân rộng mô hình này, thì còn nhiều việc phải nỗ lực hơn, trong đó, quan trọng là làm sao cho người dân tin tưởng và sự tin tưởng đó cần thời gian, cần sự quyết liệt hơn nữa của sở, ban ngành…
Công tư bắt tay thúc đẩy canh tác bền vững, phát thải thấpTrao đổi với KTSG Online, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, mô hình ForwardFarm do Trung tâm khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Bayer khởi động, trong đó, đơn vị này tham gia vào mô hình ở giải pháp canh tác thông minh và cung ứng các loại phân bón phù hợp cho chương trình.Để thực hiện mô hình nêu trên, theo ông Tâm, các đối tác công- tư đã thực hiện 15 mô hình trước đó ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. “Qua đó, đi đến kết luận: để triển khai được, chúng tôi đã đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tốt nhất hiện nay, bao gồm áp dụng phương pháp sạ cụm và bón vùi phân…”, ông Tâm cho biết.Về hiệu quả kinh tế, ông Tâm cho biết, như với thành phố Cần Thơ, chỉ tính riêng giống có thể tiết kiệm được khoảng 18.000 tấn/vụ, tương đương khoảng 300 tỉ đồng (lượng giống trong mô hình giảm còn 50-60 kg/héc ta thay vì khoảng 150 kg/héc ta như hiện nay- PV).Ông Tâm cho biết, khi giảm giống gieo sạ sẽ giúp giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. “Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nữa là khi chúng ta làm như vậy, sức khỏe của bà con nông dân sẽ tốt hơn vì không tiếp cận nhiều với hóa chất”, ông cho biết và nói rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có định hướng phát triển nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, phát thải thấp, thì chương trình này sẽ giúp giảm 30-40% lượng phát thải so với canh tác thông thường của bà con nông dân.