Công tác tuyên truyền về sửa đổi Hiến pháp 2013 đạt kết quả tốt

Đợt tuyên truyền, phổ biến về công tác sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được tổ chức quy mô, bài bản, rộng khắp, có kế hoạch chi tiết, có sự tham gia của tất cả các chủ thể.

Ngày 25-5, Tổ công tác của Bộ Tư pháp tiếp tục có buổi thảo luận về những vấn đề lớn tại Đề cương Dự thảo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (dự thảo Nghị quyết).

 Tổ công tác của Bộ Tư pháp họp thảo luận về một số nội dung liên quan sửa đổi Hiến pháp 2013. Ảnh: BTP

Tổ công tác của Bộ Tư pháp họp thảo luận về một số nội dung liên quan sửa đổi Hiến pháp 2013. Ảnh: BTP

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, mặc dù còn thời hạn tổng hợp số liệu nhưng Bộ Tư pháp vừa có văn bản đốc thúc các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện báo cáo tổng hợp việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết.

Cũng theo bà Hạnh, đợt tuyên truyền, phổ biến về công tác sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được tổ chức quy mô đồ sộ, bài bản, rộng khắp, có kế hoạch chi tiết, cụ thể, thực hiện thành cao điểm, có sự tham gia của tất cả các chủ thể.

Việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết chỉ được tiến hành trong 1 tháng, từ ngày 6-5 đến ngày 5-6-2025, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện nhiều cải cách lớn về thể chế và bộ máy nhà nước. Do đó, yêu cầu đặt ra là không chỉ bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, mà còn phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức phù hợp trong quá trình lấy ý kiến.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố tài liệu lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử; ban hành kế hoạch, có văn bản chỉ đạo, phổ biến, quán triệt việc tổ chức lấy ý kiến tại địa phương.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, vận động các cán bộ, người lao động và các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm.

Các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương đều đẩy mạnh truyền thông kịp thời, rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Việc tuyên truyền được thực hiện cả trước, trong khi quá trình triển khai lấy ý kiến diễn ra.

Ở cấp cơ sở, lực lượng công an xã, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức họp thôn, phát thanh cơ sở, phát tờ rơi, gõ cửa từng hộ gia đình hướng dẫn góp ý qua ứng dụng VNeID…

Đáng chú ý, việc kết hợp linh hoạt giữa truyền thông hiện đại (báo điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng) và truyền thông truyền thống (loa phát thanh, họp dân, tọa đàm trực tiếp) giúp tăng độ phủ và chiều sâu tiếp cận, bảo đảm mọi tầng lớp nhân dân.

Số liệu thống kê của Cục Báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy trong thời gian từ ngày 6-5 tới ngày 23-5 đã có 3.808 tin, bài đăng trên các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí mở các tuyến bài, chuyên mục về nội dung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-tac-tuyen-truyen-ve-sua-doi-hien-phap-2013-dat-ket-qua-tot-post851703.html