Công tác cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, công tác tổ chức cai nghiện và quản lý người nghiện tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp.
Về công tác cai nghiện, tính từ ngày 1/6/2020 đến 1/6/2023, thành phố đã tổ chức cai nghiện cho 28.500 người (trong đó cai nghiện tự nguyện: 9.545 người, cai nghiện bắt buộc: 18.955 người). Quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các cơ sở được thực hiện 5 giai đoạn, gồm: Giai đoạn tiếp nhận, phân loại ban đầu; giai đoạn cắt cơn, giải độc; giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách; giai đoạn lao động trị liệu, dạy nghề; giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng. Qua đó, đã tổ chức tham vấn, tư vấn cho hơn 2,5 triệu lượt học viên và hơn hơn 27 ngàn lượt thân nhân học viên; tổ chức các chương trình giáo dục chuyên đề chuyển đổi hành vi nhân cách cho gần 455 ngàn học viên tham dự; tổ chức 222 lớp dạy văn hóa, lớp xóa mù chữ, tiểu học cho 5.390 học viên và 366 lớp dạy nghề (may công nghiệp, kỹ thuật cắt may, sửa xe gắn máy, điện dân dụng, điện lạnh, tin học,...) cho hơn 10 ngàn học viên.
Trong công tác quản lý, hỗ trợ giúp đỡ cho người chấp hành xong quyết định cai nghiện về quản lý tại nơi cư trú, thành phố hiện có các Điểm Tư vấn, Đội Công tác xã hội tình nguyện (279 Điểm Tư vấn và 306 Đội Công tác xã hội tình nguyện) được thành lập nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy tiếp cận các dịch vụ xã hội, pháp lý, y tế, tư vấn, giáo dục tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Qua đó, đã tư vấn, cung cấp thông tin về các dịch vụ cai nghiện, điều trị Methadone, phòng, chống tái nghiện và giới thiệu việc làm cho 143 người; hỗ trợ 172 người học văn hóa, 275 người được giới thiệu học nghề.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đánh giá, công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ngày càng được nâng cao về chất lượng, môi trường cai nghiện ngày càng thân thiện, công tác quản lý, giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề ngày càng đổi mới, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là vì hiện nay, đó là các tệ nạn xã hội ngày một phức tạp, số người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp gây ra tình trạng loạn thần, ảo giác, khó kiểm soát hành vi.
Theo kết quả thống kê của các cơ quan chức năng, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố tính đến ngày 15/6/2023 là 16.188 người, chiếm tỷ lệ 9,24% so với cả nước (cả nước 175.063 người). Tổng số người nghiện ma túy đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện của thành phố là 9.006 người, chiếm tỷ lệ 28,57% so với số người đang cai nghiện cả nước (cả nước 31.522 người). Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện cũng còn hạn chế, bất cập như: Người nghiện và gia đình người nghiện thường trốn tránh, chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện, không tự nguyện tham gia cai nghiện tại cộng đồng, nhiều người nghiện lang thang, gia đình khó khăn không có kinh phí thực hiện cai nghiện tự nguyện…
Đồng thời, quy định về kinh phí hỗ trợ cho công tác cai nghiện tự nguyện chưa phù hợp, chưa đảm bảo để người nghiện thực hiện được cai nghiện tự nguyện, trong khi đó theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện là biện pháp bắt buộc trước khi lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy.
Chưa kể công tác quản lý người nghiện tái hòa nhập cộng đồng về địa phương còn nhiều khó khăn, rất ít người cai nghiện hoàn thành xong thời gian cai nghiện trở về địa phương trình báo với chính quyền địa phương để tiếp tục quản lý sau cai nghiện theo quy định, nhất là người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Công tác hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, giải quyết việc làm cho người nghiện hiệu quả cũng chưa cao, do tình hình sức khỏe và thể trạng của người nghiện yếu, trình độ học vấn thấp, nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm còn nhiều hạn chế, xã hội còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử nên người sau cai nghiện cũng khó cạnh tranh tìm kiếm được việc làm tốt, phù hợp, ổn định cuộc sống...
Mặt khác, cán bộ làm công tác cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại địa phương đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ về điều trị, tư vấn tâm lý, giáo dục theo quy định.
Do đó, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều nội dung thiết thực. Trong đó, cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy sâu rộng đến người dân bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng, nhất là tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, gia đình người nghiện để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tự nguyện cai nghiện và thực hiện tốt công tác quản lý sau cai nghiện. Tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ, chặt chẽ người sử dụng, người nghiện, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố để tổ chức quản lý, điều trị cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện, người sau cai nghiện ngoài cộng đồng, không để phát sinh tội phạm và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố…