Công nhân phấn khởi trở lại nhà máy sản xuất
Tỉnh Long An cho phép tất cả doanh nghiệp (DN) trên địa bàn được hoạt động trở lại, số lượng lao động (LĐ) theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình sản xuất phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch. Được đi làm trở lại sau thời gian dài tạm nghỉ, người LĐ rất phấn khởi.
Trước đợt dịch thứ 4 bùng phát, trên địa bàn tỉnh có13.483 DN đăng ký hoạt động với khoảng 370.000 LĐ. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, còn khoảng 1.500 DN hoạt động, trong đó có khoảng 800 DN hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với 42.622 LĐ.
Ngày 04/10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh thay thế kế hoạch ban hành trước đó vào ngày 13/9. Theo đó, tỉnh tạo bước chuyển từ Nhà nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19 sang DN và người dân chủ động phòng, chống dịch (“y tế tại chỗ”); từng bước, thận trọng nới lỏng giãn cách, không để dịch Covid-19 bùng phát; hỗ trợ DN từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”. Công nhân (CN), người LĐ được phép di chuyển hàng ngày bằng phương tiện cá nhân từ Long An về các tỉnh, thành phố khác (theo sự thống nhất giữa tỉnh Long An với các tỉnh, thành phố khác) nếu đáp ứng điều kiện Thẻ xanh Covid: Tiêm đủ mũi vắc-xin và đủ 14 ngày sau khi tiêm; F0 đã khỏi bệnh và đã được cơ sở y tế cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận hoàn thành điều trị (không quá 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy).
Ngoài ra, CN, người LĐ được phép di chuyển hàng ngày bằng phương tiện chung từ Long An về các tỉnh, thành phố khác, theo sự thống nhất giữa các tỉnh, nếu đã tiêm vắc-xin 1 mũi và đủ 14 ngày. Người LĐ trước khi trở lại DN làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ.
Chị Lê Thị Thuận, quê tỉnh Trà Vinh, có 4 năm làm CN tại Công ty (Cty) TNHH MTV YS ViNa (huyện Đức Hòa). Cty hoạt động lại sau thời gian nghỉ dịch, chị rất mừng vì từ nay có việc làm, có thu nhập lo cho con học hành và trả tiền thuê nhà trọ. “Lúc dịch bệnh mới bùng phát, tôi cũng có ý định về quê, nhưng sau đó thay đổi và quyết định ở lại chờ ngày đi làm trở lại” - chị Thuận tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Phương (quê Cần Thơ) - CN Cty trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, bộc bạch: “Mấy tháng qua, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do Cty tạm ngừng sản xuất nên không có thu nhập. Gần đây, thấy nhiều người về quê nhưng tôi vẫn cố gắng ở lại chờ Cty hoạt động trở lại”.
Giám đốc Điều hành Cty Mỹ phẩm Kachi-H đóng trên địa bàn TP.Tân An - Trần Thị Hằng cho biết: “Cty có gần 100 người LĐ trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, tất cả CN đều được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19
và quay trở lại nhà máy làm việc”.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Nguyễn Thành Thanh, khi chưa có dịch Covid-19, trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 1.388 DN hoạt động, với gần 187.000 LĐ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, chỉ có một số ít sản xuất “3 tại chỗ”, còn lại tạm ngừng. Để phục hồi sản xuất, cùng nhiều giải pháp, tỉnh đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho CN, LĐ của các DN.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh đối thoại với hàng ngàn DN; giải đáp trực tiếp nhiều câu hỏi của đại diện DN; đồng thời, nắm bắt thêm những khó khăn của DN trong phục hồi sản xuất. DN cũng có những kiến nghị, đề xuất với tỉnh để tiếp tục xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, bất cập, có những cách làm và giải pháp khôi phục sản xuất đạt hiệu quả cao.
Hiện các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động người LĐ không nên trở về quê mà ở lại địa phương đang tạm trú để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa tham gia khôi phục sản xuất, phát triển KT-XH sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cong-nhan-phan-khoi-tro-lai-nha-may-san-xuat-a123199.html