Cộng đồng DN đồng hành cùng Chính phủ triển khai Nghị quyết 41
Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với VCCI trong năm 2024 và những năm tiếp theo là quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 41, đó là, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng.
Đây là ý kiến của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, cũng như những đánh giá, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhân dịp năm mới 2024.
Điểm tựa cho doanh nghiệp yên tâm làm ăn
- Nghị quyết 41 có nhiều điểm mới đáng chú ý trong đó, nhấn mạnh đến việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển, cống hiến… Xin, ông có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI trong năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết 41?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Nghị quyết 41 yêu cầu rất cao đối với mọi cấp, mọi ngành về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Trong đó, Nghị quyết 41 cũng có sự phát triển rất lớn về quan điểm, đó là yếu tố "bình đẳng". Vừa qua, khi tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta nhận thấy về chính sách là bình đẳng, nhưng ở khâu thực thi, thì "đâu đó" vẫn xảy ra tình trạng bất bình đẳng giữa các DN, như DN nước ngoài với DN trong nước, DN lớn với DN nhỏ, DN địa phương và DN ngoài địa phương.
Đáng chú ý, Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, Nghị quyết có nhấn mạnh đến hai chữ "an toàn", điểm này rất đúng đắn vì việc tạo dựng một môi trường kinh doanh an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dưới góc độ vi mô, cá nhân mỗi doanh nhân cũng cần có sự an toàn.
Đây cũng là xu hướng khá phổ biến ở nhiều nước phát triển khi DN vi phạm thì chế tài về kinh tế có thể lên tới hàng tỷ USD, nhưng hãn hữu mới xử lý hình sự để tránh gây ra những cú sốc lớn, thậm chí còn làm "sụp đổ" cả một thương hiệu, DN lớn, người lao động mất việc làm, nhà nước thất thu ngân sách. Do đó, xử lý sai phạm kinh tế bằng chế tài kinh tế sẽ hạn chế tổn thất cho xã hội thấp hơn rất nhiều so với xử lý bằng biện pháp hình sự.
"Không hình sự hóa quan hệ kinh tế" là "thông điệp" rất rõ ràng của Đảng để đội ngũ DN, doanh nhân vững tin vào con đường mình đã lựa chọn.
Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế chính là biện pháp bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế nhằm công khai minh bạch và làm lành mạnh môi trường kinh doanh của các DN. Cùng với đó, Nghị quyết 41 có nêu yêu cầu bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Tôi cho rằng, đây không chỉ là nội dung mới mà còn rất quyết liệt, nhưng cũng giảm thiểu các thiệt hại tác động xã hội trong quá trình xử lý, điều này trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội, DN yên tâm hoạt động đúng quy định, hội nhập quốc tế.
Chính phủ đồng hành và phản ứng chính sách kịp thời hỗ trợ DN
- Xin ông đánh giá về sự đồng hành của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN vượt khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Có thể nói ở giai đoạn hậu COVID-19 lên nền kinh tế toàn cầu nhiều biến động bất lợi, tác động đến kinh tế trong nước mạnh hơn cả trong giai đoạn bùng phát dịch.
Sau giai đoạn hồi phục không dài, nền kinh tế như bị "ngấm đòn", nhất là khi nhìn sang nhiều nước có nền kinh tế mạnh, lâu nay lạm phát thấp nhưng năm 2023 tăng rất cao, kinh tế khó khăn. Nhìn lại Việt Nam, bức tranh chung một số chỉ tiêu vĩ mô chưa được như mục tiêu, nhưng tổng thể chúng ta vẫn giữ được sự ổn định kinh tế nhất định. Trong bối cảnh đó, cộng đồng DN cảm nhận Chính phủ rất đồng hành, lắng nghe và quan trọng là phản ứng chính sách kịp thời, nhiều nút thắt được tháo gỡ góp phần bớt đi phần nào khó khăn DN. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều chỉnh thường xuyên để hỗ trợ DN. Cụ thể, các chính sách miễn giảm, giãn hoãn, các khoản thuế...được ban hành kịp thời, đúng với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Dù vậy, vẫn có điểm cần cải thiện ví dụ như Bộ Tài chính cần triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN khẩn trương hơn; Việc số hóa dịch vụ công tránh hình thức, tránh kê khai trên online đến nơi vẫn làm lại, phải khép kín quy trình số hóa, tránh phát sinh công việc...Dù DN vẫn chưa hết khó, nhưng có thể khẳng định, nếu không có phản ứng kịp thời của lãnh đạo Chính phủ thì tình hình đã có thể xấu hơn. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của lãnh đạo Chính phủ có thể dẫn đến đổ vỡ ở một số DN lớn, thậm chí khủng hoảng ngành ảnh hưởng đến hàng vạn lao động, gây bất ổn xã hội.
Bên cạnh tháo gỡ các nút thắt, Đảng, Nhà nước đã tích cực kịp thời mở ra không gian phát triển mới cho DN, thị trường mới.
Thời gian qua, Lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất tích cực, năng động mở rộng nâng tầm ngoại giao với nhiều nền kinh tế, thu hút các đối tác, Tập đoàn lớn để hợp tác, tạo cơ hội làm ăn cho DN Việt Nam cũng như hướng tới mục tiêu trong dài hạn để các DN Việt Nam gia sâu hơn, có vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ tạo sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam đứng vững trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất trắc. Điều này giúp tạo niềm tin cho cộng đồng DN nỗ lực, chuẩn bị thích ứng phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
VCCI và nhiệm vụ đưa chủ trương vào cuộc sống
- Như vậy, với chứng năng, vai trò của mình, VCCI sẽ triển khai những chương trình gì để hỗ trợ DN từ Nghị quyết 41, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Truyền thống và thế mạnh của VCCI là góp sức để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cùng với các bộ ngành trong công tác tham mưu, phản biện chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ
Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với VCCI trong năm 2024 cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 41. Đó là, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng.
Thứ nhất,nếu như quản trị, điều hành là việc riêng của mỗi DN, thì VCCI xác định nhiệm vụ của mình phải giúp xúc tiến, khai mở thị trường
VCCI sẽ hỗ trợ DN khai mở thị trường, tìm kiếm các cơ hội để mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác. VCCI sẽ tăng cường đưa các đối tác nước ngoài đến Việt Nam, định vị đối tác lớn để kết nối cho DN trong nước, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…
Thứ hai, VCCI sẽ tích cực xây dựng mức độ nhận diện và uy tín của doanh nhân Việt Nam thông qua xây dựng văn hóa kinh doanh. Đây là yêu cầu quan trọng bên cạnh vai trò nhà nước đóng vai trò quản lý.
Thứ ba, VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho doanh nhân Việt Nam tiên phong trong việc xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh. VCCI đã ban hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, ngày 13/10/2023 lần đầu tiên VCCI công bố ca khúc truyền thống của giới doanh nhân Việt Nam.
Đặc biệt, Viện phát triển DN (VCCI) được giao nhiệm vụ nghiên cứu sâu các vấn đề về triết lý kinh doanh Việt Nam, đạo đức kinh doanh Việt Nam để từ đó xác định và nhận diện về văn hóa kinh doanh doanh nhân Việt Nam, DN Việt Nam là gì, nhằm tạo ra giá trị chung trong quá trình hội nhập.
Thứ tư, VCCI xác định phải mạnh mẽ tiên phong thúc đẩy hình thành và định hình đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trong đó, mảng việc quan trọng là tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng.VCCI có thế mạnh trong việc vừa kết hợp đào tạo với kết nối doanh nhân, DN với các trường đại học trên cả nước.
Từ mối quan hệ với các Phòng thương mại trên toàn cầu, giới doanh nhân, DN toàn cầu, VCCI sẽ đưa doanh nhân, DN Việt Nam đi bồi dưỡng, đào tạo, kết nối với các doanh nhân, DN các nước… để nâng tầm trình độ DN Việt Nam, đồng thời tạo sự kết nối sâu rộng trong hợp tác quốc tế.
Thứ năm, VCCI quan tâm toàn diện đến các đối tượng doanh nhân khác nhau để hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đầy đủ, cân đối giữa DN vừa, DN nhỏ, DN lớn, DN trung, doanh nhân trẻ, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nhân nữ…Tất cả các đối tượng doanh nhân khác nhau VCCI sẽ có những chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ phát triển.
Thứ sáu, Đảng đoàn VCCI sẽ phối hợp cùng Ban kinh tế Trung ương thực hiện trách nhiệm được Bộ Chính trị giao, đó là hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN thông qua Nghị quyết 41 đối với tất cả các tỉnh, thành ủy, ban, ngành trên cả nước. Đặc biệt, khi Nghị quyết này gắn rất sát lợi ích của doanh nhân, DN nên phải triển khai quyết liệt để những chủ trương, chính sách được ban hành sớm đi vào cuộc sống!
Xin trân trọng cám ơn!
Huy Thắng (thực hiện)