Cơn sóng ngầm tại World Cup

Tại World Cup 2022, cả thế giới Arab dường như đang tập trung lại ủng hộ Palestine, trong khi ngó lơ hoặc có phản ứng gay gắt trước một số phóng viên Israel ở Qatar.

Sau chiến thắng chấn động trước Tây Ban Nha, đội tuyển Morocco hân hoan chụp một bức ảnh với lá cờ. Nhưng đó không phải là quốc kỳ ngôi sao xanh trên nền đỏ của riêng họ, cũng không phải cờ của Algeria, Tunisia hay Lebanon - những lá cờ tung bay trên khán đài để phản ánh tình đoàn kết giữa các quốc gia Arab trong mùa World Cup đầu tiên ở Trung Đông.

Thay vào đó, những người Morocco đã vẫy cờ của Palestine - một tín hiệu rõ ràng thể hiện sự ủng hộ bao trùm toàn bộ giải đấu. Tại trận đấu vào tối 6/12, các biểu tượng của Palestine ở khắp mọi nơi, vắt trên vai, quàng trên cổ, và thậm chí trên cả áo phông của nhiều người.

Trước đó bên ngoài sân vận động, Mona Allaoui, một cư dân của Rabat, thủ đô Morocco, đã quàng chiếc khăn quấn đầu của Palestine bên ngoài chiếc áo thi đấu của đội tuyển quốc gia Morocco.

“Tôi không quan tâm đến chính trị”, cô nói. “Tôi ủng hộ người Palestine vì họ là anh chị em của chúng tôi”.

Tại giải đấu bị ảnh hưởng từ mọi phía bởi những mối quan tâm chính trị, vấn đề Palestine đang nổi lên như một nét chủ đạo, theo Washington Post.

 Đội tuyển Morocco ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha với lá cờ Palestine. Ảnh: DR.

Đội tuyển Morocco ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha với lá cờ Palestine. Ảnh: DR.

Căng thẳng âm ỉ tại World Cup

Mặc dù các nhà chức trách đôi khi cấm vật dụng cầu vồng ủng hộ LGBTQ+ hay biểu tượng chống Iran, lá cờ Palestine vẫn xuất hiện trên sân vận động của World Cup, bất kể đội nào đang thi đấu.

Các biểu ngữ kêu gọi "Palestine tự do" đã được giương cao trên khán đài của trận đấu, trong khi một cổ động viên mặc áo đội tuyển Tunisia vượt qua hàng rào an ninh, lao vào sân vận động Education City để vẫy cờ Palestine, theo Independent.

Mối quan hệ giữa các nhà báo Israel được mời đến Qatar để đưa tin World Cup mặc dù hai nước không có quan hệ chính thức, và nhiều người hâm mộ khác nhau mà họ gặp ở Doha, Qatar, cũng nhấn mạnh mức độ của vấn đề.

Khi Qatar chấp thuận cho phép các chuyến bay thẳng từ Israel để người hâm mộ bóng đá có thể tham dự World Cup, một số người coi đó là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ nồng ấm giữa Israel và thế giới Arab.

Tuy nhiên, các nhà báo Israel - những biểu tượng nổi bật nhất của nước này tại giải đấu - đôi khi bị cư dân địa phương và du khách Arab phản ứng gay gắt hoặc phớt lờ.

Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các phóng viên Israel kinh ngạc hoặc giật mình khi bị người qua đường mắng mỏ.

 Cổ động viên giăng biểu ngữ có thông điệp "Palestine tự do". Ảnh: Reuters.

Cổ động viên giăng biểu ngữ có thông điệp "Palestine tự do". Ảnh: Reuters.

Raz Shechnik, một phóng viên từ tờ Yedioth Ahronot của Israel đã đăng trên Twitter về việc nhiều cổ động viên Arab từ chối nói chuyện với ông.

“Không có gì được gọi là Israel. Đó chỉ là Palestine”, một cổ động viên nói với ông Shechnik.

Tranh luận với một cổ động viên khác mặc áo của đội Morocco - một trong ba quốc gia Arab gần đây đã bình thường hóa quan hệ với Israel - nhà báo này lập luận: “Nhưng các vị đã ký một thỏa thuận hòa bình”. Tuy nhiên, người hâm mộ đó hét lại: "Palestine, Palestine!".

Đó là một lời nhắc nhở rằng bất chấp các thỏa thuận ngoại giao năm 2020 với ba nước Arab, nhiều người dân trong khu vực này vẫn phản đối quan hệ nồng ấm hơn với Israel, theo New York Times.

Hiệp định Abraham, do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vạch ra, đã mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và 4 quốc gia Arab, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan.

Nó được ca ngợi là một bước đột phá lớn trong khu vực và là dấu hiệu cho thấy trật tự chính trị đang thay đổi ở Trung Đông, với một số cường quốc Arab không còn quan tâm đến cuộc đấu tranh dai dẳng về vấn đề Palestine, trong khi chú ý hơn các ưu tiên khác, từ chống lại Iran đến thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, World Cup đã cho thấy tầm nhìn về hòa bình ấy nhỏ bé đến mức nào.

"Hồi chuông cảnh tỉnh"

Trong những tháng gần đây, có rất nhiều lời bàn tán ở Washington về việc các quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp của Israel xuất hiện ở Abu Dhabi, Dubai và thậm chí ở Riyadh. Nhưng điều thường không được nhắc đến trong cuộc trò chuyện giữa Mỹ và Israel về các thỏa thuận bình thường hóa này là chúng chỉ phản ánh lợi ích của giới tinh hoa cấp cao nhất trong khu vực.

Người Israel đến Qatar đã cảm nhận rõ thực tế đó. “Nhiều người ở đây, đến từ khắp thế giới Arab, đang nỗ lực chống lại chúng tôi vì chúng tôi đại diện cho sự bình thường hóa”, Ohad Hemo, một phóng viên Kênh 12 của Israel, nói.

“Mong muốn của người Israel đã thành hiện thực. Chúng ta đã ký thỏa thuận hòa bình với 4 quốc gia Arab, nhưng vẫn còn nhiều người dân không thích sự hiện diện của chúng tôi ở đây”, ông cho biết.

Là một người nói thông thạo tiếng Arab, ông Hemo chia sẻ đã bị trầm cảm bởi khi bị đối xử như vậy ở World Cup 2022, mặc dù ông hiểu phản ứng của họ. Các phóng viên Israel khác cho biết họ cảm thấy bị xúc phạm.

 Cổ động viên Morocco vẫy cờ của Palestine và Ai Cập. Ảnh: Reuters.

Cổ động viên Morocco vẫy cờ của Palestine và Ai Cập. Ảnh: Reuters.

Một số nhà bình luận Israel coi phản ứng dữ dội trên là bằng chứng về thái độ chống Israel trong thời gian dài, thậm chí là bài Do Thái trong khu vực.

“Đây không phải là cú hích đối với Hiệp định Abraham, hay thậm chí là hòa bình với Jordan và Ai Cập”, Lahav Harkov của tờ Jerusalem Post viết. “Nó là hồi chuông cảnh tỉnh về những hạn chế của những thỏa thuận đó”.

Cuộc thăm dò gần đây cho thấy đại đa số dân thường ở nhiều quốc gia Arab, bao gồm cả những quốc gia tham gia Hiệp định Abraham, không tán thành việc chính thức hóa quan hệ với Israel.

Giorgio Cafiero, giám đốc điều hành của Gulf State Analytics, công ty tư vấn rủi ro có trụ sở tại Washington, viết: “Rõ ràng là không có nhiều tình cảm dành cho Israel trong thế giới Arab”.

“Những thập kỷ bị sỉ nhục, oán hận và tức giận mà nhiều người Arab cảm thấy đối với Israel không thể đơn giản biến mất với việc ký kết thỏa thuận bình thường hóa như vậy”, ông chia sẻ.

Trong khi đó, Mahjoob Zweiri, giáo sư lịch sử và chính trị đương đại tại Đại học Qatar, cho biết sự hiện diện của những lá cờ Palestine tại sân vận động không phải chủ đích của các quốc gia, "mà là điều gì đó chân chính từ chính người dân”.

“World Cup là của những người bình thường, những người thuộc tầng lớp trung lưu. Nó không phải là về giới thượng lưu”, ông cho biết. “Họ (các nhà lãnh đạo) có thể nói về bình thường hóa trong khoảng 100 năm, nhưng không thể áp đặt nó”.

Aladdin Awwad, 42 tuổi, chuyên gia an ninh mạng người Palestine làm việc tại Doha, có mặt trong chiến thắng của Morocco trước Tây Ban Nha. Anh trai anh đã phủ lá cờ Palestine lên chiếc áo thi đấu của đội Morocco mà anh đang mặc.

“Thật tuyệt khi thấy tất cả người dân Arab ủng hộ đại nghĩa của chúng tôi”, Awwad nói. “Chúng tôi không ở đây để tạo ra vấn đề. Chúng tôi không chống lại hòa bình. Nhưng chúng tôi muốn thể hiện sự tồn tại của bản thân và chúng tôi đang đứng ngay đây”.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-song-ngam-tai-world-cup-post1383269.html