Còn khoảng 2,67 triệu tấn gạo xuất khẩu trong 5 tháng

Ngày 21/8, giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ổn định. Theo dự báo Việt Nam còn khoảng 2,67 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Cụ thể, giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ổn định. Tại An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; giá lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg, OM 5451 duy trì quanh mốc 7.600 - 7.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 7.200 - 7.600 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp Long An (tươi) ở mức 7.000 - 7.500 đồng/kg; giá nếp An Giang tươi ổn định ở mức 6.300 - 6.600 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Giá gạo nguyên liệu dao động quanh mốc 12.350 đồng/kg; gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 14.500 - 14.600 đồng/kg. Giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đều được điều chỉnh tăng trong tuần qua.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.

Tại thị trường Hà Nội, giá gạo được giữ ổn định so với cuối tuần trước đó. Tại các chợ dân sinh khu vực nội thành, giá gạo Bắc Hương giá 155.000 đồng/10kg; gạo ST25 giá 220.000 đồng/10kg; gạo Thái Xanh 175.000 đồng/10kg; gạo Thái Đỏ 160.000/10kg; gạo tám Điện Biên, gạo Hải Hậu 160.000 đồng/10kg; gạo Xi dẻo và gạo Khang dân cùng đứng ở mức 152.000 đồng/kg;….

Thậm chí, một số nơi ở ngoại thành, giá gạo bán lẻ đến tay người tiêu dùng giảm nhẹ khoảng 500 đồng/kg.

Dù vậy, các dự báo mới nhất đưa ra đều cho rằng, giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.

Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn trong khi loại gạo này của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hôm nay cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu cao cũng đẩy giá nguyên liệu trong nước đi lên, doanh nghiệp không dám mua vào vì nguồn vốn lớn, rủi ro cao. Theo ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, với các ngành hàng nông sản khác, thông thường doanh nghiệp sẽ bán hàng cho khách trả giá cao. Tuy nhiên, với ngành hàng gạo lại có chút khác biệt. Bởi tại Việt Nam, chỉ khoảng 3,5 tháng/vụ lúa, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung liên tục được lấp đầy. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường tính chuyện đường dài.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu thường ưu tiên bán hàng cho thị trường truyền thống có tính ổn định, thanh toán nhanh và giá bán tương đồng với các nhà cung cấp khác. Sau khi cung cấp đủ cho các đối tác lâu năm, doanh nghiệp gạo mới tính đến các thị trường mới, giá cao.

“Những khách trả giá cao cũng có thể là những khách hàng chỉ mua một lần, thị trường mới sẽ kèm theo rủi ro về thanh toán, lừa đảo thương mại”, ông Phạm Văn Có chia sẻ.

Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết, Bộ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).

Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/con-khoang-2-67-trieu-tan-gao-xuat-khau-trong-5-thang-i704482/