Con gái làm duyên

Con phải chú ý đầu tóc, áo quần, vệ sinh cơ thể, răng miệng thật cẩn thận, chu đáo.

Có một thời cô bé Bá Ba Nhi Bôn thích để tóc dài, mà không phải một mình cô ta, cả hội con gái lớp mầm non của cô ta đều thích như thế. Báo hại hai cô giáo mầm non ngày nào cũng nai lưng ra ngồi tết với buộc, có mà hết ngày vì khổ cái các cô buộc cũng cầu kỳ cơ.

Buổi sáng, “cậu chàng” bắt ba buộc tóc hộ, mà ba thì vụng nên buộc lung tung cả lên, trông không ra cái kiểu gì.

Buổi chiều đi đón con gái, thấy các bạn mỗi bạn một kiểu tóc rõ điệu. Chợt nghĩ, đúng các cô yêu quý chúng nó thật, cùng phụ nữ với nhau cả, các cô lấy việc làm đẹp cho các cô bé làm vui.

Cô thì mới có một con trai, cô thì vừa lấy chồng chưa có con, chúng nó khác gì con của các cô đâu. Tự dưng có một lũ con, lại có một lũ con gái xinh xắn dễ thương ai mà chẳng thích.

Khổ cái để tóc dài trời nóng bức, chơi đùa chạy nhảy, thật là… rũ rượi. Chuẩn bị vào lớp 1, cô bé Nhi Bôn do có lần nghe người lớn nói chuyện bảo vào tiểu học, học các môn kể cả thể dục phải nghiêm túc hơn chứ không phải vừa học vừa chơi như mẫu giáo.

Một ngày Nhi Bôn trên đường về nhà, đề đạt: “Ba cho con ra cô Viễn để cắt tóc!”. “Ồ, tóc dài đang đẹp, sao cắt đi hả con?”. “Con cắt đi để cho gọn, chuẩn bị đi học lớp Một còn tập thể dục”. Thế là, thay vì đi về nhà, hai ba con chở nhau ra hàng cắt tóc.

“Sinh viên mới tốt nghiệp” có khác, ra dáng một cô gái lớn đến nơi - Nhi Bôn ung dung ngồi lên cái ghế cắt tóc, dõng dạc: “Cô Viễn cắt cho cháu cái đầu vuông!”.

Ui da, đầu vuông như thế nào, méo tròn ra sao bố nó còn chửa có biết, thế mà nó đã gớm thế rồi. Cô Viễn vừa xuýt xoa tiếc mái tóc dài của cô bé, vừa cắt, lại vừa khen: “Cháu dứt khoát lắm, cắt là cắt…”.

Cái “đầu vuông” theo con gái như thế đã hơn một năm. Cô bé mắt một mí lại với mái tóc này, giống y một cô bé người Nhật Bản chứ chẳng giống người Việt tí nào. Thế nào mà từ đầu tuần này đi học về, cô bé lại buộc hai cái bím tóc ngắn cũn, xinh xinh ở sau gáy. Vừa tắm xong tóc chưa khô, đã mang chun vào đòi ba buộc hộ.

“Để tóc khô đã con. Bây giờ mà buộc nó sẽ ướt ở trong mà mục, hỏng tóc ra đấy”.

Te tái đi lấy máy sấy tóc ra sấy, lúc sau thấy tóc của nàng đã được nhờ bà ngoại buộc cho rồi, đã thế lại còn hẹn, sáng mai trước khi đi học bà buộc cho con nhé…

Sáng hôm sau, ông anh Nhi Bá tự chuẩn bị bữa sáng và ngồi ních no bụng, cô em còn đang loay hoay nhờ mẹ buộc tóc. Nhi Bá giục giã, dù còn nhiều thời gian: “Nhanh nhanh lên nào, gớm, sao mà lắm chuyện thế!”, làm mẹ cũng phải đỡ lời: “Con cứ từ từ, em bình thường cũng phải chải tóc cho gọn gàng chứ!”.

Đúng rồi, có phải ai cũng được cắt cái đầu trọc lốc như quả bưởi giống anh Nhi Bá đâu chứ! Con gái là phức tạp lắm, chẳng phải chơi! Trên xe máy ba thì thào vào tai cô bé Nhi Bôn đứng phía trước:

“Buổi sáng, em còn phải buộc tóc này, còn gì nữa nhỉ?”.

“Còn phải vệ sinh thân thể, chải tóc chứ ba nhỉ!”.

“Đúng rồi, em còn chuẩn bị áo quần rất cẩn thận từ tối hôm trước, chứ chẳng phải như cái anh Nhi Bá luộm thà luộm thuộm, có hôm quên cái này cái khác cứ là lục tung tủ lên tìm nhỉ…”.

“Vâng, anh ấy hay quên lắm ba nhỉ…”, con gái cười khúc khích, trong khi anh trai cô bé ngồi thở phì phì phía sau xe, ra chiều bực tức lắm.

“Con là con gái, phải chú ý đầu tóc, áo quần, vệ sinh cơ thể, răng miệng… thật cẩn thận chu đáo, ăn mặc đàng hoàng khi ra đường nhé. Không đi ra đường khi ăn mặc luộm thuộm, đầu tóc bù xù… Mình phải biết làm cho mình đẹp hơn con ạ.

Điệu quá, mất quá nhiều thời gian thì không nên, ba mẹ vẫn nhắc con về việc không nên quá điệu, nhưng vẫn phải biết làm cho mình đẹp hơn”.

“Vâng ạ.”

Ngay cả mẹ của hai bạn Nhi Bá, Nhi Bôn cũng không bao giờ mặc đồ ngủ đi ra chợ, hay chạy ra đầu đường dù chỉ để làm những việc con con.

Ăn mặc cẩn thận một chút khi đi ra nơi công cộng, kể cả là đi rất gần, vẫn nên làm và nó thể hiện sự tôn trọng người khác và lòng tự trọng với bản thân mình.

Bây giờ, chúng ta đã quen mắt với những bộ đồ ngủ, những bộ quần áo quá hở hang, hoặc quá “gợi tình” vì trông chúng như chỉ có được sử dụng ở trên giường… chạy lung tung ở ngoài đường.

Khổ cái mình ở xứ nóng, mồ hôi mồ kê, bụi bặm… làm cho chúng hoàn toàn không giống như những đoạn phim quảng cáo đẹp đẽ với những tâm thân ngà ngọc trong nhung lụa, mà là những “miếng da” đen nhẻm ướt mồ hôi…

Chẳng thể đổ tại nền văn minh lúa nước hay hàng trăm năm gốc gác của chúng ta từ nông thôn làng xã. Các cụ ngày xưa chỉ mặc yếm hở lưng khi ở chốn riêng tư, còn đi chợ vẫn áo dài khăn đóng, nón quai thao và ngày hội thì chiếc áo tứ thân chẳng kém duyên dáng so với thời trang bây giờ.

Giáo dục nửa mùa cùng vọng ngoại, làm cho chúng ta có một nếp sống không giống ai, văn minh không ra văn mình mà lạc hậu cũng chẳng ra là lạc hậu.

Phúc Lai / NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-gai-la-phai-lam-duyen-post1193453.html