Cổ văn Biển Chết tiết lộ 'phép lạ' làm những vật chất 2.000 năm không tan rã
Một cuộn Cổ văn Biển Chết niên đại trên dưới 2.000 năm, giấu trong hang động, viết trên giấy da – thứ vật liệu lẽ ra phải tan rã từ lâu - tiết lộ về một hợp chất kỳ diệu cổ xưa.
Các nhà khoa học Mỹ vừa giải mã được một bí mật thú vị về cuộn Cổ văn Biển Chết đẹp nhất, được bảo quản hoàn hảo nhất trong số gần ngàn cuộn được khai quật từ hơn một chục hang động Qumran ở phía Đông hoang mạc Judae, Bờ Tây.
Được viết vào khoảng năm 408 trước Công nguyên đến 318 sau Công nguyên, Cổ văn Biển Chết là một trong các tài liệu cổ giá trị nhất của loài người, với nội dung chính là Kinh thánh Hebrew, bản kinh thánh cổ xưa nhất chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý giá. Tất cả được bỏ vào vại gốm, chôn giấu trong các hang động để tránh khỏi sự tàn phá của quân La Mã.
Cổ văn Biển Chết còn mang một bí ẩn lớn khiến các nhà khoa học khó hiểu: chúng được viết trên giấy da, thứ đáng lẽ tan rã từ lâu. Giáo sư Admir Masic, nhà khoa học vật liệu từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu lần này đã tìm ra loại "thần dược" làm nên điều đó: một hỗn hợp muối bảo quản bí ẩn.
Một mảnh từ cuộn cổ văn chỉ dày 0,1 mm đã được soi dưới kính hiển vi, bằng cả quang phổ tia X lẫn Raman. Các nhà khoa học đã tìm ra một hỗn hợp muối bí ẩn với tỉ lệ khác nhau của canxi, natri và lưu huỳnh, thứ không tìm thấy trong tự nhiên quanh khu vực Biển Chết.
Nước muối bí ẩn này được tẩm vào giấy da, để bay hơi. Sau đó, một lượng muối nữa được cọ xát vào bề mặt giấy để hoàn tất việc tạo ra thứ vật liệu không tan rã sau 2.000 năm và có độ trắng sáng khác thường so với các loại giấy bằng da khác. Vật liệu cơ bản của giấy da này là da động vật, được loại bỏ lông và chất béo cẩn thận, sau đó cạo sạch và kéo căng trên khung.
"Chúng tôi thu thập hàng trăm ngàn quang phổ nguyên tố và hóa học khác nhau trên bề mặt mẫu, vạch ra sự biến đổi thành phần của nó rất chi tiết" – nhà khoa học James Weaver từ Đại học Harvard (Mỹ), một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo giáo sư Masic, sự trường tồn của các cuộn Cổ văn Biển Chết đáng kinh ngạc hơn chúng ta nhìn thấy. Phần lớn thiệt hại không đến từ việc lưu trữ 2.000 năm trong các hang động Qumran, mà là do người hiện đại nỗ lực làm mềm cuộn giấy và đem đi đọc, nghiên cứu sau khi đào được chúng.
Nghiên cứu mới cũng cho thấy lớp khoáng chất này vẫn có thể lấy hơi ẩm từ không khí, làm hỏng dần vật liệu bên dưới khi bị người hiện đại đem ra ngoài. Vì vậy, để lưu trữ chúng, các cuộc nghiên cứu tiếp theo về Cổ văn Biển Chết cần cẩn trọng hơn nữa.
Nghiên cứu vừa công bố trên tap chí khoa học Science Advances.