Cơ sở triển khai khâu đột phá về khoa học và công nghệ

Kế hoạch 27-KH/TU xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững. Sau hơn 4 năm triển khai, nhiều kết quả nổi bật đã đạt được trên các lĩnh vực trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn).

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn).

Khơi dậy tiềm năng từ các lĩnh vực mũi nhọn

Trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền các cấp, KH&CN tại Thanh Hóa đã có những bước tiến rõ nét, nhất là ở các lĩnh vực mũi nhọn. Trước hết, trong nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và các tiến bộ kỹ thuật hiện đại đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, nuôi cấy mô, tưới nhỏ giọt, canh tác nhà lưới, nhà kính... được nhân rộng tại các vùng chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đáng chú ý, tỷ lệ trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động và cơ giới hóa đã đạt tới 88%, vượt xa chỉ tiêu đặt ra. Các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP và an toàn sinh học cũng được hình thành, góp phần định hình nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Cùng với đó, lĩnh vực thủy sản ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhờ ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, kỹ thuật nuôi ngao theo chuẩn VietGAP và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Những tiến bộ này không chỉ nâng cao năng suất mà còn giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

KH&CN còn tạo dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực y tế. Nhờ sự đầu tư bài bản, hệ thống y tế tỉnh đã tiếp cận và làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến như điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch, phẫu thuật nội soi gan – thực quản, bóc nhân tuyến tiền liệt bằng Bipolar, cùng nhiều kỹ thuật gen di truyền hiện đại khác. Tất cả các cơ sở y tế đều triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và quản lý viện phí. Đồng thời, các bệnh viện tuyến tỉnh đang chuyển đổi theo hướng “bệnh viện thông minh” với dữ liệu được tích hợp, liên thông và số hóa toàn diện. Đề án trung tâm y tế công nghệ cao cũng đang được hoàn thiện, hứa hẹn trở thành điểm nhấn trong đổi mới y học tại địa phương.

Song hành với đó, giáo dục và đào tạo cũng được tiếp sức mạnh từ công nghệ. 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đã được kết nối internet băng thông rộng; các hoạt động hội nghị, tập huấn được tổ chức trực tuyến. Kho học liệu trực tuyến được khai thác hiệu quả, giúp 80% học sinh, sinh viên tiếp cận tri thức số. Các phần mềm quản lý như VNedu, SMAS, sổ liên lạc điện tử... được sử dụng rộng rãi, giúp nâng cao hiệu quả quản trị. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đã cơ bản làm chủ kỹ năng công nghệ thông tin, mở đường cho mô hình “lớp học thông minh” phát triển.

Nhìn tổng thể, KH&CN đang thẩm thấu vào từng lĩnh vực, từng hoạt động cụ thể, tạo nên sự đổi thay thực chất. Đó không chỉ là những bước chuyển về công nghệ mà còn là sự thay đổi trong tư duy, cách làm, góp phần tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa trong giai đoạn mới.

Từ kế hoạch hành động đến hiệu quả thực chất

Ngay sau khi Kế hoạch 27-KH/TU được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thể hiện quyết tâm chính trị cao khi chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đáng chú ý, các mục tiêu về KH&CN được lồng ghép chặt chẽ trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và trung hạn, tạo nên tính thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình triển khai.

Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị chức năng để tham mưu, hướng dẫn thực hiện, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ một cách định kỳ, bảo đảm hiệu quả đồng đều từ tỉnh đến cơ sở. Để tạo bước chuyển trong nhận thức, công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng. Các hình thức như hội nghị, tập huấn, truyền thông đa phương tiện... được triển khai đồng bộ, giúp cán bộ, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn vai trò then chốt của KH&CN trong phát triển địa phương. Bên cạnh đó, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã thể hiện sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Từng địa phương chủ động rà soát chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc thù riêng, từ đó tạo nên phong trào thi đua ứng dụng KH&CN sôi nổi và thiết thực.

Không chỉ dừng lại ở định hướng chiến lược, Kế hoạch 27-KH/TU còn được cụ thể hóa bằng hệ thống chương trình hành động rõ ràng, có tính khả thi cao. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã được chuyển hóa thành kết quả thực chất. Ví dụ như trong nông nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh hay giáo dục số, những mô hình điểm đã hình thành và lan tỏa, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình triển khai kế hoạch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Trước hết, một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt được như diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử hay số lượng bệnh viện chuyển đổi sang mô hình thông minh. Điều này phần nào phản ánh thực tế rằng hạ tầng, nhân lực và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan còn chưa đồng bộ. Trong đó, nhân lực KH&CN chất lượng cao vẫn đang thiếu hụt, đội ngũ nghiên cứu tại chỗ còn mỏng, trong khi liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ KH&CN chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, thiếu tính đột phá, chưa đủ sức hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào đổi mới công nghệ.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển, tỉnh ta cần tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đưa KH&CN trở thành nội dung trọng tâm trong mọi kế hoạch phát triển. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, nhất là trong các lĩnh vực mới như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số. Cùng với đó, việc đầu tư cho hạ tầng nghiên cứu và phát triển (R&D) cần được đẩy mạnh hơn nữa, cần xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, các sàn giao dịch công nghệ - thiết bị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Khẳng định vai trò trung tâm của đổi mới sáng tạo, ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tập trung tham mưu xây dựng các cơ chế đột phá, phát triển đồng bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thúc đẩy liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhằm đưa KH&CN thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nâng tầm vị thế của tỉnh trong thời đại số”.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/co-so-trien-khai-khau-dot-pha-ve-khoa-hoc-va-cong-nghe-247091.htm