Cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới, Nhật vẫn mong manh trước bão Hagibis

Sau khi cơn bão Hagibis đổ bộ gây vỡ hàng chục con đê và hơn 70 người chết tính tới hiện tại, Nhật Bản đang phải xem xét lại các hệ thống chống thiên tai của quốc gia này.

1h30 sáng, ông Hiroshi Ogawa vẫn đang cố gắng quyết định liệu ông có nên di tản để tránh khỏi cơn bão lớn nhất từng đổ bộ Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua hay không.

Ngôi nhà của ông nằm gần sông Chikuma, tỉnh Nagano, nơi có một con đê ngăn nước lũ dâng cao.

“Tôi đã tin tưởng vào con đê”, ông Ogawa, 68 tuổi, nói với New York Times. “Nó được xây dựng để chống chọi với trận lũ chỉ có khả năng xảy ra một lần mỗi 100 năm, vì vậy nó phải rất kiên cố”.

Con đê bị vỡ ở Naganuma, Nhật Bản sau cơn bão Hagibis. Ảnh: New York Times.

Con đê không vững chắc như ông tưởng. Chỉ hơn một giờ sau, con đê vỡ tung, nhấn chìm ngôi nhà của ông Ogawa và quét sạch mọi thứ trong đó. Ông may mắn thoát chết trong gang tấc nhờ di tản vài phút trước đó, sau khi được lính cứu hỏa kêu gọi di tản.

Con đê ở khu nhà của ông Ogawa là một trong số ít nhất 55 vụ vỡ đê khi cơn bão Hagibis đem tới lượng mưa kỷ lục tại Nhật Bản vào cuối tuần trước. Theo Washington Post, hơn 20 dòng sông ở khu vực miền trung và đông bắc Nhật Bản đã bị vỡ đập khiến nước lũ nhấn chìm hơn 10.000 ngôi nhà. Hơn 70 người đã thiệt mạng vì cơn bão này.

Cơ sở hạ tầng bậc nhất thế giới

Nhật Bản, quốc gia có cơ sở hạ tầng chống thiên tai tốt bậc nhất trên thế giới, đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm làm dịu đi cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Tuy nhiên, sau trận bão lũ lịch sử những ngày qua, đất nước này dường như phải kiểm tra lại hệ thống kiểm soát lũ của mình.

Một người lính từ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang tìm kiếm các nạn nhân trong một vườn táo ở Naganuma. Ảnh: New York Times.

Điều này đang đặt ra một câu hỏi khó đối với Nhật Bản và thế giới: Liệu những hệ thống đắt đỏ nhất có thể chống chọi lại thiên tai trong bối cảnh các cơn bão ngày càng mạnh hơn do biến đổi khí hậu?

Ông Yasuo Nihei, giáo sư tại Đại học Khoa học Tokyo, nói với New York Times: “Tại nhiều nơi trên khắp Nhật Bản, chúng tôi đã quan sát được lượng mưa lớn nhất mà chúng tôi chưa từng thấy qua. Khi xem xét các chi phí, tôi nghĩ rõ ràng rằng các chương trình kiểm soát lũ cần phải được đầu tư nhiều hơn”.

“Tuy nhiên”, ông Nihei cho biết, “trên thực tế, sẽ có những cơn mưa mà chúng ta không thể ngăn chặn hậu quả”.

Máy bơm nước được đặt để thoát ngập do vỡ đê. Ảnh: New York Times.

Chính phủ Nhật Bản không phải lúc nào cũng tin vào điều này. Trong nhiều thế kỷ, Nhật đã coi việc quản lý thiên tai là một vấn đề có thể được giải quyết bằng kỹ thuật.

Sau một cơn bão tàn khốc giết chết hơn 1.200 người vào cuối những năm 1950, Nhật Bản bắt tay vào xây dựng một loạt các công trình công cộng để quản lý nhiều con sông trên cả nước. Đê và đập được xây dựng trên gần như mọi con sông và nhiều đoạn lòng sông được bao bọc bởi bê tông.

Tuy các dự án này đã cứu được vô số sinh mạng, chúng không đủ sức đáp ứng thách thức của các kiểu thời tiết ngày càng khắc nghiệt hiện tại, ông Shiro Maeno, giáo sư kỹ thuật thủy lực tại Đại học Okayama, cho biết.

Di tản là biện pháp tốt nhất

Việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiêu tốn rất nhiều chi phí. Chi tiêu lớn đã khiến nợ chính phủ của Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục vì quốc gia này đã phê duyệt nhiều dự án kém hiệu quả hoặc tệ hơn là gây hại cho môi trường.

Bên cạnh đó, ông Daniel Aldrich, chuyên gia nghiên cứu về quản lý thiên tai, nói: “Các dự án kỹ thuật khổng lồ thường mang lại cảm giác an toàn một cách sai lầm. Nó dẫn tới việc người dân tránh thực hiện biện pháp hiệu quả hơn: sơ tán. Việc tin rằng các hệ thống được xây dựng sẽ bảo vệ bạn nhiều hơn so với việc di tản có thể dẫn đến rủi ro về đạo đức”.

Cảnh tượng thiệt hại ở Naganuma vào hôm 15/10. Ảnh: New York Times.

Đối với thành phố có dân số hàng triệu dân như Tokyo, việc di tản là một vấn đề lớn. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách có thể biện minh cho việc chi hàng tỷ USD cho các hệ thống phòng chống lũ công nghệ cao.

Tư duy dựa vào các công trình kỹ thuật để chống thiên tai cần được thay đổi, theo Tiến sĩ Aldrich.

“Khi các quốc gia nghĩ về cách đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều người trong số họ bắt đầu chuyển sang dựa vào kỹ thuật. Cái các quốc gia nên chú trọng vào là các biện pháp mềm như khuyến khích hàng xóm giúp đỡ nhau di tản trước khi thiên tai xảy ra”, ông nói.

“Nhiều người ở Bắc Mỹ, Singapore hoặc Nhật Bản đã quen ý tưởng rằng con người sẽ tạo ra cách giải quyết vấn đề này. Họ sẽ xây dựng các tòa nhà nổi hoặc chế tạo cảm biến tốt hơn, tất cả thứ này đều rất tốt. Tuy nhiên, bạn sẽ làm gì nếu điện thoại di động của bạn không hoạt động? Hoặc không có điện để sử dụng?”.

Người dân quay trở lại để kiểm tra tài sản của họ ở Naganuma hôm 15/10. Ảnh: New York Times.

Ở Naganuma, nơi các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy hai thi thể ở khu vực gần bờ đê, ông Ogawa và 400 người khác được cứu sống nhờ sơ tán khỏi khu vực. Tuy nhiên, rất ít người nghĩ rằng họ có thể thấy con đê bị vỡ một lần trong đời.

Hôm 16/10, các đội xây dựng đã bắt đầu chạy đua để sửa chữa những chỗ bị vỡ trong con đê Chikuma. Cần cẩu hạ các khối bê tông khổng lồ vào những chỗ bị hở, sau đó phủ đất lên. Ở phía xa của con đê hàng trăm cây táo đã bị ngập trong nước bùn.

Cư dân trong khu vực đã bắt đầu thu dọn đồ đạc bị lũ cuốn trôi và dọn dẹp lại nhà cửa.

“Chúng tôi rất may mắn”, con gái của ông Ogawa, cô Natsumi, nói. “Tất cả đồ đạc của chúng tôi đều bị cuốn trôi, vì vậy, không có gì nhiều để dọn dẹp”.

Bản thân ông Ogawa không quá lạc quan. Nhà cửa và công việc kinh doanh táo của ông ấy rồi sẽ được khôi phục lại, ông nói, nhưng ông không chắc mình có thể trở về như trước đây.

“Ngay cả khi con đê bị đã được sửa, mỗi khi có cơn mưa lớn hay bão, ngực tôi sẽ thắt lại”, ông nói. “Tôi muốn chuyển đến một nơi mà gia đình tôi có thể sống mà không phải lo lắng”.

Bão trong tương lai sẽ khủng khiếp hơn

Nỗi sợ của gia đình ông Ogawa không phải là không có cơ sở. Các nghiên cứu về khí hậu cho thấy quần đảo Nhật Bản sẽ phải hứng chịu các cơn bão thường xuyên hơn và mạnh hơn trong tương lai do hậu quả của sự nóng lên toàn cầu, theo Washington Post.

Có bằng chứng cho thấy các cơn bão nhiệt đới ở lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đang đạt cường độ tối đa xa hơn về phía Bắc so với trước đây, một xu hướng mà một số nhà khoa học cho là do sự thay đổi khí hậu. Điều này có thể dẫn đến những cơn bão dữ dội hơn đổ bộ vào các khu vực thường có những cơn bão yếu hơn, như Honshu và các khu vực khác ở phía Bắc và Đông Bắc Nhật Bản.

Hình ảnh vệ tinh của cơn bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản vào ngày 12/10/2019. Ảnh: NASA Worldview.

Bên cạnh đó, xu hướng đặc biệt rõ ràng hơn là thiệt hại do các cơn bão ở Nhật Bản gây ra đang gia tăng. Trong vòng 2 năm qua, Nhật Bản đã phải hứng chịu 3 trong số 10 cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước này kể từ năm 1950. Bão Faxai, cơn bão ảnh hưởng đến Tokyo vào đầu tháng 9, cũng nằm trong danh sách đó.

Và cơn bão Hagibis có khả năng tăng sẽ tăng con số này lên 4.

Như Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/co-so-ha-tang-tot-nhat-the-gioi-nhat-van-mong-manh-truoc-bao-hagibis-post1002809.html