Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn: 30 năm xây dựng và phát triển

Hiện nay, dân số toàn tỉnh khoảng 803.000 người, trong đó có gần 35.000 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) đang hưởng trợ cấp hàng tháng và 212 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong những năm qua, công tác trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trợ giúp xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Đóng góp chung vào thành tích trong công tác thực hiện chính sách trợ giúp xã hội có thành tích của tập thể viên chức, người lao động Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành, đoàn thể thăm hỏi, động viên trẻ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh

Lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành, đoàn thể thăm hỏi, động viên trẻ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh

Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ rất đặc thù là quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đa loại đối tượng, với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh luôn thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình. Ở đây nhiều thế hệ trẻ em đã trưởng thành, nhiều người lang thang đã tìm lại được gia đình nhờ sự phục hồi trí nhớ và sự kết nối của các cơ sở BTXH trên toàn quốc, điều đó đã khẳng định vị trí quan trọng của cơ sở như một mái nhà hạnh phúc - không để ai bị bỏ lại phía sau.

Từ những ngày đầu mới thành lập (ngày 27/9/1993), tiền thân là Trung tâm Cai nghiện Ma túy trực thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh, đến ngày 17/10/1994, Trung tâm Cai nghiện Ma túy được đổi tên thành Trung tâm Xã hội – Tổng hợp tỉnh Lạng Sơn. Đến cuối năm 2001, nhiệm vụ cai nghiện ma túy được chuyển sang đơn vị mới thành lập là Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội tỉnh. Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm Xã hội Tổng hợp tỉnh đổi tên thành Trung tâm BTXH tỉnh trực thuộc Sở LĐTB&XH có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tiếp nhận, tổ chức chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng BTXH, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Từ những ngày đầu mới thành lập, Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh được nhận bàn giao 8.122m2 đất, hiện trạng là những đống gạch, ngói đổ nát, cây cối mọc um tùm từ công trình cầu đường 3 cũ và một số cơ sở, vật chất, trang thiết bị sơ sài, thiếu thốn. Để đơn vị sớm đi vào hoạt động, toàn thể cán bộ, nhân viên lúc này đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đóng góp trí tuệ, công sức lao động để hình thành khuôn viên cơ quan, đường đi lại nội bộ và cải tạo đất thành những khu vườn để tăng gia lao động sản xuất…

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH (thứ 3 từ phải sang) tặng quà Tết Trung thu cho các em đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH (thứ 3 từ phải sang) tặng quà Tết Trung thu cho các em đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh

Đội ngũ cán bộ, nhân viên lúc bấy giờ chỉ có 15 người với 2 phòng chuyên môn (phòng nghiệp vụ và hành chính), kinh phí hoạt động hạn hẹp, cơ sở, vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tâm huyết, tập thể lãnh đạo, nhân viên Cơ sở BTXH tổng hợp đã từng bước vượt qua khó khăn.

Đến nay, cơ sở đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng diện tích đất đang sử dụng là 9.423,5m² với các khu nhà làm việc, nơi chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; có hội trường, nhà đa năng phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; có khuôn viên đường đi nội bộ, khu vui chơi giải trí ngoài trời, các khu vườn để đối tượng tăng gia lao động sản xuất…

Bộ máy tổ chức, biên chế đã được kiện toàn, bổ sung kịp thời, hiện tại, cơ sở có tổ chức Chi bộ đảng với 16 đảng viên, có tổ chức công đoàn, chi đoàn, ban giám đốc và các phòng: Hành chính - Tổng hợp, Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn, Y tế - Phục hồi chức năng; tổng số viên chức và người lao động đang làm việc là 47 người (26 viên chức, 21 hợp đồng lao động) luôn đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe, năng lực, phẩm chất đạo đức, có kỹ năng, kinh nghiệm để trợ giúp xã hội cho đối tượng.

Từ ngày thành lập đến nay, Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 1.500 đối tượng BTXH có hoàn cảnh đặc biệt (bao gồm các nhóm đối tượng là trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, người lang thang, tâm thần…).

Ngoài ra, từ năm 2006 đến nay, thực hiện kế hoạch, phương án của UBND tỉnh, cơ sở còn tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho hơn 3.500 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép, phụ nữ và trẻ em bị mua bán do Trung Quốc trao trả (trong đó có 346 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về và 32 công dân người nước ngoài Malaysia, Lào, Campuchia, Trung Quốc…). Do đối tượng tổng hợp, đa dạng tuổi, đa dạng bệnh tật nên công tác quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhất là những đối tượng tâm thần kinh, thiểu năng trí tuệ, rỗi nhiễu tâm trí, nhiễm HIV/AIDS, đối tượng người nước ngoài, người dân tộc thiểu số... Đặc biệt, có những trường hợp đối tượng người nước ngoài mang thai đôi, đối tượng tâm thần có thai và sinh nở trong quá trình lưu trú tại cơ sở… Với kỹ năng nghề nghiệp, tình yêu thương con người, tất cả những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khi được đưa vào nuôi dưỡng tại cơ sở đều có cuộc sống ổn định, phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần, nhiều đối tượng sau nhiều năm xa quê nhà đã tìm được địa chỉ về sum họp cùng gia đình; nhiều trẻ em mồ côi đạt học sinh khá, giỏi liên tục 12 năm phổ thông, đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và trưởng thành ở các lĩnh vực...

Qua các giai đoạn lịch sử, Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh đã không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong thực hiện công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước, của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành LĐTB&XH, được dư luận, xã hội, Nhân dân tin tưởng.

Ba mươi năm qua với những thành tích đạt được, Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh đã vinh dự được Bộ LĐTB&XH, UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Trên chặng đường xây dựng và phát triển, Cơ sở đạt được những kết quả trên nhờ có sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự chỉ đạo chuyên môn của Sở LĐTB&XH; tinh thần đoàn kết của ban giám đốc và sự đồng lòng của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động và các đối tượng; sự quan tâm, phối hợp, chia sẻ, ủng hộ của các cấp, ngành; sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện để cùng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH trong cơ sở. Những thành quả đạt được là tiền đề quan trọng cho Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh bước vào giai đoạn mới, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội và các chương trình phát triển công tác xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Ba mươi năm – một chặng đường với nhiều thành công nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi tập thể viên chức, người lao động trong Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh phải tiếp tục có những đột phá, tạo sức bật vươn lên mạnh mẽ để có đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội của giai đoạn mới. Vì vậy thời gian tới, cơ sở cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chính sách trợ giúp xã hội; tuyên truyền, quán triệt viên chức, người lao động thực hiện tốt các văn bản pháp luật về Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, các quy định trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội; thực hiện hiệu quả Đề án tiếp nhận đối tượng tự nguyện vào cơ sở khi được tỉnh phê duyệt.

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường phối hợp với các cơ quan y tế, giáo dục, các cơ quan liên quan và đẩy mạnh nhiệm vụ tổ chức, vận động và tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện tốt công tác hỗ trợ dịch vụ trợ giúp xã hội và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trong cơ sở.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, viên chức; tổ chức đăng ký cho nhân viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội, kỹ năng làm việc với đối tượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tại cơ sở cơ bản đáp ứng quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm và hoạt động của cơ sở.

Tin tưởng rằng, thời gian tới, tập thể viên chức, người lao động của Cơ sở sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và bề dày thành tích, ra sức thi đua phấn đấu, cống hiến bằng cả tâm sức, trí tuệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Cơ sở, xây dựng một địa chỉ tin cậy, một điểm sáng về hoạt động trợ giúp xã hội cho đối tượng BTXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

PHẠM ĐỨC HUÂN, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lạng Sơn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/co-so-bao-tro-xa-hoi-tong-hop-tinh-lang-son-30-nam-xay-dung-va-phat-trien-5024977.html