Cổ phiếu điện bừng sáng, triển vọng nhất là thủy điện hay nhiệt điện?

Tiêu thụ điện trong năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan so với mức nền thấp năm 2023. Trong đó, nhóm nhiệt điện than và thủy điện sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cổ phiếu nhóm điện làm mưa làm gió thị trường trong những phiên giao dịch gần đây. Riêng hôm qua, POW và PGV cùng nhau bật tăng hết biên độ trong khi những cổ phiếu khác như NT2, GEG cũng tăng mạnh.

Theo nhận định mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiêu thụ điện trong năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan so với mức nền thấp năm 2023. Trong đó, nhóm nhiệt điện than và thủy điện sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện.

Trong năm 2024, theo tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến sẽ tăng trưởng khả quan so với mức nền thấp của năm 2023, đạt khoảng 6,18%-9,15%, nhờ kỳ vọng sản xuất công nghiệp phục hồi và nhu cầu tiêu thụ điện dân cư tăng cao do tác động của hiện tượng El Nino trong nửa đầu năm. Theo nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng Quốc gia, khoảng tháng 6-8/2024, hiện tượng La Nina có thể quay trở lại.

Ngoài ra, theo phương án được lựa chọn là phương án điều hành trong năm 2024, điện than là nhóm sẽ được huy động tương đối cao tăng 23% so với sản lượng thực tế huy động trong năm 2023 nhờ giá nhiên liệu hạ nhiệt tương đối, trong khi hiện tại chưa có nguồn điện lớn mới đi vào vận hành.

Trong khi đó, nhóm điện khí dự kiến sẽ giảm phần đóng góp (-12% so với sản lượng thực tế huy động trong năm 2023) khi lượng cấp khí cho việc phát điện suy giảm. Do vậy, kết quả kinh doanh nhóm nhiệt điện sẽ đến từ sản lượng thực phát trong nửa đầu năm và nửa cuối năm sẽ ghi nhận thêm từ phần doanh thu cfd, (2) kết quả kinh doanh nhóm thủy điện sẽ có tăng trưởng so với cùng kỳ trong nửa cuối 2024 khi sản lượng phục hồi.

Lũy kế 4 tháng 2024, sản lượng tiêu thụ điện đạt 96,16 tỷ kWh tăng 12,4% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao so với các kịch bản tăng trưởng tiêu thụ tiêu thụ điện năm 2024. Trong đó, nhiệt điện than được huy động nhiều nhất, đóng góp hơn 59% trong tổng sản lượng điện tiêu thụ tháng Tư.

Giá toàn phần thị trường điện (FMP) năm 2024 dự kiến sẽ không biến động mạnh như trong năm 2023 khi giá than nhiệt dần ổn định. Theo kế hoạch vận hành thị trường điện 2024, mức giá trần thị trường điện (SMPcap) dự kiến đạt 1.510,0 đồng/kWh (-17,8%) và giá công suất thị trường điện trung bình (CAN tb) dự kiến đạt 330,5 đồng/ kWh (+9,9%).

VDSC kỳ vọng giá FMP trung bình trong năm 2024 sẽ hạ nhiệt và không biến động mạnh như trong năm 2023 khi mặt bằng chung giá nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện than dần ổn định. Trên thị trường phát điện cạnh tranh, giá điện thị trường đang có xu hướng nhích dần trong vài tháng qua. Giá điện toàn phần tháng 4 đạt khoảng 1.748 đồng/kWh, tăng 16,6% so với mức bình quân của quý 1/2024.

Bình quân 4 tháng năm 2024, giá điện toàn phần đạt 1.562 đồng/kWh, giảm 11%. VDSC kỳ vọng khi mùa mưa đến trong tháng 5 và 6, giá điện thị trường sẽ hạ nhiệt trở lại.

Trong tương lai gần, miền Bắc có nguy cơ xảy ra thiếu hụt công suất đỉnh trong một số thời điểm khi tốc độ bổ sung nguồn mới thấp hơn tốc độ tăng trưởng của phụ tải. Trong khi đó, đường dây truyền tải liên kết Bắc- Trung thường xuyên bị quá giới hạn truyền tải.

Để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc trong giai đoạn sắp tới, tuyến dự án đường dây 500kV mạch 3 Bắc- Trung với tổng chiều dài khoảng 514 km với mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành gấp rút trong tháng 6/2024. Do đó, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình tư vấn, thiết kế (TV2) hay đảm nhận thi công, cung cấp vật tư cho dự án (PC1) dự kiến sẽ ghi nhận thêm backlog từ dự án.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-phieu-dien-bung-sang-trien-vong-nhat-la-thuy-dien-hay-nhiet-dien.htm