Cơ hội hiếm có tạo động lực bứt phá, thay đổi căn bản cho Thủ đô

Sáng 27-5, trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ bảy, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh về ý nghĩa đặc biệt của việc Quốc hội đồng thời xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cho ý kiến đối với 2 đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô tại kỳ họp này.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Nga Vân

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Nga Vân

- Ông nhận định ra sao về trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội khi tham gia đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?

-Sửa đổi Luật Thủ đô lần này thể hiện mong muốn của chúng ta trong tạo ra khuôn khổ pháp lý mang tính chất vượt trội, đặc thù để phát triển được Thủ đô thực sự là đại diện cho cả quốc gia.

Vì vậy, khi sửa luật, tất cả đều gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình cũng như nhân dân cả nước vào các cơ chế, chính sách để Thủ đô của cả nước phát triển, chứ không phải là thành phố của riêng ai. Sự tham gia của các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội vừa thể hiện sự đồng hành, vừa là công việc của chính mình, đóng góp cho Thủ đô.

Trên cơ sở đó, với thành phố Hà Nội, sửa đổi Luật Thủ đô là thực hiện trọng trách, sứ mệnh được nhân dân, cử tri và các địa phương trong cả nước trao: Xây dựng Thủ đô trở thành bộ mặt đại diện cho cả nước.

- Tại kỳ họp này, Quốc hội đồng thời xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065? Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của những việc này?

- Đây là cơ hội rất hiếm để tạo ra định hướng phát triển Thủ đô và có cơ sở về pháp lý cho việc thực hiện định hướng đó. Bởi lẽ, Quy hoạch Thủ đô chính là tạo ra định hướng phát triển chung, phát triển tổng thể, phát triển dài hạn cho Thủ đô, để Hà Nội đại diện cho cả quốc gia, xứng tầm với Thủ đô các nước trên thế giới.

Còn điều chỉnh Quy hoạch chung là cụ thể hóa các ý tưởng, các nội dung đặc biệt về hạ tầng, đô thị đã được chỉ ra trong Quy hoạch Thủ đô. Việc cụ thể hóa Quy hoạch chung sẽ được đưa ra thành các phương án, mô hình phát triển cụ thể để Thủ đô có diện mạo mới trong tương lai.

Để thực hiện những định hướng, ý tưởng cho Quy hoạch Thủ đô và thực hiện các phương án xây dựng trong điều chỉnh Quy hoạch chung cần có các hành lang, cơ chế, khuôn khổ pháp lý. Khuôn khổ này tạo cơ chế phát triển, để các ý tưởng có thể thành hiện thực, đó chính là sứ mệnh của Luật Thủ đô.

Do đó, cần khẳng định, việc Quốc hội thực hiện đồng thời 3 nội dung quan trọng nêu trên tại kỳ họp này là cơ hội rất tốt, hiếm có để tạo ra bứt phá, thay đổi căn bản cho Thủ đô.

- Ông kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) và các đồ án quy hoạch lớn sẽ tạo ra những chuyển biến, khắc phục những bất cập trong phát triển đô thị Hà Nội hiện nay ra sao?

-Bất cập trong phát triển đô thị của Hà Nội chúng ta đều đã nhìn thấy, để lại hậu quả đáng tiếc. Luật Thủ đô cũng như các quy hoạch Thủ đô phải hướng đến giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay.

Ví dụ, theo quy định của pháp luật, nhiều khu vực nằm trong ranh giới nội đô lịch sử bị khống chế về đầu tư cải tạo. Điều này dẫn đến nhiều khu chung cư cũ không được cải tạo; nhiều khu nhà tự xây không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, an toàn phòng, chống cháy nổ, điều kiện môi trường sinh hoạt nhưng không có cơ chế cải tạo.

Thế nên, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải tạo khuôn khổ pháp lý để khu vực nào đúng nghĩa là khu bảo tồn sẽ được bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long - Hà Nội hay các công trình kiến trúc quan trọng, có yếu tố lịch sử. Còn lại, các khu khác phải đưa ra mô hình đầu tư cải tạo theo hướng đô thị hiện đại, chứ không thể để Thủ đô phát triển tự phát; người dân tự xây dựng theo ý chí chủ quan, không theo tiêu chuẩn quy hoạch của đô thị lớn.

Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác chỉnh trang, tái thiết các khu vực nội đô lịch sử. Ảnh: D.Hiệp

Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác chỉnh trang, tái thiết các khu vực nội đô lịch sử. Ảnh: D.Hiệp

- Theo ông, đâu là hướng xử lý với những khu dân cư đã tồn tại lâu đời, có mật độ xây dựng cao, thiếu không gian công cộng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn khi có cháy, nổ xảy ra?

- Những khu vực không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, không có không gian cho cứu nạn, cứu hộ, hay không có không gian cho sinh hoạt công cộng phải đưa vào phương án cải tạo, giải quyết tất cả những bức xúc đang tồn tại theo hướng phát triển văn minh, hiện đại.

Điều này hoàn toàn có thể làm được vì phần lớn những khu chúng ta nói tới đang lộn xộn, nhếch nhác, lại nằm giữa khu vực trung tâm nhất của Thủ đô. Nếu cải tạo tốt sẽ tạo ra các khu có giá trị, kinh tế cao.

Vấn đề là cần tạo ra khuôn khổ pháp lý như khai thác không gian ngầm, không gian trên cao, có hệ thống công trình hạ tầng công cộng hiện đại như hệ thống giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn như đường sắt đô thị.

Nếu làm được, những khu vực đang tập trung mật độ dân số đông, nhiều nhà thấp tầng sẽ chuyển thành một số ít tòa nhà cao tầng. Không gian sinh hoạt dưới mặt đất được đưa lên cao, nhường mặt đất cho phát triển không gian xanh, công cộng, không gian giao thông, phát triển dịch vụ.

- Ông còn băn khoăn gì về nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện nay?

-Dự thảo Luật đến thời điểm này chất lượng rất tốt. Đặc biệt, tinh thần trao quyền, trao trách nhiệm cho Hà Nội thực hiện sứ mệnh tạo ra bước phát triển bứt phá, vượt trội cho Thủ đô.

Tuy nhiên, còn một vài quy định chưa thật sự rõ ràng, đúng nghĩa. Như chúng ta rất băn khoăn việc khai thác phát triển hai bên bờ sông Hồng, biến thành trục cảnh quan văn hóa, sinh thái, du lịch, dịch vụ… trung tâm của thành phố. Vậy, nếu chúng ta vẫn cứ để quy định việc xây dựng các công trình ven sông tuân thủ quy định về Luật Đê điều thì có nghĩa toàn bộ hành lang ven sông Hồng của Hà Nội cũng giống hành lang ven sông ở các tỉnh, thành khác, để hoang hóa như hiện nay, không thể tạo ra diện mạo mới cho Thủ đô.

Đây là một trong những nội dung cần cân chỉnh lại, tạo cho Hà Nội có cơ chế riêng trong khai thác hai bên bãi sông Hồng, sông Đuống.

Cần có cơ chế riêng trong khai thác hai bên bãi sông Hồng, sông Đuống. Ảnh: Đặng Tú

Cần có cơ chế riêng trong khai thác hai bên bãi sông Hồng, sông Đuống. Ảnh: Đặng Tú

- Theo ông, cần phải mất bao lâu thì các đồ án quy hoạch cũng như Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ giúp Thủ đô tăng tốc phát triển?

-Phát triển Thủ đô là cả quá trình chứ không thể đong đo bằng thời gian ngắn. Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phải là nước thu nhập cao, ngang tầm với các nước phát triển.

Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Hà Nội là Thủ đô đứng hàng đầu các nước trong khu vực, ngang tầm với thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới.

Lộ trình đó đạt được hay không phụ thuộc vào khai thác quy chế, cơ chế đã được đưa ra đặc thù vượt trội cho Thủ đô; đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ của chính quyền Thủ đô trong chuyển đổi mà còn sự tập trung nguồn lực rất lớn của xã hội để tạo ra bộ mặt cho đất nước thực sự đột phá, xứng tầm với nước phát triển vào năm 2045.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-hoi-hiem-co-tao-dong-luc-but-pha-thay-doi-can-ban-cho-thu-do-667513.html