Cơ hội để ngành AI Trung Quốc tăng tốc

Lệnh cấm truy cập dịch vụ ChatGPT đột ngột của OpenAI đối với người dùng tại Trung Quốc được dự báo sẽ mở đường cho một cuộc cải tổ toàn ngành, góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này.

Theo thông báo của OpenAI, kể từ ngày 9-7, công ty này sẽ cắt quyền truy cập vào phần mềm và công cụ ChatGPT đang được sử dụng rộng rãi tại thị trường lớn nhất nhì thế giới này. Động thái này được dự báo sẽ gây ra cuộc chạy đua để lấp đầy khoảng trống của thị trường phát triển AI tại Trung Quốc. Việc OpenAI tạm dừng tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp về AI hay mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của nước này.

Các công ty lớn của Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra cơ hội và liên tục đăng tải các bài quảng cáo, mã thông báo dịch vụ miễn phí để thu hút khách hàng địa phương thực hiện chuyển đổi để sử dụng dịch vụ của mình. Theo tờ Time, đã có ít nhất nửa tá công ty và công ty khởi nghiệp bắt đầu cung cấp nhiều ưu đãi cho các nhà phát triển và người dùng dịch vụ. Zhipu AI, một công ty khởi nghiệp về AI có trụ sở tại Bắc Kinh, được coi là một trong những đối thủ địa phương tốt nhất của Trung Quốc để cạnh tranh với OpenAI, đã công bố kế hoạch chuyển nhà đặc biệt để giúp người dùng OpenAI tại Trung Quốc dễ dàng chuyển sang mô hình LLM “cây nhà lá vườn”.

Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Baidu hay Alibaba Group Holding, Tencent Holdings Ltd., Kai-fu Lee, SenseTime Group Inc.. đều cung cấp các đặc quyền mới, bên cạnh quà tặng miễn phí, giảm giá, hỗ trợ kỹ thuật nhằm thu hút khách hàng. Họ đều tự hào rằng LLM của mình phù hợp với người dùng Trung Quốc hơn của OpenAI. Công ty khởi nghiệp AI Baichuan, một dự án AI mới của Wang Xiaochuan, người sáng lập công cụ tìm kiếm Sogou của Trung Quốc, cam kết sẽ chỉ mất ít nhất 5 phút để thực hiện chuyển đổi từ OpenAI sang nền tảng Baichuan của Wang Xiaochuan. Ngay cả Microsoft Corp - đơn vị hỗ trợ lớn nhất của OpenAI - cũng đã công bố hướng dẫn từng bước trên WeChat về cách chuyển sang dịch vụ địa phương của mình, do đối tác địa phương 21Vianet điều hành.

Các gã khổng lồ của Mỹ như OpenAI, Meta và Alphabet Inc… đã dẫn đầu thế giới về AI tạo sinh, có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và video từ các lệnh đơn giản. Tuy đất nước tỷ dân không nằm trong danh sách 188 quốc gia và khu vực - nơi mà OpenAI cung cấp dịch vụ chính thức nhưng giờ đây, các mô hình ngôn ngữ lớn hàng đầu của Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc quyền truy cập vào OpenAI bị siết lại. Điều này sẽ giúp loại bỏ những đối thủ nhỏ, kém hiệu quả hơn khỏi thị trường. Tuy nhiên, theo ông You Chuanman, người đứng đầu Trung tâm quản lý và quản trị toàn cầu IIA của Đại học Trung Quốc tại Hồng Công, điều này cũng sẽ khiến các nhà phát triển Trung Quốc khó sử dụng các thuật toán AI toàn cầu tiên tiến nhất.

Về lâu dài, các chuyên gia cho biết, việc thiếu khả năng tiếp cận các công cụ toàn cầu có thể cản trở thêm các công ty AI Trung Quốc nói chung nếu muốn đuổi kịp Mỹ. Chủ tịch Alibaba Joe Tsai nhận định, sẽ mất ít nhất 2 năm để các mô hình AI trong nước có thể sánh ngang với mô hình của Mỹ. Hoàn cảnh này cũng có thể đẩy nhanh quá trình di cư của các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước ra nước ngoài để tìm kiếm các thị trường phát triển nhanh hơn.

KHÁNH HƯNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-hoi-de-nganh-ai-trung-quoc-tang-toc-post747999.html