Có gì trong dự thảo thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM?
Bên cạnh việc tăng tổng mức dư nợ vay ngân sách Nhà nước của TP.HCM lên 120%, Chính phủ đề xuất nhiều chính sách đặc thù khác cho địa phương này về quản lý, thu hút đầu tư.
Cơ chế quản lý đầu tư và tài chính ngân sách là hai trong số nhiều nội dung quan trọng được nêu trong dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Dự thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét với 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối tháng 5.
Tăng tổng mức dư nợ vay ngân sách
Cụ thể, Chính phủ đề xuất quy định thành phố được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trong khi đó theo Nghị quyết 54, con số này không vượt quá 90%.
Trao đổi với Zing cuối tháng 11/2022 về đề xuất tăng mức dư nợ vay, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố kiến nghị được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình, vay từ các tổ chức trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại.
Tại tờ trình, Chính phủ cho rằng từ nay đến năm 2030, thành phố dự kiến triển khai thêm một số dự án như tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, tuyến metro số 5 ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn giai đoạn 1; dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Thành…
Tổng nhu cầu vay để đầu tư các dự án trên là khoảng 92.020 tỷ đồng. Theo tính toán, từ sau năm 2026, thành phố không còn bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp.
Do đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất Quốc hội cho phép nâng mức nợ vay của ngân sách thành phố lên 120% nhằm đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng.
Thêm cơ chế thu hút đầu tư
Đáng lưu ý, Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện mà nhà đầu tư cần đáp ứng cùng những trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; các ưu đãi được hưởng.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, TP.HCM lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao quy mô lớn.
Nhà đầu tư chiến lược không được phép chuyển nhượng dự án đầu tư Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM dưới bất kỳ hình thức nào, trước khi hoàn thành các cam kết đã ước định
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi
Nguyên nhân là địa phương không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút như chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu và công nghệ pin mới.
Trong khi đó, nếu qua quy trình thông thường, các tập đoàn lớn không tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn.
Do đó, tờ trình của Chính phủ cho rằng cần xác định được ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, có trình tự thủ tục rõ ràng và mức ưu đãi hấp dẫn đủ mạnh để TP.HCM có thể cạnh tranh với địa phương ở các quốc gia khác.
Cơ chế này cũng đã được Quốc hội cho phép áp dụng với tỉnh Khánh Hòa.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế không thông qua đấu thầu, nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu như: Là tập đoàn tài chính đã được niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế; cam kết đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trong 5 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhà đầu tư chiến lược cũng phải cam kết dành cơ sở vật chất và nguồn lực phụ trợ để thu hút các nhà đầu tư fintech đăng ký hoạt động và thành lập trụ sở tại Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Đặc biệt, không được phép chuyển nhượng dự án đầu tư Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM dưới bất kỳ hình thức nào trước khi hoàn thành các cam kết đã ước định.
Cùng với cơ chế thu hút đầu tư, Chính phủ dành riêng Điều 8 trong dự thảo để đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức khoa học và công nghệ…
Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc các các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Đề xuất đầu tư PPP cho dự án thuộc lĩnh vực thể thao, văn hóa
Về cơ chế đầu tư, Chính phủ đề xuất quy định mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa. Tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Lý giải về đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho biết hiện nay, TP.HCM có nhiều công trình do Nhà nước quản lý trong lĩnh vực thể thao, bảo tàng, di tích, di sản văn hóa đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, TP.HCM có 53 dự án quan trọng lớn về văn hóa, với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng hiện nay đầu tư công mới chỉ bố trí được 9 dự án với khoảng 3.800 tỷ đồng. Các dự án còn lại phải dựa vào đầu tư PPP.
Nhiều dự án công trình thể thao chuyên nghiệp như Khu liên hiệp thể dục thể thao chưa được đầu tư mới.
Trong khi đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quy định áp dụng thực hiện trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa.
Do đó, để có căn cứ huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương thức đầu tư PPP, dự thảo Nghị quyết bổ sung các lĩnh vực nêu trên ở TP.HCM là đối tượng được áp dụng theo Luật PPP.
Nội dung về thí điểm đầu tư PPP về văn hóa đối với TP.HCM cũng từng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập tại Hội thảo Văn hóa toàn quốc hồi cuối tháng 12/2022.
Dẫn chứng TP.HCM có 53 dự án quan trọng về văn hóa nhưng đầu tư công mới bố trí được 3.800 tỷ đồng cho 9 dự án, ông Huệ cho rằng TP.HCM cần được thí điểm đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa để khơi thông nguồn lực.
Các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM cần thông thoáng, vượt trội nhưng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Bên cạnh các cơ chế trên, Chính phủ đề xuất thêm nhiều nội dung để phát triển TP.HCM bao gồm: quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý khoa học và công nghệ; tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP Thủ Đức...
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc xây dựng cơ chế, chính sách không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thách thức mà còn phải thúc đẩy, tạo động lực phát triển mới cho TP.HCM, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Các cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.