Cỏ dại ở Việt Nam, sang nước ngoài bán 134 nghìn đồng/ký
Cỏ mần trầu là loại cỏ mọc hoang ở bờ đường, ở cánh đồng và được lấy cho trâu, bò ăn nhưng thực chất người Trung Quốc lại coi mần trầu là cây thuốc.
Cỏ mần trầu mọc dại ven đường
Nếu như bạn xuất thân từ vùng nông thôn thì có lẽ sẽ không lạ lẫm gì với loại cỏ mần trầu tưởng vô dụng nhưng lại có công dụng đáng ngờ. Cỏ mần trầu hay còn gọi là cỏ dế mèn là loại cỏ dại mọc ven đường, bãi hoang, bờ ruộng tại Việt Nam.
Cỏ mần trầu là cây thảo sống quanh năm, cao 15-90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh...
Cỏ mần trầu còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Tết suất thảo, ngưu cần thảo, màng trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, ngưu cân thảo, hang ma (Tày), cỏ nhả hút (Thái), Hìa xú xan (Dao), Cao day (Ba Na), Hất t’rớ lạy (K’Ho), R’day (H’Dong).
Tên khoa học của loại cỏ thuộc họ lúa này là: Eleusine indica Gaerth.
Thường thì những cây cỏ mần trầu được biết đến là một trong vô vàn những loại thức ăn của trâu, bò vùng nông thôn. Loại cỏ này có rễ khá sâu, chính vì vậy chúng có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và nước trong rất mạnh để sinh sôi phát triển nhanh.
Chính vì khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng mạnh mà loài thực vật này được coi là hung thủ xâm chiếm đất nông nghiệp, lấy chất dinh dưỡng của cây trồng. Ngoài dùng để làm thức ăn cho trâu, bò, loại cỏ này còn được trẻ em vùng nông thôn làm tổ để nuôi... dế mèn.
Hóa ra lại là vị thuốc phổ biến ở nhiều nơi
Bên cạnh khả năng dùng làm thực phẩm cho trâu, bò và những bài thuốc dân gian từ cỏ mần trầu ở Việt Nam, cỏ mần trầu cũng được ưa chuộng ở nhiều nơi như các nước ở khu vực Á châu và Nam Mỹ. Ở Malaysia, nước ép cỏ mần trầu được dùng cho phụ nữ sau khi sinh để mau hết sản dịch và dùng cho bệnh nhân hen suyễn.
Ở Trung Quốc, loại cỏ này được coi là loại thuốc truyền thống rất phổ biến. Người dân nơi đây thường dùng cỏ mần trầu cùng với một số vị thuốc khác để chữa các bệnh như: Viêm gan vàng da, viêm ruột, lỵ, viêm niệu đạo, viêm thận,...
Ngoài ra cỏ mần trầu có thể dùng để trị những vết thương ngoài da hoặc cầm máu do bị chó cắn. Tại đất nước tỷ dân này, loại cỏ mần trầu được bán với giá khoảng 40 tệ/kg (hơn 134 nghìn đồng).
Ở một số nước khác, người dân cũng dùng cỏ mần trầu làm vị thuốc. Người Philippines thì dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa kiết lỵ, nước sắc dùng gội đầu sạch gàu, chống rụng tóc. Người dân Bangladesh thì dùng rễ mần trầu kết hợp với một số loại cây khác để điều trị sa tử cung.
Người dân Sri Lanka lại dùng cỏ mần trầu giã nhỏ đắp lên da để trị bong gân. Còn người dân Venezuela thì nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh nhằm trị vàng da…
Tại Việt Nam, loại cỏ này cũng được sử dụng phổ biến để kết hợp với vị thuốc khác chữa các bệnh như: Dùng để thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, mát gan, chữa ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực, mệt nhọc. Đồng bào dân tộc Dao ở Hà Giang dùng bài thuốc có cỏ mần trầu để chữa bệnh tóc bạc rất hiệu nghiệm.
Kết
Cỏ mần trầu mà bấy lâu nay được cho là thức ăn của trâu bò hóa ra lại là vị thuốc chữa trị nhiều bệnh như vậy. Đúng là "ngọn cỏ ven đường" cũng "làm nên chuyện".