Cố Cung có hơn 70 giếng nước, tại sao hoàng đế thà trả giá cao để mua nước ở ngoài cũng không chịu uống nước trong cung?
Những bí ẩn trong Tứ Cấm Thành xứ Trung vẫn luôn khiến nhiều người phải tò mò, tìm hiểu.
Cố Cung Bắc Kinh là cung điện hoàng gia của hai thời Minh - Thanh, còn được gọi là Tử Cấm Thành. Vào tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 9 (tức năm 1421), Chu Đệ dời đô tới Bắc Kinh, từ đó tới nay đã trải qua mấy trăm năm, nơi đây luôn là trung tâm chính trị của Trung Quốc. Cố Cung trải qua sự xây dựng và tu sửa của 2 đời triều đại Minh và Thanh, nguy nga tráng lệ, trang nhã, sang trọng, có giá trị nghệ thuật vô cùng to lớn.
Dựa theo thống kê của các chuyên gia, diện tích kiến trúc Cố Cung khoảng 150 ngàn mét vuông với hơn 70 tòa cung điện lớn nhỏ, cũng có hơn 70 giếng nước dùng để cung cấp nước cho hoàng cung. Cũng có nghĩa là về cơ bản, mỗi một cung điện đều có thể lấy nước từ giếng dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo ghi chép sinh hoạt ăn ở của các hoàng đế thời Thanh, họ không bao giờ uống nước được lấy từ giếng trong cung, không những hoàng đế không uống mà kể cả những hoàng hậu, phi tần cũng đều không uống, vậy nước mà họ uống được lấy từ đâu? Hóa ra bên cạnh Di Hòa Viên có một ngọn núi tên Ngọc Tuyền Sơn, nước suối ở đây mát ngọt, sảng khoái, đôi lúc hoàng đế và các phi tần sẽ uống nước được lấy từ đây về. Khi không uống nước lấy từ suối về thì sẽ mua nước từ bên ngoài với giá rất cao. Chỉ có những cung nữ, thái giám cấp thấp mới uống nước trong giếng.
Vậy rốt cuộc giếng nước này có bí mật gì khiến hoàng đế thà trả giá cao để mua nước bên ngoài cũng không chịu uống nước trong cung? Điều này có liên quan mật thiết tới môi trường sống trong Tử Cấm Thành và những câu chuyện xảy ra trong lịch sử.
Chu Kiến Thâm là hoàng đế thứ 8 từ năm 1464 đến năm 1487 của triều Minh, tức Minh Hiến Tông, trong "Thổ Mộc Chi Biến", cha của Chu Kiến Thâm là Chu Kỳ Trấn bị người Ngõa Thích (một bộ tộc của người Mông Cổ) bắt cóc, chú của ông là Chu Kỳ Ngọc kế vị, triều đình khi ấy rối ren vô cùng, sóng gió nổi khắp triều đình nhà Minh. Chu Kiến Thâm khi ấy mới 2 tuổi không sống cùng với mẹ ruột mà do cung nữ Vạn Trinh Nhi 17 tuổi chăm sóc.
Vì thế, Chu Kiến Thâm cũng nảy sinh tình cảm đặc biệt với Vạn Trinh Nhi. Sau khi Chu Kiến Thâm đăng cơ hoàng đế, Vạn Trinh Nhi cũng đã ngoài 30, nhưng Chu Kiến Thâm vẫn phong Vạn Trinh Nhi làm Quý Phi.
Vạn Trinh Nhi là một người rất hay đố kỵ người khác, bà từng có một người con trai với Chu Kiến Thâm nhưng không may chết yểu, sau đó Vạn Trinh Nhi không còn sinh con được nữa, sợ rằng nếu những người phụ nữ khác hạ sinh hoàng tử thì vị trí của mình sẽ lung lay. Thế nên bà đã âm thầm phái người đi hạ độc nước trong giếng của các phi tần đang mang thai. Từ đó, các phi tử lần lượt qua đời hoặc bị sảy thai.
Trong hậu cung, thế lực của Vạn Trinh Nhi là lớn nhất, Chu Kiến Thâm bị che mắt không biết gì, còn tưởng rằng là do ông trời bất công với mình, không sinh được con trai nhưng thực ra đều là do âm mưu của Vạn Trinh Nhi. Vì thế trong cung đều không dám uống nước giếng.
Tuy việc này không được sử sách ghi chép lại nhưng trong rất nhiều dã sử đều có ghi chép những câu chuyện về sự tàn nhẫn, hung ác của Vạn Trinh Nhi. Vì thế, là thật hay giả đều là điều chưa rõ. Tuy nhiên, tới thời Thanh có một sự việc có thể chắc chắn rằng đã từng có rất nhiều người nhảy xuống giếng tự sát.
Trong “Chân Hoàn Truyện” có một chi tiết như thế này, Hoa Phi sai thái giám hầu hạ mình đẩy một cung nữ được hoàng hậu cử tới xuống giếng nước, khiến Chân Hoàn nhìn thấy phải kinh hãi. Trên thực tế, có rất nhiều cung nữ và thái giám trong hậu cung triều Thanh đều đã lựa chọn nhảy xuống giếng để kết thúc cuộc đời đau khổ vô vọng trong chốn thâm cung của mình.
Đến nay, Cố Cung vẫn còn một giếng tên Trân Phi, nằm ở cửa Trinh Thuận phía bắc của cung Ninh Thọ, vốn dĩ chỉ là một giếng nước bình thường, nhưng vì thê tử Trân Phi của Quang Tự mà nổi tiếng. Trân Phi là phi tử được Quang Tự sủng ái nhất, nhưng do bất hòa với Từ Hi mà năm Quang Tự thứ 26 (tức năm 1900), khi 8 nước liên quân tấn công Bắc Kinh, Từ Hi mượn cớ đã gây khó dễ cho Trân Phi, sợ làm ô uế thanh danh của hoàng gia nên đã đẩy Trân Phi xuống giếng nhằm sát hại nàng.
Những câu chuyện kiểu này trong thời Thanh vẫn còn rất nhiều và nguồn nước dưới giếng lại nối liền với nhau, mọi người đương nhiên cũng không dám uống nước lấy từ giếng. Vì thế, nước được lấy từ giếng trong hoàng cung chỉ dùng để giặt quần áo hoặc dập lửa khi có hỏa hoạn mà thôi.
- Video: Bí ẩn ngọn đèn "cháy sáng ngàn năm không tắt" trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nguồn: VTV24.