Chuyện về những cuốn sách vàng

Sách vàng của triều Nguyễn là một trong những loại thư tịch cổ, quý giá, lưu giữ nhiều bí ẩn lịch sử.

Kim sách bạc mạ vàng, niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Kim sách bạc mạ vàng, niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Kim sách (sách bằng vàng hoặc bạc mạ vàng, bạc) là loại sách thường được các vua triều Nguyễn sử dụng trong những điển lễ quan trọng nhất của chốn hoàng cung như khi hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, tấn phong hoàng hậu, vương phi, ghi công, phong tước, ban tôn hiệu cho hoàng thân quốc thích…

Lệ ban Kim sách triều Nguyễn

Kim sách trước hết được dùng trong lễ đăng quang của các hoàng đế. Theo “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, thì “phàm kính gặp đại lễ đăng quang, trước kỳ làm lễ, các quan văn, võ tâu xin tôn hiệu. Sau khi nhận được chỉ của quan trông coi việc đúc chế sách vàng, viện Hàn lâm nghĩ soạn sách văn, chiếu cáo và bài biểu mừng, chọn ngày tốt tâu xin làm lễ kính cáo giao, miếu và đàn xã tắc. Đến ngày, đặt nghi lễ tại điện Thái Hòa, hoàng đế ngự tới, bách quan kính đưa sách vàng lên, dâng tôn hiệu và bài biểu, làm lễ khánh hạ”.

Sách của vua được làm làm bằng vàng mười, có 9 tờ, dài 6 tấc ba phân, ngang ba tấc sáu phân, dày 2 li; phía sau của 2 tờ trước có khắc rồng, mây; bảy tờ giữa ghi văn sách, được đóng bằng 4 khuyên vàng. Hòm để sách được đúc bằng bạc, được đựng trong một thùng gỗ được bịt góc bằng vàng, các chìa khóa đều được làm bằng vàng.

Sau vua đến thái hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàng thái tử, hoàng quý phi là những đối tượng được ban sách vàng. Cửu tần cùng các tiệp dư, quý nhân, mỹ nhân, tài nhân dùng sách bạc. Riêng tài nhân không vào ban thứ nào dùng thái trục (lụa màu).

Sách của hoàng hậu làm bằng vàng mười, có 6 tờ, tờ trước và tờ sau chạm khắc rồng, mây, bốn tờ giữa khắc văn sách, dài 5 tấc 5 phân, ngang rộng ba tấc 5 phân, dày 2 li; được đóng bằng 4 khuyên tròn bằng vàng; dùng hòm bằng bạc để chứa, 4 mặt quanh nắp hòm đều khắc rồng, mây; có thêm hòm gỗ đỏ đựng phía ngoài hòm bạc.

Hoàng thái tử được ban sách làm bằng vàng mười, gồm 5 tờ, tờ trước và tờ sau có khắc rồng, mây; 3 tờ giữa khắc văn sách; mỗi tờ dài 6 tấc 3 phân 4 li, rộng 3 tấc 5 phân 1 li; 4 khuyên tròn làm bằng vàng, đựng bằng hòm bạc, quanh nắp hòm đều khắc rồng, mây, phía ngoài có hòm gỗ đỏ bao bọc.

Công chúa, hoàng tử, hoàng thân công được ban sách làm bằng bạc mạ vàng trong khi sách của quốc công, quận công, hầu tước được làm bằng bạc. Những loại sách này thường mỗi quyển 5 tờ, mỗi tờ dài 5 tấc 4 phân.

Ngoài những sách kể trên, còn có sách của hoàng đế ở hữu miếu được làm từ vàng mười; sách của hoàng hậu ở hữu miếu được làm từ vàng tám; sách của hoàng đế ở tả miếu được làm từ vàng tám; sách của hoàng hậu ở tả miếu được làm từ vàng tám.

Kim sách được đúc ra sao?

Dưới thời Nguyễn, công việc đúc sách được giao cho Hữu ty của bộ Lễ thực hiện. Quy cách các cuốn sách, loại sách được điển chế vương triều quy định rất nghiêm cẩn.

Nghệ nhân đóng kim sách phải xứng đáng là bậc thầy giỏi nhất trên toàn quốc, được đưa về xưởng chế tác của triều đình ở trong hoàng cung, phía Đông của Tử Cấm Thành, thuộc khu vực của Phủ Nội vụ, nơi lưu giữ kho báu của triều đình.

Vàng được chọn đúc sách thường là vàng 10 phân để dễ chế tác. Sau khi lá sách được đúc xong, bậc đại bút trong Hàn Lâm viện sẽ chắp bút thư pháp trên kim sách, sau đó thợ thủ công khắc chữ lên vàng hoặc bạc mạ vàng. Để xảy ra sai phạm, dù nhỏ, người thợ sẽ bị phạt rất nặng. Do vậy, Kim sách khi hoàn thiện gần như đạt độ tinh xảo hoàn hảo vì được chế tác và giám sát công phu.

Tuy được quy ước nghiêm ngặt là vậy nhưng vẫn có một số ngoại lệ được áp dụng, khi các hoàng đế đương triều có một số thay đổi để linh động với tình hình thực tế. Như năm 1841, hoàng đế Thiệu Trị có chỉ dụ với bộ Lễ rằng “sách vàng thì số tờ dùng số lẻ từ 3, 5, 7 không quá 9 tờ. Nay trong sách vàng số chữ hơi nhiều, 3 tờ không đủ nên làm thêm 7 tờ cũng được. Dòng chữ thưa hay mau, 6 hoặc 8 dòng, châm chước kính cẩn mà viết”.

Ngoài ra, dưới thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn đã cho chế tác cuốn sách vàng đặc biệt có tên chính thức là “Thánh chế mạng danh kim sách” dài 23,2 cm, rộng 13,7 cm, dày 1,6 cm và nặng hơn 4,2 kg làm bằng vàng ròng, được đính bằng 4 khuyên tròn bằng vàng. Trên những tờ bằng vàng gập đôi, khắc từ trái qua phải theo cột dọc, mỗi trang gồm 5 cột trong ô viền hình chữ nhật kép. Cuốn sách này đặc biệt hơn những cuốn kim sách khác bởi nó có tới 13 tờ.

Sách được làm theo khổ chữ nhật đứng, 2 tờ bìa trước và sau chạm hình rồng 5 móng, vân mây tượng trưng cho vương quyền, 11 tờ ruột khắc sách văn của bài “Đế hệ thi” và 10 bài “Phiên hệ thi” - có tới 13 tờ để khắc bài thơ “Đế hệ thi” và 10 bài “Phiên hệ thi” của nhà vua - Đây là những bài thơ quy định về cách đặt tên của hoàng gia triều Nguyễn và các phiên vương.

Bố cục của kim sách thường có 3 phần, phần mở đầu ghi niên hiệu và tên người ban kim sách. Phần chính văn sẽ nêu lý do, ca ngợi phẩm hạnh, công đức của người được ban sách. Phần cuối cùng ghi tước hiệu được tôn, phong cùng những lời chúc tụng, những lời răn bảo… Năm 1862, khi triều Tự Đức buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất với thực dân Pháp, do phải bồi thường chiến phí quá lớn nhưng trữ lượng không đủ nên vua phải cho thu hồi nhiều kim sách, kim ấn đã ban cho hoàng thân, quốc thích nấu thành vàng thỏi để bồi thường chiến phí. Từ thời Đồng Khánh (1885) trở về sau, do quốc khố ngày càng cạn, triều Nguyễn buộc phải bỏ lệ ban sách vàng để chuyển sang ban sách bạc.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ve-nhung-cuon-sach-vang-post684967.html