Chuyện lạ ở thị trường chứng khoán tăng 800% từ đầu năm

Chứng khoán Zimbabwe đã tăng 800% trong năm nay. Nhưng đó không phải dấu hiệu tốt với nền kinh tế nước này.

Tại Harare (Zimbabwe), thị trường chứng khoán có những phiên tăng 5%, 10%, thậm chí 20%. Theo Bloomberg, từ đầu năm đến nay, mức tăng của thị trường này đã lên tới 800%.

Nhưng ở một đất nước gắn liền với sự tăng giảm thất thường của thị trường, cuộc khủng hoảng tiền tệ chưa biết khi nào sẽ ập tới, một đợt tăng trưởng đột ngột thường gây lo ngại nhiều hơn là niềm vui.

Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một vòng xoáy lạm phát. Họ phải tìm kiếm một hàng rào bảo vệ cho tiền của mình.

Niềm tin với nội tệ bốc hơi

Giá tiêu dùng tại nước này đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước. Mối lo ngại đang gia tăng trong một quốc gia vốn đã hằn sâu những vết sẹo của siêu lạm phát.

Thị trường chứng khoán của Zimbabwe khá nhỏ, với tổng vốn hóa chỉ 1,8 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với thị trường 1.000 tỷ USD của nước láng giềng Nam Phi. Nhưng đó là nơi mà người dân có thể dễ dàng đầu tư.

Hơn nữa, đồng ZWD đang trượt giá gần như mỗi ngày. Ngày càng nhiều doanh nghiệp không muốn chấp nhận đồng tiền này cho bất cứ giao dịch lớn nào, chẳng hạn mua nhà, xe, thậm chí nhiên liệu.

"Vì thế, mọi đồng ZWD đều được đổ vào thị trường chứng khoán", anh Tatenda Nemaungwe, 36 tuổi, sống ở thủ đô Harare, cho biết. Cách đây 5 năm, anh rời bỏ vị trí cố vấn tài chính cá nhân để quản lý danh mục đầu tư của riêng mình.

Trung bình một tháng anh kiếm được gấp 10 lần mức lương cũ nhờ "chu kỳ tăng trưởng không ngừng".

Mối lo ngại đang gia tăng trong một quốc gia với những vết sẹo của siêu lạm phát đã hằn sâu. Ảnh: Bloomberg.

Mức tăng của chứng khoán Zimbabwe vượt xa các thị trường lớn khác. Chỉ số chứng khoán của Argentina chỉ tăng gấp đôi, còn Phố Wall đã rất hài lòng với mức tăng 16% của chỉ số S&P 500 từ đầu năm.

Với những thách thức đối với nền kinh tế, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Zimbabwe. Vốn ngoại chỉ chiếm khoảng 15% thị trường.

Doanh thu của các sàn giao dịch lớn ở Zimbabwe chỉ khoảng 650.000 USD/ngày, trong khi Phố Wall là 240 tỷ USD.

Được thành lập vào năm 1894, sàn giao dịch Zimbabwe là một trong những sàn giao dịch lâu đời nhất ở châu Phi. Với mức tăng trưởng khổng lồ, 23.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đổ tiền vào thị trường, trong đó có anh Simba Nyamadzawo. Người đàn ông 35 tuổi này thực hiện giao dịch đầu tiên của mình hồi tháng 10 bằng điện thoại di động.

"Tôi vào đây vì lợi nhuận", anh cho biết.

Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế

Các nhà đầu tư có khoảng 55 mã chứng khoán để lựa chọn. Phổ biến nhất là nhóm cổ phiếu blue-chip như hãng sản xuất đồ uống Delta, công ty cung cấp dịch vụ viễn thông Econet Wireless Zimbabwe và tập đoàn tiền điện thoại di động EcoCash Holdings Zimbabwe.

Các công ty này nằm trong nhóm những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất sàn giao dịch. Người dân Zimbabwe tin tưởng vào những sản phẩm và dịch vụ này. Do đó, doanh thu và lợi nhuận của họ được đảm bảo ngay cả trong thời kỳ lạm phát nghiêm trọng.

Lợi nhuận đến từ xu hướng tìm kiếm hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Chứng khoán chủ yếu được giao dịch bởi các nhà đầu tư địa phương. Họ không tin tưởng vào nội tệ và khó tiếp cận với USD

Chuyên gia Hasnain Malik tại Tellimer

Nhưng đối với các nhà đầu tư ở Zimbabwe, kiếm tiền không phải con đường dễ dàng. Hồi tháng 5, một đợt trượt giá đột ngột đã thổi bay 84% giá trị của đồng nội tệ. Danh mục đầu tư của anh Nyamadzawo bốc hơi một nửa.

Nhưng anh vẫn đang mua vào và tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng phi mã sau đợt tổng tuyển cử tháng 8.

Chính phủ của Tổng thống Emmerson Mnangagwa bị cho là phải chịu trách nhiệm cho những bất ổn kinh tế đã đẩy lạm phát lên 176%. Tờ tiền lớn nhất của nước này thậm chí không đủ để mua một quả cà chua. Lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương đang ở mức cao nhất thế giới, 150%.

Theo ông Hasnain Malik, chuyên nghiên cứu về các thị trường mới nổi và cận biên tại Tellimer, dòng vốn ngoại sẽ không chảy vào thị trường Zimbabwe bất chấp đợt tăng trưởng phi mã.

"Lợi nhuận đến từ xu hướng tìm kiếm hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Chứng khoán chủ yếu được giao dịch bởi các nhà đầu tư địa phương. Họ không tin tưởng vào nội tệ và khó tiếp cận với USD", ông giải thích.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-la-o-thi-truong-chung-khoan-tang-800-tu-dau-nam-post1444848.html