Chuyên gia: 'Trung Quốc sẽ trả giá đắt khi vẫn theo đuổi Zero-Covid'

Theo giới quan sát, các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc như đối với Thâm Quyến có thể ảnh hưởng đến một nửa GDP của đất nước 1,4 tỷ dân.

Hôm 13/3, các quan chức Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất một tuần. Nguyên nhân là số ca nhiễm Covid-19 mới đang gia tăng trên cả nước. Bloomberg Economics nhận định quyết định phong tỏa Thâm Quyến sẽ "giáng đòn trực tiếp" vào Quảng Đông - tỉnh chiếm tới 11% GDP cả nước.

Hôm 14/3, các cư dân của tỉnh Cát Lâm cũng được yêu cầu không di chuyển hoặc đi du lịch sang những nơi khác. Tỉnh Cát Lâm có 24 triệu dân, thành phố Trường Xuân là một trong các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng ôtô hàng năm trên toàn quốc.

Thành phố đã bị phong tỏa vào tuần trước. Toyota Motor Corp. buộc phải dừng hoạt động của nhà máy tại đây. Theo các nhà kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., khoảng một nửa GDP và dân số của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 mới.

Do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh, Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất một tuần. Ảnh: CNN.

Trả giá đắt

Theo các nhà kinh tế Chang Shu và David Qu của Bloomberg Economics, việc phong tỏa Thâm Quyến sẽ tác động đến sản lượng trong các ngành như công nghệ và máy móc, từ đó làm gián đoạn nguồn cung của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến khi những trung tâm kinh tế khác đang tìm cách ngăn chặn làn sóng Covid-19 lây lan. Thượng Hải cũng đã tạm dừng các lớp học trực tiếp và dịch vụ xe buýt liên tỉnh.

Theo ông Raymond Yeung tại ANZ, nếu các tỉnh lớn nằm dọc theo bờ biển và ở phía đông bắc nước này làm theo Thâm Quyến, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể mất tới 0,8 điểm phần trăm.

Nomura Holdings Inc. cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt bởi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0). Ngân hàng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,3%, thấp hơn nhiều so với các dự báo của những tổ chức khác.

Theo giới quan sát, kinh tế Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt bởi chiến lược Zero-Covid, nhất là với biến thể Omicron dễ lây lan hơn. Ảnh: Reuters.

Thâm Quyến là nơi đặt trụ sở chính của những gã khổng lồ công nghệ như Tencent Holdings Ltd. và Huawei Technologies Co. và nhà cung cấp Foxconn của Huawei. Foxconn đã tạm dừng hoạt động ở Thâm Quyến vì lệnh phong tỏa, bao gồm một nhà máy sản xuất iPhone.

Các công ty tài chính lớn - bao gồm Ping An Insurance Group Co. và China Merchants Bank Co. - đặt trụ sở chính tại thành phố. Một số ngân hàng nước ngoài như UBS Group AG và HSBC Holding cũng mở chi nhánh ở khu vực này.

Theo truyền thông địa phương, các công ty môi giới và ngân hàng nhà nước lớn đặt trụ sở tại thành phố đã tạm dừng những dịch vụ trực tiếp sau lệnh phong tỏa.

Tác động lan tỏa

Thâm Quyến là cảng quan trọng thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải. Mỗi tháng, cảng xử lý khoảng 10% lượng container được vận chuyển từ Trung Quốc.

Hồi giữa năm 2021, cảng đã bị đóng cửa một phần trong nhiều tuần nhằm chống dịch. Nhưng vào tháng 6/2021, cảng vẫn xử lý khoảng 2 triệu container.

Trong một tuyên bố hôm 14/3, cảng Diêm Điền cho biết vẫn hoạt động bình thường sau khi thành phố thắt chặt các biện pháp nhằm kiểm soát virus.

Theo Bloomberg Economics, vào năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trị giá 795 tỷ USD của Quảng Đông chiếm 23% số lô hàng của Trung Quốc trong năm đó, lớn hơn tất cả tỉnh còn lại. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến đã đạt 303 tỷ USD.

Ngay cả khi việc phong tỏa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tác động vẫn có thể kéo dài tới vài tuần do nguồn cung của thành phố bị gián đoạn và những tác động lan tỏa sau đó

Các nhà kinh tế của Bloomberg Economics

"Ngay cả khi việc phong tỏa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tác động vẫn có thể kéo dài tới vài tuần do nguồn cung của thành phố bị gián đoạn và những tác động lan tỏa sau đó", các nhà kinh tế của Bloomberg Economics nhận định.

Theo ông Louis Kuijs - nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, đến nay, chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc vẫn chưa dẫn tới những sự gián đoạn kinh tế lớn. "Nhưng các hạn chế đang khiến nền kinh tế trở nên rất dễ tổn thương, bởi biến thể Omicron dễ lây lan hơn", ông cảnh báo.

"Trên toàn cầu, tác động kinh tế của Covid-19 đang giảm dần, bởi các chính phủ đã nới lỏng hạn chế, nhiều nước áp dụng chiến lược 'sống chung với virus'", ông Kuijs bình luận.

"Nhưng riêng với Trung Quốc, Omicron là thể trở thành mối đe dọa lớn đối với nhu cầu nội địa, sản lượng và thậm chí là chuỗi cung ứng", ông nói thêm.

Mới đây, các quan chức chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ đẩy nhanh chi tiêu tài khóa và đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khoảng 5,5% trong năm nay".

Nhưng theo Bloomberg, các nhà phân tích của Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo ở mức 4,5%. Nguyên nhân là nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều trở ngại, từ giá dầu tăng cao, doanh số bất động sản lao dốc đến các đợt bùng phát dịch trong nước.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-trung-quoc-se-tra-gia-dat-khi-van-theo-duoi-zero-covid-post1302514.html