TPHCM trước vận hội lớn

Trung ương đã tạo nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM, trong đó có Nghị quyết 98/2023/QH15 được Quốc hội ban hành. Dù vậy, TPHCM cũng đang đứng trước nhiều thách thức.

TS Trương Thị Minh Sâm – Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vai trò và vị thế “đầu tàu” kinh tế cả nước của TPHCM trong giai đoạn hiện nay.

TS Trương Thị Minh Sâm.

PV: TPHCM cần nhiều xung lực để đổi mới mạnh mẽ bởi vì các lợi thế cũ đang trở thành các thách thức mới trong giai đoạn hiện nay. Các thách thức này là gì, thưa bà?

TS Trương Thị Minh Sâm: Trước tiên chúng ta phải nhìn lại lịch sử phát triển của thành phố. Xin nêu một vài con số “biết nói”. Ở giai đoạn đầu đổi mới (1986) thì cùng với cả nước, TPHCM bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thể hiện qua tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ khiêm tốn khoảng 2,7%/năm. Thế nhưng sau đó, hàng loạt các chính sách đã giúp thành phố bứt phá, tăng trưởng bình quân đạt 7,82%/năm và 5 năm tiếp theo (1991 - 1995) tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 12,62%/năm. Nhiều thập kỷ tiếp theo, TPHCM tiếp tục duy trì được vai trò “đầu tàu” kinh tế trong toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thể hiện qua tăng trưởng kinh tế thường xuyên đạt bình quân 2 con số.

Vài năm trở lại đây, TPHCM phát triển chậm lại do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, và nhất là ảnh hưởng của 2 năm dịch bệnh Covid-19. Có thời điểm kinh tế TPHCM ở mức tăng trưởng âm 6,78% sau 35 năm. Lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố từ giai đoạn đổi mới, kinh tế thành phố rơi vào giai đoạn rất khó khăn. Từ năm 2023 đến nay, kinh tế thành phố hồi phục dần nhờ nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong đó có Nghị quyết 98/2023/QH15 do Quốc hội ban hành (thay thế cho Nghị quyết 54 trước đó). Dù vậy, tăng trưởng của thành phố đã chậm lại so với trước. Đồng thời, nhiều trung tâm mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu vươn lên mạnh mẽ đã tạo ra cuộc cạnh tranh lớn hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm.

Trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Phúc.

Như bà nói, hiện nay cuộc cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngay trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã khiến TPHCM phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo vai trò “đầu tàu” của mình?

- Điều đó đang được thể hiện rất rõ qua các báo cáo hàng năm về nhiều chỉ số quan trọng. Với Bình Dương, năm 2023 địa phương này thu hút vốn FDI đạt hơn 1,54 tỷ USD. Lũy kế đến giữa tháng 1/2024, doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Bình Dương hơn 4.200 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 40,3 tỷ USD, xếp thứ 3 cả nước về thu hút FDI. Tại Đồng Nai, thu hút vốn FDI vào tỉnh này cũng có sự khởi sắc từ đầu năm 2024. Trong đó, riêng tháng 1/2024, thu hút FDI của Đồng Nai đạt gần 400 triệu USD. Hiện nay, cả TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu đều đóng vai trò của “tứ giác” kinh tế trong đầu tàu phát triển kinh tế của Việt Nam. Dĩ nhiên, khi Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu đang vươn lên rất nhanh, ngày càng chiếm tỷ lệ đóng góp ngân sách cao hơn thì sức ép để giữ vai trò “đầu tàu” của TPHCM càng lớn hơn, cạnh tranh gay gắt hơn. Đặc biệt, TPHCM cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhờ lợi thế từ cơ chế đặc thù.

Thưa bà, các thách thức của “đầu tàu” kinh tế TPHCM trong cuộc cạnh tranh lớn ngay trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là gì?

- Chúng tôi lấy trường hợp tỉnh Bình Dương để so sánh ở một số lĩnh vực lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người nhập cư vào Bình Dương năm 2022 lớn hơn tỷ lệ di cư hơn 2 lần. Bình Dương đứng thứ 6/63 tỉnh thành có nhiều người muốn di cư đến. Bình Dương đi sau TPHCM về phát triển công nghiệp, nhưng nhờ chính sách hấp dẫn đầu tư, đã thu hút ngày càng nhiều việc làm hơn. Bình Dương cũng đã nhanh chóng thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ, xây dựng nhiều đô thị vệ tinh, và hiện đã vượt TPHCM về lợi thế so sánh này. Năm 2023, Đề án “Thành phố thông minh” và “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” được Cộng đồng thành phố thông minh thế giới xếp vào nhóm các thành phố tiêu biểu nhất (TOP 1 ICF 2023). Có thể nói, dù mới phát triển công nghiệp chỉ hơn 20 năm nay và đi sau TPHCM nhưng Bình Dương lại có bước phát triển rất nhanh, và là lá cờ đầu của cả nước về xây dựng khu - cụm công nghiệp tập trung.

Có thể nói rằng, ở ngay vùng Đông Nam bộ và nếu xét trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì vị thế và vai trò “đầu tàu” của TPHCM chắc chắn sẽ chịu sự cạnh tranh rất gay gắt trong thời gian tới.

TPHCM đang vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết các bất cập, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực. HĐND TPHCM khóa X đã thông qua Nghị quyết 11 về thành lập, chia tách, sáp nhập khu phố trên địa bàn phường, được đánh giá sẽ tạo ra nhiều thay đổi ở hệ thống chính trị - xã hội ở cơ sở của đô thị “đầu tàu” cả nước. Bà đánh giá về các thay đổi này như thế nào?

- Chúng tôi xin chia sẻ ở hai khía cạnh. Thứ nhất, về lợi thế của chủ trương này thì TPHCM sẽ kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở sau khi hoàn thành công tác sắp xếp khu phố, ấp. Khi đó, bộ máy quản lý được tinh gọn hơn và những người quản lý cấp khu phố - ấp sẽ có chính sách trợ cấp tốt hơn. Về cải cách hành chính, TPHCM cũng tinh gọn được bộ máy và tiết kiệm được một phần nguồn chi ngân sách hàng năm, để phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển ưu tiên khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin nêu một số mặt mà chính quyền cơ sở sẽ phải giải quyết sau sắp xếp. Bởi vì, chắc chắn khi thay đổi sẽ có những xáo trộn và một trong số đó là phải làm sao hạn chế tối đa phiền hà đến công sức đi lại và quá trình thực hiện thủ tục, hồ sơ giấy tờ ở cơ sở. Lâu nay người dân đã rất mệt mỏi về vấn đề này rồi.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức – “thành phố trong thành phố” mô hình đầu tiên của cả nước, TPHCM còn muốn phát triển thêm các đô thị trực thuộc để khai thác tối đa các nguồn lực, đảm bảo giữ vững vị thế “đầu tàu” kinh tế của mình. Bà đánh giá thế nào về chủ trương này?

- Cũng như câu chuyện triển khai đề án về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, việc TPHCM phát triển các đô thị trực thuộc là xu hướng tất yếu. Ngay trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì Bình Dương đã sớm dẫn đầu cả nước về tiêu chí này rồi. Hiện địa phương này có 5 thành phố trực thuộc gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát. Đối với TPHCM thì hiện nay đã vận hành TP Thủ Đức, mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước và có xu hướng tiếp tục phát triển các đô thị trực thuộc. TPHCM đang nghiên cứu phát triển 5 huyện và có đề án đầu tư và xây dựng để phát triển các huyện này thành các đô thị trực thuộc. Cụ thể, ngoài trung tâm đô thị hiện hữu và TP Thủ Đức, trong định hướng phát triển của TPHCM sẽ có thành phố Khu Nam (quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh); thành phố Tây Bắc gồm quận 12, huyện Hóc Môn và một phần huyện Củ Chi. Theo lãnh đạo TPHCM, hướng phát triển này đã được đưa vào định hướng quy hoạch của TPHCM và sắp tới sẽ trình Thủ tướng phê duyệt. Lợi thế của việc phát triển các đô thị trực thuộc hay đô thị vệ tinh, đều nhằm hướng đến hình thành các cực phát triển mới, gia tăng nguồn lực cho TPHCM đảm bảo vai trò “đầu tàu” của mình. Thế nhưng, cần lưu ý rằng bản thân khi thành lập TP Thủ Đức cũng đã trải qua nhiều năm để giải quyết các vấn đề phát sinh như hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp tồn đọng lớn; áp lực công việc đối với bộ máy sáp nhập mới; áp lực về chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ, viên chức, công chức so với trước cho đô thị mới hình thành... Dẫu vậy, kinh nghiệm của TP Thủ Đức sẽ giúp TPHCM thuận lợi hơn khi xây dựng các đô thị trực thuộc trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn bà!

THÀNH LUÂN (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tphcm-truoc-van-hoi-lon-10278916.html