Chuyển đổi số trong quản lý hạ tầng giao thông đang ở mức nào?
Chuyển đổi số được xác định là khâu đột phá, giúp thay đổi, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải. Với lĩnh vực giao thông đường bộ đã ghi nhận những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số. Công tác này đang được thực hiện đến đâu so với mục tiêu đề ra?
Việc ứng dụng công nghệ để số hóa, hiện đại hóa và tối ưu hóa các hoạt động quản lý, vận hành, bảo trì và giám sát hạ tầng giao thông đang đem lại những lợi ích và những vấn đề nào cần giải quyết?
Đại diện đơn vị thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ trên các tuyến đường ở khu vực Bắc Miền Trung, ông Trương Quốc Dương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần 496 cho biết, trước đây, công tác thu thập thông tin, kiểm tra đường bộ chủ yếu được thực hiện theo hình thức thủ công, ghi chép bằng tay nhưng hiện nay nhờ được số hóa mà các thông tin được cập nhật đầy đủ từ hiện trường qua điện thoại và các quyết định điều động, xử lý được đưa ra nhanh chóng, chính xác.

“Có phần mềm của tuần đường, đi báo ngày giờ kèm theo số km, hình ảnh, tuần đường khi gặp sự cố thì chụp ảnh và truyền ngay ra để hạt trưởng chỉ đạo ngay tức khắc và người công nhân cũng nắm được luôn. Chuyển đổi số còn nằm ở chỗ kiểm tra đường, lưu lượng xe, đánh giá kết cấu mặt đường, kế hoạch đưa ra, khai thác, đánh giá các hư hỏng và tính ra là bao nhiêu tiền”, ông Dương nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Trưởng phòng Marketing, Công ty Thu phí tự động (VETC) cho hay, đơn vị đã triển khai số hóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến giao thông, bao gồm: thông tin phương tiện, thông tin khách hàng, phương tiện thanh toán, hành trình di chuyển, tần suất hoạt động, tuyến đường khai thác, lịch sử lưu thông, hình ảnh và video giao thông...
Dựa trên việc số hóa/lưu trữ dữ liệu giao thông, VETC đã phân tích đánh giá/phân tích dữ liệu để tổng hợp, đưa ra các dự báo nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
“Xác định các cung đường trọng yếu, nguy cơ ùn tắc cao: Phân tích mật độ phương tiện và thời gian di chuyển giúp nhận diện các trạm hay xảy ra ùn ứ, từ đó phối hợp với đơn vị quản lý tuyến đường để điều tiết luồng phương tiện; Điều chỉnh kế hoạch vận hành: Trong các dịp cao điểm, dữ liệu giúp đơn vị chủ động: Bố trí thêm nhân sự tại trạm; Cảnh báo sớm trên các kênh truyền thông về tình trạng giao thông...”, ông Mạnh Hưng nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đến thời điểm này, Cục Đường bộ đã số hóa hơn 25 nghìn km quốc lộ, 7.800 cầu, hầm; còn hệ thống đường tỉnh, đường huyện chủ yếu do địa phương quản lý, đang được Cục Đường bộ Việt Nam thu thập. Với Hệ thống biển báo ảnh hưởng đến quyết định xử phạt như biển báo hạn chế tốc độ, biển đường một chiều, biển báo khu đô thị cũng đã thu thập đầy đủ.
Theo ông Tô Nam Toàn, dữ liệu hạ tầng đường bộ được số hóa phục vụ rất hữu ích cho công tác quản lý: “Ví dụ như là hiện nay cái công tác cấp phép quá khổ quá tải. Một cái xe đi từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh khi mà xin được cái cấp phép này nếu mà dữ liệu đầy đủ thế thì xác định cái tuyến đường từ Hà Nội và Thành Hồ Chí Minh sẽ có bao nhiêu cầu không đủ tải trọng hoặc là bị hạn chế về khổ. Thế thì cần phải đi điều chỉnh những cái cầu nào cần phải xem xét hạn chế”.
Ông Lê Văn Đạt, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đánh giá, chuyển đổi số trong quản lý giao thông đường bộ đã được đẩy nhanh trong những năm qua và mang lại nhiều hiệu quả trong thực tiễn.
“Xây dựng và cập nhật dữ liệu số về cầu, đường cùng tình trạng khai thác và bảo trì giúp cho cơ quan quản lý có công cụ hiệu quả để đưa ra các quyết định về đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa kịp thời đúng trọng tâm, trọng điểm và tiết kiệm chi phí; tích hợp với công nghệ camera giám sát, cảm biến, trạm cân tự động giúp tăng cường giám sát, khai thác và xử lý các vi phạm quá tải, dừng đỗ sai quy định…”, ông Đạt nói.
Không chỉ có ý nghĩa trong công tác quản lý khai thác đường bộ, theo ông Đặng Văn Chung, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam), ứng dụng chuyển đổi số trong giao thông đường bộ còn mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia giao thông.

“Người sử dụng đường kết nối được thì người ta sẽ biết được tình trạng đường để người ta đi, trên đoạn đường đó hiện tại kết cấu hạ tầng đường ra sao rồi tổ chức giao thông thế nào, chuyển đổi số như những năm vừa rồi bước đầu đã có tác dụng”, ông Chung nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, công tác chuyển đổi số trong giao thông đường bộ dù có bước tiến lớn nhưng vẫn còn những mặt chưa đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ thì dữ liệu không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà còn phục vụ cho người sử dụng đường bộ.
“Chúng tôi mong muốn ngành đường bộ phải cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu về cầu, đường và cho phép các đối tượng khai thác đường bộ có dữ liệu để lập kế hoạch hoạt động, kế hoạch vận tải một cách hiệu quả nhất. Thứ hai là đẩy mạnh giao thông thông minh trên các tuyến cao tốc, quốc lộ quan trọng và các tuyến đường đô thị hiện nay”, ông Quyền cho biết.
TS Trần Ngọc Hưng, Viện trưởng Viện Công nghệ GTVT, Trường Đại học Công nghệ GTVT cho rằng, cần chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số giao thông đường bộ.
“Tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, sớm hoàn thiện thể chế, tạo cơ chế tài chính phù hợp cho chuyển đổi số, tách rõ phần đầu tư cho hạ tầng vật lý và đầu tư cho hạ tầng số để thúc đẩy mô hình này, ngoài ra có thể có các mô hình để huy động nguồn lực của xã hội trong đầu tư hạ tầng số”, ông Hưng cho biết.
Số hóa dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dù được đánh giá là đi đầu và có tốc độ nhanh nhất của ngành giao thông, xây dựng, song ở khía cạnh khác, nhiều dữ liệu vẫn mang tính rời rạc và thiếu sự cập nhật đồng bộ từ các địa phương. Bởi vậy, để đẩy nhanh tiến độ số hóa, cần chuẩn hóa và ràng buộc trách nhiệm của đơn vị liên quan, để việc thực hiện được thống nhất, hiệu quả.
Được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất của ngành giao thông - xây dựng, thời gian qua, ngành đường bộ đã số hóa dữ liệu đường bộ với một khối lượng dữ liệu khổng lồ, với hơn 25 nghìn km quốc lộ, hơn 2.000 km cao tốc, gần 7.800 cầu, hầm trên quốc lộ, hơn 150 trạm thu phí không dừng, hệ thống phà vượt sông trên các quốc lộ được quản lý qua GPS và camera... Tất cả dữ liệu được số hóa với hệ thống thông tin chi tiết, từ hồ sơ thiết kế, lịch sử sửa chữa, tải trọng cho phép...
Những dữ liệu khổng lồ này đang phục vụ hiệu quả cho công các quản lý chuyên ngành, từ việc chủ động lập kế hoạch, bố trí vốn cho các dự án bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, đến việc cấp phép lưu hành phương tiện quá khổ, quá tải trên hệ thống đường bộ; hay cảnh báo sớm tình trạng giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch.
Tuy vậy, một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là dữ liệu liên quan đến kết cấu hạ tầng đường bộ, tổ chức giao thông, quy hoạch đô thị… đang bị phân tán ở nhiều cấp, nhiều ngành. 70-80% hệ thống quốc lộ đang được giao cho các địa phương quản lý, nên dù đã được số hóa, nhưng chủ yếu là thông tin về hệ thống quốc lộ, còn hệ thống đường địa phương vẫn đang được cập nhật. Trong khi đó, ngay cả với quốc lộ, thì nhiều dữ liệu vẫn đang được lưu trữ rải rác, thiếu đồng bộ tại các địa phương.
Chẳng hạn, dữ liệu về kết cấu hạ tầng, hiện trạng mặt đường, tải trọng cầu đường, biển báo, vạch sơn, luồng tuyến, phương án tổ chức giao thông… đang được cập nhật không đều, chủ yếu do các đơn vị quản lý tại địa phương tự xây dựng theo năng lực và điều kiện riêng. Điều này dẫn đến tình trạng thông tin rời rạc, không thống nhất, gây khó khăn trong công tác quy hoạch, bảo trì, khai thác và đặc biệt là khi xảy ra các sự cố giao thông cần truy xuất dữ liệu.
Trong khi đó, số hóa dữ liệu đường bộ, nếu được triển khai bài bản sẽ tạo ra một “bản đồ số giao thông” sống động, trực tuyến và cập nhật liên tục. Với cơ sở dữ liệu này, người tham gia giao thông có thể dễ dàng tra cứu lộ trình, tránh điểm ùn tắc hay vùng đang thi công; kỹ sư thiết kế đường có dữ liệu nền chính xác để quy hoạch các tuyến mới; đơn vị khai thác, bảo trì có thể lên kế hoạch sửa chữa kịp thời dựa trên các thông số kỹ thuật; còn nhà quản lý có thể theo dõi sát sao tình trạng kết cấu hạ tầng, từ đó phân bổ ngân sách hợp lý.
Bởi vậy, cần khẩn trương xây dựng cơ chế phối hợp và nền tảng dữ liệu dùng chung giữa Bộ Xây dựng, Bộ công an và các địa phương. Trên nền tảng đó, các dữ liệu phải được cập nhật, liên thông và tích hợp liên tục vào một hệ thống trung tâm do một cơ quan đầu mối quản lý. Việc thống nhất một bộ chuẩn dữ liệu, quy trình cập nhật, chia sẻ và bảo mật cũng là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn thông tin.
Đặc biệt, việc số hóa dữ liệu cũng cần được quy định thống nhất, cập nhật tự động theo địa giới hành chính mới, cũng như mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, những đơn vị được bàn giao quản lý, duy tu có trách nhiệm cập nhật, số hóa để thành bộ dữ liệu dùng chung. Từ những thông tin này, các Bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, phục vụ yêu cầu quản lý chuyên ngành.
Quan trọng hơn, dữ liệu số hóa phải được thể hiện thành sản phẩm cụ thể, không chỉ phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, mà còn có vai trò thúc đẩy phát triển cho người dân và doanh nghiệp, cũng như góp phần khắc phục các sự cố, cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt.
Số hóa dữ liệu đường bộ không còn là câu chuyện của tương lai, mà là một yêu cầu cấp bách của hiện tại. Trong bối cảnh hệ thống giao thông ngày càng phức tạp mở rộng và hiện đại, kết nối không chỉ liên vùng mà còn liên quốc gia , nhu cầu đi lại, vận tải tăng cao, việc quản lý thông minh bằng dữ liệu số là con đường ngắn nhất để tăng hiệu quả, giảm chi phí và phục vụ tốt hơn cho người dân.
Để đạt được điều đó, cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực và đặc biệt là thống nhất hệ thống dữ liệu liên ngành. Một hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, hiệu quả và bền vững phải được bắt đầu từ một nền tảng dữ liệu số thông minh – đó là lựa chọn không thể chần chừ.