Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ

Tỉnh Bắc Kạn đã và đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các chợ, nhằm phát huy tốt tiềm năng sẵn có, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của người dân.

Chợ Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) có nhu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ.

Chợ Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) có nhu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 64 chợ. Trong đó phân theo địa bàn, gồm 10 chợ thành thị, 54 chợ nông thôn. Phân theo hạng chợ, gồm: 01 chợ hạng 1 (chợ Bắc Kạn), 04 chợ hạng 2 (chợ Đức Xuân, chợ thị trấn Bằng Lũng, chợ Phủ Thông, chợ đầu mối nông, lâm sản huyện Na Rì) và 59 chợ hạng 3. Phân theo tính chất xây dựng, gồm: 58 chợ kiên cố, 5 chợ bán kiên cố và 01 chợ tạm (chợ Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn). Phân theo tính chất kinh doanh, gồm: 02 chợ chuyên doanh gia súc (chợ trâu, bò Nghiên Loan, xã Nghiên Loan; chợ trâu, bò Công Bằng, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm) và 62 chợ bán lẻ. Hiện nay, các chợ trên địa bàn tỉnh hầu hết đều là chợ phiên, 59 chợ hoạt động theo phiên 5 ngày/phiên hoặc 7 ngày/phiên; 05 chợ hoạt động hằng ngày (chợ Bắc Kạn, chợ Đức Xuân, chợ Nguyễn Thị Minh Khai, chợ thị trấn Bằng Lũng, chợ đầu mối nông, lâm sản huyện Na Rì).

Quá trình quản lý nhà nước về chợ hiện còn những khó khăn, vướng mắc như: Nhiều chợ cơ sở hạ tầng đã xuống cấp; một số công trình xây dựng trong chợ không còn phù hợp với quy mô hoạt động nên hiệu quả kinh doanh tại chợ chưa cao. Nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo các chợ trong xây dựng phương án sử dụng địa điểm kinh doanh và bố trí sắp xếp các ngành hàng kinh doanh tại chợ và nội quy hoạt động chợ; chưa lắp đặt cân đối chứng tại chợ để đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ được đảm bảo an ninh, an toàn và văn minh thương mại...

Thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ, Sở Công thương đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp rà soát, báo cáo đề xuất một số chợ có nhu cầu thực tế cấp thiết trong chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ. Theo đó, UBND các huyện, thành phố đã đề xuất 14 chợ có nhu cầu thực tế cấp thiết nhất trong chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ. Trong đó 12 chợ có nhu cầu thực tế cấp thiết trong đầu tư xây dựng chợ. Do hiện nay, cơ sở vật chất tại chợ đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân. Theo đó, các địa phương đề xuất cải tạo nâng cấp 02 chợ có nhu cầu cấp thiết trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ, gồm: Chợ Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn) và chợ Bằng Lũng (Chợ Đồn).

Chợ Đức Xuân hiện gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong xử lý tài sản chợ, chưa có quy định cụ thể việc tiếp tục giao quản lý hoặc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ. Chợ Bằng Lũng, công tác quản lý chưa phát huy được hiệu quả và tiềm năng; không có nguồn bù đắp các khoản khấu hao và phục vụ duy tu, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ...

Đồng chí Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để nâng cấp, cải tạo chợ đối với các chợ đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân, đặc biệt đối với các chợ đang có nhu cầu bức thiết trong đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ do các địa phương đề xuất, kiến nghị. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ động tham mưu công tác quản lý nhà nước về chợ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, như: Quản lý tài sản chợ, đầu tư xây dựng chợ, quản lý đất chợ, quản lý thu, chi giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ... Hướng dẫn cụ thể về công tác chuyển đổi mô hình chợ về tài sản và đất đai thuộc chợ để các địa phương chủ động trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, hướng dẫn thực hiện đối với chợ Đức Xuân, chợ Bằng Lũng để tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Đồng thời, Sở đề nghị UBND các huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, thống kê tài sản đối với các chợ trên địa bàn, đặc biệt đối với các chợ đã giao cho doanh nghiệp, HTX quản lý để tránh gây thất thoát tài sản và các tranh chấp phát sinh. Củng cố, hoàn thiện hồ sơ về tài sản chợ, hồ sơ pháp lý về xây dựng chợ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chợ. Xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất chợ sai mục đích, lấn chiếm đất chợ.../.

Bích Ngọc

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202108/chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly-kinh-doanh-khai-thac-cho-7720260/