Chuyển biến trong thực hiện tiêu chí môi trường ở cộng đồng người Mông xanh

Trước đây, đồng bào Mông xanh ở xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn) còn nhiều hủ tục trong sinh hoạt hằng ngày gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Những thói quen như không làm chuồng nuôi nhốt gia súc, cho gia súc phóng uế bừa bãi; không xây nhà vệ sinh; không quét nhà; sau khi ăn cơm không rửa bát đũa mà để lưu cữu... đã trở thành rào cản lớn trong thực hiện tiêu chí môi trường của địa phương.

Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, xã Nậm Xé đã tăng cường tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng người Mông xanh. Xã cử cán bộ phụ trách thôn phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể đến từng hộ hướng dẫn cách sinh hoạt hợp vệ sinh. Do những thói quen sinh hoạt này đã tồn tại rất lâu trong đồng bào nên để thay đổi, xã đã yêu cầu cán bộ tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc. Để đạt hiệu quả cao nhất, nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phân tích, chỉ rõ những bệnh dịch có nguy cơ hình thành từ việc không giữ vệ sinh môi trường, những hệ lụy do bệnh dịch đó gây ra và vai trò quan trọng của việc thực hiện nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới…

Giữ gìn vệ sinh đã trở thành thói quen hằng ngày của bà Sái.

Trước khi đến thôn tuyên truyền, xã yêu cầu lãnh đạo thôn tập hợp bà con và trực tiếp cử cán bộ quét nhà, rửa bát, dọn vệ sinh khuôn viên một số hộ để làm mẫu. Với quyết tâm thay đổi tư duy của người dân về thói quen không sử dụng nhà vệ sinh, lãnh đạo xã và thôn đã bàn, đưa ra nhiều biện pháp phù hợp với thực tế. Cán bộ xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đảng viên phải là nhân tố tích cực đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, xây nhà vệ sinh, đào hố chôn lấp rác thải... Sau khi các công trình vệ sinh đạt chuẩn của các hộ là cán bộ xã, lãnh đạo thôn hoàn thành, người dân được mời tới tham quan vì “trăm nghe không bằng một thấy”. Bên cạnh đó, xã còn hỗ trợ kinh phí, ưu tiên lựa chọn hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp xây công trình vệ sinh đạt yêu cầu, từ đó khuyến khích các hộ có điều kiện hơn tự đầu tư xây dựng.

Đối với rác thải sinh hoạt hằng ngày, xã Nậm Xé giao cho các đoàn thể giúp các hộ đào, xây lò đốt rác nhỏ và vận động vứt rác đúng nơi quy định; khuyến khích người dân chủ động làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà và không để gia súc phóng uế bừa bãi. Các thôn đã xây dựng quy ước về giữ gìn vệ sinh môi trường, cấm thả rông gia súc, hộ nào vi phạm quy định sẽ không được xét gia đình văn hóa và phải cử người dọn vệ sinh nơi gia súc của gia đình phóng uế…

Nhờ sự vào cuộc tích cực của xã, thôn, giờ đây, đồng bào Mông xanh ở Nậm Xé đã có nhiều chuyển biến tích cực trong giữ gìn vệ sinh. Người dân đã chủ động làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà, xây dựng nhà vệ sinh, xây lò đốt rác. Các thói quen gây mất vệ sinh hằng ngày dần được loại bỏ khỏi đời sống của đồng bào. Hằng tuần, các gia đình chủ động dành thời gian vào buổi chiều thứ Sáu cùng nhau vệ sinh đường dẫn vào thôn, vào nhà…

Gia đình bà Vàng Thị Sái ở thôn Tu Hạ là một ví dụ. Dù nhà gần trụ sở UBND xã, gia đình lại kinh doanh dịch vụ nhưng những năm trước, bà có thói quen không quét nhà, không rửa bát sau khi sử dụng và khu chăn nuôi được xây sát với bếp nấu. Được cán bộ xã và trưởng thôn gặp gỡ, tuyên truyền, phân tích những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của việc không giữ vệ sinh môi trường, bà đã hiểu ra và chủ động thay đổi. Giờ đây, công việc đầu tiên mỗi khi thức dậy của bà Sái là gấp gọn chăn, màn và cầm chổi quét nhà. Sau mỗi bữa ăn, bát đũa và xoong nồi được bà rửa sạch, cất gọn gàng. Khu nuôi nhốt lợn, gà cũng được bà xây cách xa bếp nấu. “Từ ngày thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi được cải thiện rõ rệt. Các cháu tôi không còn ốm vặt như trước mà đủ sức khỏe để tham gia học tập trên lớp cùng các bạn” - bà Sái tâm sự.

Còn gia đình chị Hạng Thị Su (thôn Ta Náng) trước đây không xây nhà vệ sinh và khu bếp được chia đôi bằng bức tường gỗ, một bên nấu nướng và một bên nuôi gà. Sau khi được trực tiếp cán bộ xã tuyên truyền và tham quan các hộ khác trong thôn thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, chị đã chủ động áp dụng vào thực tế tại gia đình. Dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng chị đã đầu tư xây công trình vệ sinh và chuồng nuôi gà xa khu bếp. Ngôi nhà nền đất được chị quét dọn hằng ngày và bài trí lại các đồ dùng phục vụ sinh hoạt gọn gàng. Một nửa gian bếp trước đây dùng để nuôi gà, nay được chị dùng dự trữ nông sản sau mỗi vụ mùa.

Bà Sái và chị Su chỉ là 2 trong rất nhiều hộ ở Nậm Xé có chuyển biến trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo ông Vàng A Tớ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xé, những thay đổi bước đầu của đồng bào Mông xanh trên địa bàn xã đã góp phần không nhỏ cùng địa phương thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xanh thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nếp sống văn minh để cùng địa phương “về đích” nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.

Thu Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/chuyen-bien-trong-thuc-hien-tieu-chi-moi-truong-o-cong-dong-nguoi-mong-xanh-z36n20190620152936795.htm