Chứng khoán 21/5: Chia cổ tức 'khủng', cổ phiếu FPT vượt đỉnh 23 lần trong chưa đầy 5 tháng

Từ đầu năm 2024, thị giá FPT đã tăng 41,5% qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên cao kỷ lục 172.700 tỷ đồng (7 tỷ USD). Cổ phiếu này đã có 23 lần vượt đỉnh trong chưa đầy 5 tháng.

Kết phiên hôm nay 21/5, cổ phiếu FPT tăng 2,26% lên mức 136.000 đồng/cp, cao nhất từ trước đến nay (tính theo giá điều chỉnh). Đây là lần thứ 23 kể từ đầu năm, cổ phiếu FPT đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử. Đáng chú ý, thành tích này lập được khi năm 2024 mới trải qua chưa đầy 5 tháng (92 phiên). Như vậy, bình quân cứ 4 phiên, cổ phiếu này lại vượt đỉnh một lần.

Từ đầu năm 2024, thị giá FPT đã tăng 41,5% qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên cao kỷ lục 172.700 tỷ đồng (7 tỷ USD). Con số này giúp FPT vị trí số 1 Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ. Trên thị trường chứng khoán, giá trị của FPT xếp thứ 8 trong danh sách các công ty niêm yết và xếp thứ 10 toàn sàn.

Cổ phiếu của FPT tăng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của ông lớn công nghệ cực tốt. Về tình hình kinh doanh, quý 1/2024, Công ty lãi trước thuế 2,534 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ, thực hiện được 23% kế hoạch năm. Lãi ròng 1,789 tỷ đồng. Đây đều là số lãi hàng quý cao nhất kể từ trước đến nay của Công ty.

FPT vừa công bố nghị quyết HĐQT ngày 16/5/2024 thông qua triển khai các phương án phát hành cổ phiếu năm 2024. Theo đó FPT dự kiến phát hành gần 190,5 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành là 20:3, tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới. Cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện không muộn hơn quý 3/2024. HĐQT FPT cũng phê duyệt mức trả cổ tức còn lại là 10% (1.000 đồng/cp), tương ứng cần chi khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian dự kiến trong quý 2/2024. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 của FPT là 20% bằng tiền (2.000 đồng/cp). Trong đó, công ty đã tạm ứng 10% vào tháng 7/2023. Năm 2024, FPT dự kiến giữ nguyên mức cổ tức tiền mặt 20%.

Trở lại với diễn biến thị trường hôm nay, kết thúc giao dịch ngày 21/5, VN-Index giảm 0,44 điểm, tương đương 0,03% xuống 1.277,14 điểm. Toàn sàn có 207 mã tăng và 236 mã giảm, 66 mã đứng giá.

Trong số các ngành dẫn dắt dòng tiền, chứng khoán có diễn biến tốt nhất. Nhưng các cổ phiếu ngành này chủ yếu tăng nhẹ dưới 1%. VCI và FTS là hai mã thanh khoản trăm tỷ duy nhất tích lũy 1,2% và 1,4% so với tham chiếu.

Nhóm ngân hàng tác động tiêu cực đến thị trường khi TCB và VCB lấy đi tổng cộng 3,3 điểm. Cùng cảnh ngộ, EIB, ACB, HDB, LPB, MSB, TPB, OCB cũng kết phiên trong sắc đỏ. Ở chiều tích cực, ba mã BID, CTG, MBB nằm trong top 10 kéo tăng điểm thị trường với mức đóng góp tổng cộng 1,25 điểm.

Ngoài ra, ngành ngân hàng ghi nhận giao dịch biến động ở cổ phiếu ABB với thanh khoản hơn 620 tỷ đồng và tăng 12,3% so với tham chiếu. Có thời điểm, mã này chạm giá kịch trần 9.300 đồng một đơn vị.

Thanh khoản hôm nay đạt gần 29 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại lại bán ròng hơn 700 tỷ đồng. Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là VEA 369 tỷ đồng, KBC 193 đồng, VHM 141 tỷ đồng, VNM 90 đồng, VCB 90 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã được mua gom chủ yếu DBC 302 tỷ đồng, HPG 83 tỷ đồng, ĐCM 41 tỷ đồng, MCH 33 tỷ đồng, HAG 26 tỷ đồng

Hương Trang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chung-khoan-215-chia-co-tuc-khung-co-phieu-fpt-vuot-dinh-23-lan-trong-chua-day-5-thang-122846.html